1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chất lượng sản phẩm, hàng hoá:

Cần đổi mới quản lý Nhà nước để đột phá

(Dân trí) - “Sân chơi” WTO là một thách thức với những sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam. Trọn ngày 8/11, các đại biểu QH đã ngồi bàn thảo, cho ý kiến về Dự án luật chất lượng sản phẩm, hàng hoá và kết luận thực trạng vấn đề này hiện nay còn quá nhiều bất cập.

Đánh giá về thực trạng chất lượng sản phẩm, hàng hoá, Dự án luật cho rằng, nhiều hàng hoá nội địa chưa thực sự thích ứng với yêu cầu tiêu dùng cả về chất lượng, mẫu mã, giá thành; chủng loại đơn điệu, khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp còn thấp; hàm lượng gia công trong nhiều hàng hoá xuất khẩu chủ lực còn cao dẫn tới hiệu quả xuất khẩu thấp.

Đại biểu Nguyễn Xuân Hướng (Hà Tĩnh) đồng tình với đánh giá này và đưa ra một số ví dụ để chứng minh hàng hóa Việt Nam chưa thực sự có chỗ đứng trên thị trường quốc tế: “Chúng tôi đi một số nước, hàng Việt Nam có nhưng chưa được ưa thích lắm. Đi sang Singapore thấy có quả Thanh Long nhưng chẳng ai mua, sang Nhật thì gạo, bún khô, hay những thứ của Thái Lan người ta rất hào hứng mua, nhưng hàng của Việt Nam thì người ta chưa hào hứng”.

Đại biểu Hướng cho rằng cần phải quan tâm đến vấn đề chất lượng vì chất lượng chính là thương hiệu để có thể tiếp cận với thị trường: “Thậm chí như sơn mài, một trong những mặt hàng mỹ nghệ nổi tiếng của ta nhưng ở Hungari người ta mua hàng Trung Quốc chứ hàng Việt Nam không được quan tâm lắm”.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nêu quan điểm cho rằng, chất lượng hàng xuất khẩu phải tuỳ thuộc vào thị trường để có quy định tương ứng về tiêu chuẩn chứ không nên bắt buộc sản phẩm phải có tiêu chuẩn như nhau cho tất cả các thị trường. Ông ví dụ, ở Việt Nam hàng Trung Quốc thường được nhìn nhận là rẻ nhưng chất lượng thấp, nhưng nếu sang châu Âu có thể thấy hàng Trung Quốc chất lượng lại rất cao.

Ngoài ra, nạn gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng còn phổ biến trong khi các biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng lại chưa đủ mạnh, kém tác dụng răn đe, phòng ngừa cũng được đề cập trong Dự án luật.

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đình Xuân đề nghị những vi phạm về chất lượng sản phẩm thì phải được công khai cho báo chí, công khai cho dư luận để người dân biết không sử dụng nữa và doanh nghiệp, cá nhân cũng phải trả giá cho việc sản xuất hàng kém chất lượng.

Theo đại biểu Xuân, trách nhiệm bồi thường của nhà sản xuất không phải chỉ trong lĩnh vực vi phạm chất lượng, mà phải bao gồm cả khi không cảnh báo đầy đủ những nguy cơ của sản phẩm có thể xảy ra sự cố cho khách hàng.

Về thực trạng bộ máy quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) cho rằng, tuy thời gian qua Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và gần 140 văn bản của các cấp để hướng dẫn thi hành nhưng do bộ máy tổ chức quản lý còn phân tán, việc phân công trách nhiệm không rõ ràng, chồng chéo, thiếu sự phối hợp nên công tác quản lý chất lượng hiện nay còn nhiều bất cập.

Theo bà Kim Anh, phải đổi mới quản lý Nhà nước về chất lượng mới tạo được bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.

Đức Hoà