Thực hiện trật tự kỷ cương đô thị ở TP Cần Thơ:

“Càng xử lý dân càng lấn chiếm”

(Dân trí) - “Việc làm được thì nhiều nhưng vẫn còn vi phạm xảy ra, thậm chí là hơn năm trước. Làm thế nào mà càng xử lý, người dân càng lấn chiếm, càng xử phạt càng phản tác dụng, phản ứng của dân càng lớn?” - Phó Chủ tịch TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh đánh giá.

Năm 2012 là năm TP Cần Thơ tiếp tục thực hiện chủ đề “trật tự kỷ cương đô thị”. Theo đánh giá chung của lãnh đạo 2 quận trung tâm là Ninh Kiều và Bình Thủy thì kết quả thực hiện chủ đề này trong 9 tháng qua đạt rất nhiều nhưng nhìn chung vẫn chưa được như mong muốn. Cả 2 địa phương đều nhìn nhận, việc xử lý vi phạm "nói chung là vẫn còn nhiếu cái khó khăn".

Theo báo cáo sơ bộ của UBND quận Ninh Kiều cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, quận công bố 5 quyết định thu hồi hoặc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Ngành chức năng ra quân kiểm tra xử lý về trật tự đô thị, trật tự xây dựng với trên 7.180 trường hợp vi phạm, phạt hành chính trên 2 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo UBND quận Bình Thủy, nạn xây dựng sai phép, không phép vẫn chưa xử lý triệt để. Qua thống kê, chỉ riêng tuyến QL91B hiện nay có 209 trường hợp xây dựng vi phạm, đã thực hiện 131 quyết định cưỡng chế, tự ý tháo dỡ, xét cho tạm sử dụng; hiện vẫn còn tồn đọng 78 trường hợp vi phạm lộ giới 80m đang tiếp tục xử lý. Cũng tại quận Bình Thủy, khi kiểm tra 219 trường hợp tại “khu vực đăng ký không xây dựng nhà không phép, sai phép” ở các phường thì phát hiện đến 179 trường hợp vi phạm.  

Đáng chú ý, tình hình mua bán lấn chiếm lòng lề đường vẫn còn diễn ra. Quận Ninh Kiều đã tiến hành giáo dục trên 5.650 trường hợp, lập biên bản phạt trên 8.430 trường hợp với số tiền trên 1,3 tỷ đồng (tăng trên 377 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2011). Còn quận Bình Thủy kiểm tra phạt hơn 1.300 trường hợp vi phạm với số tiền trên 285 triệu đồng.

Theo lãnh đạo các địa phương thừa nhận, tình hình lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè và tình trạng vứt rác bừa bãi, đổ rác không đúng nơi, đúng thời gian quy định và việc xử lý đang là cái khó của ngành chức năng. Ngoài ra, việc treo quảng cáo, tiếp thị, phát tờ rơi loạn xạ cũng gây mất mỹ quan cho bộ mặt trung tâm TP.  

Phòng Quản lý Đô thị quận Ninh Kiều cho hay, đối tượng bỏ rác bừa bãi, không đúng quy định chủ yếu từ những người bán hàng rong, những hộ không đóng tiền rác. Khi đó, người dân phản ánh việc vận chuyển rác đi tới đâu dơ tới đó và những điểm tập kết rác gây mùi hôi đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của họ.

Lực lượng Công an 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy đều cho biết, việc xử lý những người buôn bán chiếm lề đường, vỉa hè hết sức khó khăn. Đa số người dân họ là nông dân bán nhỏ lẻ nên lực lượng kiểm tra đến thì họ bưng cái thúng, cái rổ là có thể chạy thoát. Ngoài ra, việc tịch thu, tạm giữ cũng có cái khó bởi nếu là bàn ghế thì có thể dễ xử lý nhưng đồ tươi như cá, rau, trái cây thì không biết phải giữ ở đâu.

“Càng xử lý dân càng lấn chiếm”
Mua bán, lấn chiếm lòng lề đường đang là một trong những vấn đề "khó xử lý" của TP Cần Thơ. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Ông Lê Tấn Học- Phó Ban Thường trực Ban An toàn gia thông TP Cần Thơ- cho rằng, quận Ninh Kiều là quận trung tâm nghe cũng sướng nhưng lại rất vất vả. Đây là nơi mua bán nhiều nhưng việc xử lý chỉ như “bèo dạt mây trôi”. Khi đoàn đến thì dẹp được nhưng khi đoàn đi thì vẫn như cũ. Trong khi đó, đường xá hẹp, vỉa hè nơi thế này, nơi thế khác cũng khó mà có trật tự.

Theo ông Học, đối với người mua gánh bán bưng nên quy hoạch tại một vài điểm nào đó để những người này có nơi mua bán. “Một bó rau, một con cá nếu giải quyết triệt để quá thì khó cho họ. Không có chỗ để bày bán thì họ phải ra đường. Muốn người ta chấp hành thì cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho họ buôn bán”, ông Học nói.

