“Cần xét lại kết quả kiểm tra chất lượng xăng, dầu”

(Dân trí) - “Trong một vụ án, có nơi điều tra này điều tra ra được kết quả, nhưng nơi khác lại không. Vấn đề kiểm tra chất lượng xăng, dầu cũng vậy, cần có sự tham gia của nhiều thành phần chuyên môn mới đủ tầm để đưa ra kết quả chính xác nhất.

Đó là ý kiến của PGS, TS Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm tư vấn giám định dân sự, nguyên Viện phó Viện khoa học kỹ thuật hình sự, Bộ Công an, bên lề Hội thảo trao đổi về các nguyên nhân gây cháy nổ ô tô, xe máy, do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội vừa tổ chức.

Ông đưa ra nhận định: chất lượng xăng dầu “có vấn đề” và là “nghi can” số 1 gây ra các vụ cháy, xe cơ giới liên tục trong thời gian qua. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra một số mẫu xăng, dầu trên toàn quốc của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng mới công bố cho thấy, hầu hết các mẫu xăng được kiểm tra đều đạt chất lượng?

Kết quả công bố khiến tôi rất buồn và thất vọng. Cá nhân tôi cho rằng, cần xem lại cách lấy mẫu, thời điểm lấy mẫu, cách tiến hành kiểm nghiệm. Nếu lấy 1- 2 lít xăng ở mỗi địa điểm rồi kiểm tra thông thường thì không ổn. Trước đó, cũng chính cơ quan chức năng đã công bố: đại đa số mẫu xăng ở khu vực phía Nam không đạt tiêu chuẩn về chỉ số octan. Vấn đề đặt ra là, để qua mặt cơ quan kiểm tra, làm tăng chí số octan, gian lận về chất lượng chỉ cần pha thêm một lượng acetone là được. Còn để tăng lợi nhuận, người ta có thể pha methanol, bởi nó có giá thành rẻ (khoảng 9-10 nghìn đồng/lít). Nên nhớ, trước đó, tại Hà Nội cũng đã phát hiện một địa điểm bán xăng có hàm lượng methanol lên đến 15,3% thể tích. Đây là tỷ lệ quá cao và có thể là tác nhân quan trọng dẫn đến cháy nổ.

“Cần xét lại kết quả kiểm tra chất lượng xăng, dầu” - 1

PGS, TS Hoàng Mạnh Hùng đặt nhiều nghi vấn vào cách kiểm tra chất lượng xăng, dầu. (Ảnh: TT)

Đã có nhiều nhà khoa học đưa ra những giả thiết liên quan đến nguyên nhân gây cháy nổ xe như: chập điện, do vật bắt cháy cuốn vào ống xả, thậm chí do tắc đường, xăng trong bình cạn quá, bốc hơi gặp lạnh… Ông nghĩ sao về những giả thiết này?

Tất cả các tình huống đều có thể xảy ra. Tuy nhiên, trong thời điểm các vụ cháy, nổ liên tiếp xảy ra, cần xác định “nghi can” nổi cộm nhất. Về phương diện hình sự, chúng tôi nghiêng về khả năng xăng, dầu có thể bị pha thêm methanol hoặc axitol để gian lận về chất lượng và tăng lợi nhuận.

Lý do bởi về tính chất hóa học, methanol là hóa chất phản ứng mạnh, rất dễ cháy và nó hòa tan tốt trong xăng. Trong khi đó, các nguyên liệu cấu thành vỏ xe và hệ thống dẫn nhiên liệu có cả nhựa, cao su, đồng, nhôm… Cần lưu ý, việc rò rỉ do ống nhiên liệu, gioăng cao su nhiên liệu như đồng, kẽm, nhôm… có thể xảy ra, do bị ăn mòn khi nồng độ metanol đạt 15% trở lên. Khi nhiên liệu đã có chỗ để phát tán ra, gặp gặp nguồn nhiệt cao của độ động cơ đạt đến giới hạn cho phép, lúc này thậm chí chỉ cần một cú va chạm hoặc có tia điện sẽ xảy ra nổ, cháy.
Về giả thiết gây cháy do những khuyết tật về máy, chuyện bảo dưỡng hoặc gioăng hỏng, hay dính ống xả, chập điện… chúng tôi xếp sau. Còn cách giải thích nếu chỉ còn 5% thể tích trong bình xăng mà bốc hơi gặp lạnh cháy thì chưa thuyết phục. Bởi cháy, nổ cần 2 điều kiện: 1 là nhiên liêu hoặch hơi nhiên liệu; 2 là phải có nhiệt độ. Nếu xe không nhiên liệu hoặc cạn thì không có nhiệt, đương nhiên sẽ không cháy, nổ.
Thưa ông, một số ý kiến khác còn cho rằng hợp kim làm vỏ máy xe hiện nay đã bị pha trộn rất nhiều để tiết kiệm giá thành. Điều đó ảnh hưởng lớn đến khả năng tỏa nhiệt của động cơ, lại kết hợp với phụ gia về xăng bị pha trộn là yếu tố thuận lợi để cháy, nổ?

