1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cảnh sát 113 khổ vì gái “bán hoa”!

(Dân trí) - Việc tổng đài Trung tâm cảnh sát 113 bị những kẻ vô ý thức quấy rối đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng chuyện cảnh sát 113 bị gái bán hoa quấy rầy thì thời gian gần đây mới thường xuyên xuất hiện.

Ế khách quay sang làm phiền... 113

Một đêm cuối tháng 12, tại tổng đài trung tâm cảnh sát 113 - Công an TP Hà Nội. Đặt chiếc máy điện thoại xuống mặt bàn, thượng sĩ Trương Tấn Anh quay lại nói với chúng tôi, giọng tự trào: “Cứ những đêm hôm mưa gió rét mướt là thời điểm chúng tôi phải chuẩn bị tinh thần để nghe chị em “hỏi thăm”. Giữa đêm hôm khuya khoắt nghe tiếng phụ nữ cũng bớt đôi phần mệt nhọc nhưng “vướng” phải mấy đối tượng này thì mệt lắm. Đủ thứ chuyện trên trời dưới biển”.

Như để minh chứng cho lời trần tình của chàng chiến sĩ trẻ, ngay sau đó có một cuộc gọi đến từ một số máy di động 098852…. Qua loa ngoài chiếc điện thoại, tiếng một phụ nữ thỏ thẻ phát ra khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự… trơ tráo đến mức khó tưởng tượng. “Anh ơi, em đang đợi anh ở… rồi đấy, hôm nay em ế quá, anh qua nhanh đi nhé!”. Mặc cho chàng chiến sĩ trẻ giải thích luật định và khuyên giải, người phụ nữ vẫn không ngừng thỏ thẻ, thậm chí còn cẩn thận nhắc đồng chí này phải ghi lại địa chỉ kẻo quên!

Đại úy Dương Văn Đức cười vui: “Ngày nào chúng tôi chẳng được ăn “của ngon vật lạ”. Khi anh em chiến sĩ xẵng giọng là chị em sẵn sàng chửi lại ngay. Đó là những trường hợp gọi điện đến với lý do không biết xếp vào nhóm nào: hoang báo hay quấy rối. Điển hình như trường hợp rất nhiều chị em phụ nữ vào những ngày mưa gió, vì ế khách, vì không ngủ được gọi đến chúng tôi để hỏi xin tên tuổi và nằng nặc xin được gặp mặt...”.

Máy tính theo dõi những cuộc điện thoại đến tổng đài trung tâm cảnh sát 113 của Trung tá Nguyễn Nam Bang, Đội phó Đội CS 113 kín đặc những số điện thoại được đưa vào danh sách “quấy rối”. Trong những cuộc điện thoại gọi đến với mục đích đùa chơi, rất nhiều từ những đầu số mới đang khuyến mại của các mạng di động.

Theo cuốn sổ này, từ giữa tháng 6 trở lại đây, số điện thoại 09723617… đã gọi quấy rối tới 236 cuộc, số điện thoại 09763830… gọi 190 cuộc, 09127242… gọi 185 lần, 09750584… chửi bậy 109 lần... Cá biệt có số điện thoại bàn 76134… từ đầu năm gọi tới 113 quấy rối nhiều không kể xiết. Chỉ riêng trong ngày 9/12, trung tâm 113 đã ghi lại xuất phát từ số này tất cả 101 lần với nội dung không rõ ràng.

Trung tá Nguyễn Nam Bang lắc đầu ngán ngẩm kể về những lần ông phải trực tiếp nghe những lời gạ gẫm qua đêm của phụ nữ: “Chuyện chị em phụ nữ quấy rối trung tâm đang dần trở thành chuyện thường ngày của chúng tôi và rất nhiều trường hợp, các chiến sĩ của chúng tôi bất đắc dĩ phải trở thành chuyên gia tâm lý khi phải giải thích và khuyên nhủ đối tượng đặc biệt này”.

Tháng 5 vừa qua, một tiếp viên quán cà phê tại Biên Hoà đã bị bắt vì quấy rối Cảnh sát 113. Nữ tiếp viên này từ đầu năm 2006 đến thời điểm bị bắt đã dùng hàng loạt số điện thoại khác nhau để gọi vào các số 113 và 114. Riêng lực lượng Cảnh sát 113 ngày nào cũng bị gọi từ 1 đến 3 lần báo hoang tin.

Trong ngày 30/4/2007, cô gái này đã gọi 10 lần vào số máy 113. Sau nhiều ngày theo dõi, lực lượng trinh sát Công an Đồng Nai đã bất ngờ ập vào quán cà phê Thanh Lịch ở số 160, KP11 (phường Tân Phong, TP Biên Hòa) bắt giữ đối tượng khi cô ta đang gọi điện chọc phá cảnh sát 113.

Khó khăn khi xử lý

Cho đến bây giờ, khi chuyện chửi bới, lăng mạ, quấy rối đã trở thành chuyện “cơm bữa” đối với trung tâm 113 thì mức xử phạt (căn cứ theo điều 7, khoản 2, nghị định 150/NĐ của Chính phủ) lại hoàn toàn không có tác dụng răn đe. Cụ thể: “Phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng với các hành vi báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Gọi điện thoại đến các số máy khẩn cáp để trêu đùa, chửi bới, đe dọa, quấy nhiễu, thử máy điện thoại nhằm các mục đích khác”.

Là đơn vị chịu trận nhưng trung tâm cảnh sát 113 cũng chỉ có cách cầu cứu phía bưu điện giúp đỡ để tìm ra thủ phạm qua các số điện thoại. Nhưng xem ra yêu cầu này cũng trở thành nhiệm vụ bất khả thi…

Trung tá Bang cho biết: "Chúng tôi đã gửi danh sách những số điện thoại thường xuyên quấy rối sang Thanh tra Bưu chính Viễn thông từ lâu mà vẫn chưa nhận được hồi âm họ xử lý như thế nào. Có một đợt phía bên đấy cũng cử người sang đây yêu cầu cung cấp danh sách cụ thể nhưng với hệ thống máy móc hiện nay, chúng tôi rất khó sàng lọc từ trên máy mà chủ yếu thống kê lại bằng phương pháp thủ công".

Điển hình như khi trung tâm 113 yêu cầu cung cấp làm rõ địa chỉ chủ thuê bao máy bàn 761349… thì phía bưu điện đã nhã nhặn từ chối vì lý do chủ thuê bao yêu cầu được giấu số và địa chỉ. Từ ngày 1/1 - 30/5/2007, 113 đã có nhiều công văn gửi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông yêu cầu xử lý điển hình một số đối tượng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.

Hồi 15h ngày 4/12, cảnh sát 113 Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã tiến hành bắt giữ Đỗ Văn Huynh (16 tuổi, quê Thanh Hóa) vì hành vi nhiều lần gọi điện từ số máy 04.2873196 đến Trung tâm cảnh sát 113 quấy rối. Bằng chứng về hành vi quấy rối qua điện thoại của Huynh đã được hệ thống máy tính tự động của Trung tâm 113 ghi lại và lưu trữ. Tuy nhiên, Huynh chỉ bị xử phạt hành chính 250.000 đồng.

Trên đây chỉ là hai trong số hàng trăm vụ quấy rối qua điện thoại bị cảnh sát 113 xử lý. Trước đó, cảnh sát 113 Công an TP Hà Nội cũng đã tạm giữ một điện thoại bàn của một gia đình ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng vì để trẻ con nghịch gọi điện quấy rối. Mức xử phạt trong trường hợp này cũng chỉ dừng lại ở mức 200.000 đồng!

Phúc Hưng