Cần một “nhạc trưởng” riêng cho ngành năng lượng

(Dân trí) - UB Kinh tế của Quốc hội đề xuất nghiên cứu thành lập một cơ quan đủ thẩm quyền để tính toán vĩ mô về toàn bộ chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường như lộ trình nhằm tháo gỡ “điểm chốt” hiện nay…

Đó là những nội dung trong dự thảo báo cáo kết quả giám sát về “Việc thực hiện Chiến lược và qui hoạch phát triển ngành điện đến năm 2015”.

Theo báo cáo này, việc triển khai chiến lược và qui hoạch phát triển ngành điện Việt Nam từ năm 2006 - 2008 được thực hiện khá khẩn trương và đúng qui trình. Tuy nhiên, giai đoạn này vẫn chưa tạo được nguồn điện dự phòng, thiếu điện cung ứng cho sản xuất và đời sống linh hoạt của người dân trong một số thời điểm, nhất là vào những năm nắng nóng, hạn hán hoặc khi một trong các nhà máy điện có sự cố.
Cần một “nhạc trưởng” riêng cho ngành năng lượng - 1
Có khả năng Việt Nam sẽ phải nhập khẩu điện vào năm 2015

Về những khó khăn, tồn tại tác động bất lợi tới khả năng hoàn thành qui hoạch điện VI giai đoạn 2009 - 2010, UB Kinh tế cho rằng, tính đồng bộ giữa qui hoạch điện với qui hoạch ngành than, khí, dầu, điện nguyên tử là vấn đề cần xem xét. Bởi lẽ, do chưa có cơ quan điều tiết chung về năng lượng, giữa các qui hoạch chưa bảo đảm được tính đồng bộ, ảnh hưởng đến khả năng bảo đảm mục tiêu theo Chiến lược và qui hoạch điện VI (2006 – 2015).

Việc thiếu vốn đầu tư cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn tới chậm tiến độ trong phát triển nguồn điện và lưới điện. Tổng nhu cầu đầu tư và trả nợ của giai đọan từ 2009 - 2015 là hơn 647 ngàn tỉ đồng, tuy nhiên EVN chỉ có khả năng cân đối 264 ngàn tỉ đồng, còn thiếu tới trên 382 ngàn tỉ đồng.

Tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2008 đạt gần 66 tỉ kWh. Theo qui hoạch VI, năm 2010 đạt sản lượng từ khoảng 88 đến 93 tỉ kWh và năm 2015 đạt khoảng 150 tỉ kWh. Dự báo, đến năm 2015 do nhu cầu tăng cao vượt mức 150 tỉ kWh nên nhiều khả năng nước ta phải nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc.

Đặc biệt, theo UB, cơ chế mua bán điện còn nhiều bất cập ảnh hưởng tới khả năng tích lũy cho đầu tư các dự án theo qui hoạch điện VI. “Đây là khó khăn lớn nhất đối với sự phát triển của ngành điện nói chung cũng như việc hình thành thị trường điện mang tính cạnh tranh ở nước ta”, báo cáo nhấn mạnh.

Hiện nay giá bán điện của EVN trung bình 5,2 cent/kWh là mức rất thấp, theo EVN mức chi phí biên dài hạn bảo đảm có lãi và tích lũy cho đầu tư phát triển phải là 7,5 cent/kWh. Do vậy, trong thời gian trước mắt EVN không thể trông đợi vào nguồn tích lũy từ lợi nhuận để đầu tư cho các công trình mà chủ yếu dựa vào vốn vay và đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo báo cáo của EVN, tập đoàn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đàm phán vay vốn cả trong và ngoài nước do khả năng trả nợ của tập đoàn được đánh giá là rất khó khăn, hiệu quả dự án không cao do giá điện thấp. Cũng do cơ chế giá bất hợp lí hiện nay, 10 năm qua không có nhà đầu tư nước ngoài nào bỏ vốn đầu tư vào ngành điện.

Từ nhận định giá điện thấp là “điểm chốt” ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển của ngành điện nên UB Kinh tế kiến nghị, việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường cần được nghiêm túc thực hiện theo tiến độ đã xác định trong qui hoạch nhằm đảm bảo nhà đầu tư, kinh doanh điện bù đắp được chi phí và có lãi hợp lí.

Về tổ chức, quản lí ngành điện, UB Kinh tế kiến nghị, nghiên cứu thành lập một cơ quan đủ thẩm quyền (ví dụ Bộ Năng lượng) để tính toán vĩ mô về toàn bộ chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, giải quyết vấn đề lập qui hoạch, kế hoạch, cơ chế…

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thị trường điện lực cạnh tranh trong các khâu phát điện, phân phối điện và kinh doanh điện.

Cấn Cường