Đúng là thành phần hợp kim quyết định nhiều đến cơ chế tỏa nhiệt và ảnh hưởng đến việc hệ thống dẫn nhiên liệu có bị hở hay không. Nhưng vấn đề ảnh hưởng thế nào, thời gian nào, trong bao lâu hay gặp nhiên liệu gì sẽ hao mòn nhanh… thì cần phải có thêm nghiên cứu tổng hợp và thận trọng. Cần có một “nhạc trưởng” tập hợp nhiều nhà khoa học trong vấn đề khác nhau rồi tổng hợp lại để cùng nghiên cứu thì mới có được đáp án chuẩn xác nhất. Chúng ta để chậm ngày nào, dân chúng hoang mang ngày đó. Nước ngoài sẽ đánh giá kém về công nghệ của chúng ta. Nhưng trong chuyện này khoa học kém hay chỉ đạo hoạt động kém!

“Cần xét lại kết quả kiểm tra chất lượng xăng, dầu” - 2

Liên tếp xảy ra các vụ cháy xe cơ giới trong thời gian gần đây.

Lại có phản biện: thông thường khi xe cháy nổ do nhiên liệu sẽ nổ “bùm” kiểu như bom. Nhưng thực tế hiện nay, nhiều vụ cháy lại diễn ra khi xe đang đi đường, lúc đầu phát hiện cháy ít rồi mới lan dần. Ông nghĩ sao?

Cháy, nổ là quá trình liên tiếp của nhau, trong điều kiện nào chỉ có cháy, trong điều kiện nào chỉ có nổ. Do đó, xe đang cháy ở môi trường hở (tức đi trên đường) thì hầu như không nổ. Khác với vụ án ở Bắc Ninh, do xe bị đặt thuốc nổ nên nổ trước rồi mới cháy.

Trong quá trình nhiều chục năm đi khám nghiệm các vụ án trên nhiều địa phương, ông đã gặp vụ cháy nào liên quan đến cháy, nổ xe do xăng pha chưa?

Ở môi trường kín và xe chưa cháy hết thì đa số vụ đều được cơ quan hình sự tìm ra nguyên nhân. Nhưng phương tiện đã cháy hết rồi, lại ở môi trường hở thì rất khó tìm. Bởi những chất cháy nổ ở nhiệt độ cháy thì bay hết mùi, chỉ còn lại mùi xăng. Chúng tôi đã từng điều tra vụ việc xe để sau vài tiếng mới cháy, nổ, do bị rơm quấn vào ống xả, sau nhiều tiếng mới cháy do tích nhiệt. Lại có vụ ô tô để trong gara đến đêm mới cháy, do chập điện; cũng có vụ do người tự đốt...

Nếu được cơ quan chức năng đề nghị tham gia điều tra tìm nghuyên nhân các vụ cháy xe trong thời gian qua, ông có đảm bảo sẽ đưa ra lời giải chính xác?

Tôi khẳng định việc tìm ra nguyên nhân cháy, nổ rất khó khăn và cần sự hợp tác của nhiều cơ quan chuyên môn. Vì thế tôi cũng đã đề xuất Sở KH-CN Hà Nội cần thành lập Ban chỉ huy đặc nhiệm khoa học để tìm hiểu về những hiện tượng nóng trong xã hội, trong đó có hiện tượng cháy xe. Đội đặc nhiệm này có quyền yêu cầu tất cả các điểm bán xăng cung cấp mẫu, nếu có vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Các thiết bị tiết kiệm xăng cũng phải đăng ký cấp phép và đội có nhiệm vụ tịch thu tất cả những thiết bị không rõ nguồn gốc. Kèm theo đó, mỗi chiếc xe cháy đều phải được lập hồ sơ ghi rõ ngày mua, việc bảo hành, địa điểm mua xăng… Và trong vòng một năm phải tìm ra nguyên nhân cháy xe.

Xin cảm ơn ông!

Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nội đã tiến hành thực nghiệm trên chiếc Honda Dream II với hai mẫu xăng so sánh: xăng RON 92 đạt chuẩn; và xăng gồm 85% chuẩn với 15% methanol tính về thể tích. Thời gian chạy thử là 60 phút. Kết quả, với điều kiện vận hành không tải thì nhiệt độ tại thân động cơ khi vận hành với xăng pha 15% methanol tăng khoảng 10% so với khi vận hành bằng xăng chuẩn. Cùng đó, khi vận hành không tải với xăng pha methanol khoảng 50 phút, động cơ hoạt động không ổn định và liên tục chết máy.

P. Thanh (thực hiện)