Cân nhắc khai thác đoạn trên cao đường sắt ga Hà Nội – Nhổn từ năm 2020

(Dân trí) - TP Hà Nội dự kiến vận hành đoạn đường sắt trên cao (Nhổn đến trường Đại học Giao thông vận tải) dài 8,5km vào năm 2020, đoạn đi ngầm dài 4km dự kiến hoàn thành vào năm 2022.

Sáng 6/5, ông Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy Hà Nội trực tiếp kiểm tra tiến độ triển khai Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Đoàn đã kiểm tra công trường Nhà ga S8, (Ga trên cao cuối cùng của tuyến, cạnh Trường Đại học Giao thông vận tải), Nhà ga S6 (cạnh ĐH Quốc gia Việt Nam) và dọc tuyến lên ga đầu tuyến Depot Nhổn (quận Bắc Từ Liêm).

Tháng 6/2020, đoàn tàu đầu tiên về tới Hà Nội

Ông Nguyễn Cao Minh - Trưởng ban Quản lý dự án Đường sắt Hà Nội cho biết, dự án đã hoàn thành đấu thầu và ký kết hợp đồng được 8/9 gói thầu, thi công tuyến trên cao đạt trên 82%, nếu tính cả phần đi ngầm đạt khoảng 41% theo thiết kế dự án. Khối lượng giải ngân luỹ kế đến nay đạt 7.156 tỷ đồng/32.910 tỷ đồng.

Công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đã xong toàn bộ phần 8,5km đi trên cao, phần 4km đi ngầm chưa hoàn thành, trong đó có nhiều vị trí khó khăn như: ga Kim Mã (S9) còn 11/13 hộ dân, ga Cát Linh (S10) còn 8/23 hộ dân, ga Văn Miếu (S11) còn 37/61 hộ dân và 1/4 cơ quan, ga Trần Hưng đạo (S12) còn 43/46 hộ dân và 2/7 cơ quan...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường sắt Ga Hà Nội - Nhổn
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường sắt Ga Hà Nội - Nhổn

Ông Nguyễn Cao Minh cho biết, dự kiến tiến độ phần nổi từ Nhổn đến ga S8 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác vào cuối năm 2020, phần ngầm sẽ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2022. Đoàn tàu đầu tiên về tới Hà Nội dự kiến vào tháng 6/2020.

Theo ông Nguyễn Cao Minh, tiến độ dự án bị chậm là do về chủ quan, năng lực và kinh nghiệm quản lý thực hiện dự án của chủ đầu tư còn hạn chế, nhất là đối với dự án lớn và có công nghệ phức tạp. Vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng (đặc biệt là giải phóng mặt bằng khu vực các ga ngầm); chậm bố trí vốn để thanh toán cho các nhà thầu thi công…

Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị TP Hà Nội kiến nghị chủ trương điều chỉnh tổng tiến độ dự án theo phương án khai thác trước đoạn trên cao từ Nhổn đến ga S8 (quận Cầu Giấy); UBND thành phố tiếp tục được áp dụng hệ số thu nhập tăng thêm 2,7 lần cho cán bộ, công chức và cho phép Ban chủ động quyết định thuê chuyên gia, tư vấn trong các trường hợp cần giải quyết các vấn đề đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật sâu.

Không để “công trình chờ vốn”

Sau khi nghe báo cáo, trao đổi của đại diện các nhà thầu và lãnh đạo các cơ quan liên quan, kết luận buổi kiểm tra, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ, đường sắt đô thị là giải pháp giao thông hiệu quả và bền vững, có tầm quan trọng chiến lược, lâu dài để giải quyết bài toán giao thông đô thị của Thủ đô.

Đoạn tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội là một trong những dự án trọng điểm, triển khai đầu tiên trong hệ thống đường sắt đô thị của thành phố. Do đó, các đơn vị của thành phố phải tập trung mọi nguồn lực cần thiết khác cho dự án này cũng như các dự án chuẩn bị triển khai xây dựng sau đó.

Hà Nội dự kiến đưa đoạn đường sắt đi trên cao vào khai thác năm 2020
Hà Nội dự kiến đưa đoạn đường sắt đi trên cao vào khai thác năm 2020

Trao đổi về các kiến nghị của Ban Quản lý Dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội, ông Hoàng Trung Hải giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố báo cáo theo quy định việc điều chỉnh tổng tiến độ dự án theo phương án khai thác trước đoạn trên cao từ Nhổn đến ga S8 Cầu Giấy.

UBND thành phố triển khai gấp các cuộc làm việc với bộ, ngành và khẩn trương báo cáo Chính phủ các nội dung nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho dự án; đồng thời phấn đấu không để tình trạng “công trình chờ vốn” mà chủ động xây dựng chính sách ứng vốn trong trường hợp vốn trung ương chưa kịp bổ sung.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo, triển khai cơ chế báo cáo tuần tình hình triển khai dự án để kịp thời nằm bắt các vướng mắc, khó khăn. Các đơn vị cũng cần lưu ý sớm chuẩn bị các bước của công tác vận hành, chi tiết hoá tất cả các khâu để nắm thế chủ động, bảo đảm tiến độ, chất lượng của việc này.

Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổ- Ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, với 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm; bắt đầu từ Nhổn đến điểm cuối là Ga Hà Nội với tổng số 12 ga (8 ga nổi, 4 ga ngầm).

Tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án là 1.176 triệu Euro, tương đương với 32.910 tỷ đồng. Dự án được tài trợ bởi 4 nhà tài trợ gồm: Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Đầu tư châu Âu.

Quang Phong