Về vấn đề rác, theo ông Học nên quy định giờ tập kết rác, chứ lúc nào họ cũng bỏ rác hết thì trông không được văn hóa cho lắm. Ông Học đánh giá, xung quanh việc quảng cáo, tiếp thị tại ngã ba, ngã tư vừa mất trật tự, mất văn hóa lại mất an toàn. Do đó, nên xem tờ tơi địa chỉ ở đâu thì phải phân tới đó để xử lý.

Phòng Văn hóa- Thông tin quận Ninh Kiều cho rằng, việc xử lý những tờ rơi, tiếp thị, quảng cáo rất khó khăn. Trên thực tế, Phòng rà soát được, thống kê được nhưng khi mời chủ nhân số điện thoại đến nhắc nhở thì họ không tới nên không lập biên bản xử lý được. Đặc biệt, tại các điểm trường học, tình hình quảng cáo, phát tờ rơi rất lớn, trường có báo công an nhưng đến chỉ thu được tang vật, chứ không làm việc được với chủ của những tờ rơi này.

Đại tá Phan Minh Tấn - Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ- thẳng thắn, tình hình trật tử kỷ cương đô thị năm rồi và năm nay những cái được và chưa đươc vẫn chưa có gì thay đổi. "Chúng ta đã tuyên tuyền rất nhiều nhưng cần xem lại hiệu quả. Chủ trương đã có từ lâu nhưng vai trò quản lý nhà nước về trật tự kỷ cương đô thị là điều quan trọng bởi ngành chức năng ở quận, phường có thường xuyên nhắc nhở, có quyết liệt hay không?"- Đại tá Tấn truy vấn.

Cũng theo Đại tá Phan Minh Tấn, cơ sở hạ tầng hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu quản lý trật tự kỷ cương đô thị. "Muốn trật tự thì đường phải đẹp, vỉa hè phải rộng, cống rãnh phải thông. Trước nhà dân, vỉa hè không bằng phẳng thì người dân họ cũng khó có ý thức mà giữ gìn. Ví như khách đến chơi thấy nhà đẹp thì tự nhiên họ sẽ bỏ giày dép ở bên ngoài. Do đó, đường phố đẹp thì người ta sẽ tự nhiên không làm cho xấu đi”, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ ví von.

Theo Đại tá Tấn, đối với việc mua bán lấn chiếm lòng lề đường cần bố trí, sắp xếp chỗ nơi cho họ bán là điều quan trọng chứ chỗ nào cũng bán được, thu phí được thì đã vô tình cho người ta mua bán nên việc xử lý khó là điều khó tránh khỏi.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở Xây dựng TP Cần Thơ cho rằng, quận Ninh Kiều là quận trung tâm của TP Cần Thơ, do đó nên xây dựng một slogan để đánh vào niềm tự hào của người dân, từ đó có thể họ có ý thức cao hơn đối với thành phố của mình.

Đánh giá tình hình các quận thực hiện trật tự kỷ cương đô thị, bà Võ Thị Hồng Ánh- Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ- cho rằng, qua báo cáo của các quận, hai năm thực hiện kết quả rất nhiều nhưng cần thẳng thắn nhìn lại hiệu quả. “Việc làm được thì rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều tình trạng vi phạm xảy ra, thậm chí là tăng hơn năm trước. Làm thế nào mà càng xử lý, người dân họ lại càng lấn chiếm, càng xử phạt thì càng phản tác dụng, phản ứng của người dân lại càng lớn”- bà Ánh băn khoăn.

Việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, theo bà Ánh cần xem lại những văn bản quy định, thấy cái nào chưa phù hợp thì điều chỉnh ngay. “Không phải cái nào chúng ta đưa ra điều đúng mà cần có sự khách quan, hài hòa vừa đảm bảo tính nghiêm minh vừa đảm bảo thuận lợi đời sống cho người dân”, bà Ánh nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu các ngành chức năng rà soát kiểm tra thực trạng trên địa bàn, dựa trên thực tiễn để xem lại những giải pháp nào tối ưu hữu hiệu thì nhân rộng ra, giải pháp nào chưa hữu hiệu thì tìm giải pháp mới. Theo bà Ánh, khi đề ra biện pháp xử lý phải nắm được tác động của nó và khi đề xuất lên TP thì phải biết hiệu quả sau này thế nào.

Phó Chủ tịch TP Võ Thị Hồng Ánh cũng đề nghị, cần lựa chọn những điểm, mô hình, khu dân cư, tổ dân phố làm tốt công tác trật tự kỷ cương đô thị để khen thưởng, từ đó khyến khích những nơi khác làm đông lực để họ phát huy tinh thần chấp hành tốt quy định về trật tự kỷ cương đô thị. “Quyết tâm thì đã quyết tâm rồi, nhiều biện pháp cũng đã được đưa ra nên yêu cầu các ngành chức năng đi vào xử lý quyết liệt hơn nữa”- bà Ánh nhấn mạnh.

                                                                                                Huỳnh Hải