Đà Nẵng:

Càng chống ngập càng... ngập nặng

(Dân trí) - Do ảnh hưởng của rãnh thấp vắt qua khu vực miền Trung nên các tỉnh trong khu vực xảy ra mưa lớn. Từ đêm 3/9 đến chiều ngày 4/9, TP Đà Nẵng cũng xảy ra mưa lớn khiến nhiều tuyến đường bị ngập nặng gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, nhiều tuyến đường như Quang Trung (đoạn trước Bệnh viện Đà Nẵng), ngã ba Nguyễn Thị Minh Khai - Lê Thánh Tôn, Tô Hiến Thành (đoạn trước Khu tập thể nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), Hàm Nghi (đoạn gần ngã tư Hàm Nghi - Nguyễn Văn Linh), khu vực ngã ba Lý Tự Trọng - Hải Hồ… bị ngập úng nặng khiến sinh hoạt người dân bị ảnh hưởng, học sinh sinh viên phải đến trường trong cảnh lội nước.

Đoạn đường Quang Trung bị ngập sâu khiến cho xe cộ lưu thông rất khó khăn
Đoạn đường Quang Trung bị ngập sâu khiến cho xe cộ lưu thông rất khó khăn

Do là ngày đi làm lại sau kỳ nghỉ lễ và học sinh đến trường nên giao thông có phần hỗn loạn. Tại trường THCS Nguyễn Huệ trên đường Quang Trung, do mưa ngập cao gần 0,5m nên nhiều học sinh trưa 4/9 tan học phải dắt xe đi bộ.

Theo thống kê của Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, mặc dù đã rất nỗ lực nhưng số vị trí ngập úng năm 2012 tăng gấp 2,5 lần so với năm 2011, nhiều điểm vẫn đối mặt với nguy cơ ngập sâu.

Theo báo cáo của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng gửi các đại biểu HĐND trong kỳ họp vừa qua, hiện TP Đà Nẵng tồn tại 83 điểm ngập úng, tăng 50 điểm so với năm 2011. Trong số đó, quận Sơn Trà, Liên Chiểu là địa phương có số điểm ngập úng nhiều nhất với 20 điểm. Tiếp đến là quận Thanh Khê với 14 điểm, quận Hải Châu 9 điểm, quận Ngũ Hành Sơn 8 điểm, quận Cẩm Lệ 7 điểm và huyện Hòa Vang 5 điểm.
 
Đoạn đường Quang Trung bị ngập sâu khiến cho xe cộ lưu thông rất khó khăn

Điều đáng lo ngại là số điểm ngập úng của các quận hầu như không giảm mà tăng mạnh, nhiều quận trung tâm như Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê có số điểm ngập úng tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Đơn cử như quận Sơn Trà năm 2011 toàn quận chỉ có 5 điểm ngập úng thì năm 2012, theo thống kê của Công ty thoát nước và xử lý nước thải, số điểm ngập úng tăng gấp 4 lần; quận Hải Châu tăng gấp 2 lần; quận Thanh Khê tăng thêm 4 điểm.

Theo lãnh đạo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải, số lượng điểm ngập úng tồn tại năm 2012 không chỉ là các điểm ngập cũ, kéo dài trong thời gian mà phát sinh thêm nhiều điểm ngập úng mới qua mặc dù TP Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực đầu tư xây dựng.
 
Đoạn đường Quang Trung bị ngập sâu khiến cho xe cộ lưu thông rất khó khăn
 
Đoạn đường Quang Trung bị ngập sâu khiến cho xe cộ lưu thông rất khó khăn

Tại điểm ngập úng tại khu vực khu dân cư lân cận hồ Đầm Rong 1 (đường Hải Hồ, quận Hải Châu), mặc dù đã đầu tư hệ thống cống thoát nước lớn nhưng do cao trình mặt đường thấp từ 1,2-1,3m nên khi mực nước sông Hàn dâng cao khiến hệ thống thoát nước mất tác dụng.

Một số vị trí khác như nút giao thông Quang Trung - Đống Đa, dọc tuyến đường Tô Hiến Thành (quận Sơn Trà)… với nhiều lý do như xây dựng thiếu đồng bộ, hệ thống  thoát nước không hoàn chỉnh nên tình trạng ngập úng mỗi khi có mưa lớn.

Theo lãnh đạo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, trong tổng số 83 điểm ngập úng có 33 điểm ngập úng cũ của năm trước vẫn chưa được khắc phục. Số còn lại tập trung ở các khu dân cư mới do các ban quản lý điều hành. Trong số đó có 11 điểm ngập sâu, kéo dài trong thời gian qua mặc dù thành phố và các ngành chức năng đã cải thiện.

Nguyên nhân của tình hình này là do quá trình đầu tư và khớp nối giữa hệ thống cống mới xây và xây cũ thiếu đồng bộ nên vẫn xảy ra ngập úng. Cụ thể, một số điểm như ngã tư Quang Trung - Đống Đa, khu vực Đầm Rong (đường Hải Hồ), khu vực đường Nguyễn Xuân Nhĩ và Trương Chí Cương… bị ngập nặng từ 1-1,6m mỗi khi có mưa lớn”.
 
Công Bính