“Cần cơ chế hỗ trợ giám sát phòng chống tham nhũng”

(Dân trí) - Chương trình sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam (VACI) 2011 đã khép lại với 34 đề án được trao giải. Chương trình cho thấy phòng chống tham nhũng không chỉ cần văn bản pháp luật, khẩu hiểu hô hào mà quan trọng là cần cơ chế hỗ trợ giám sát và cái tâm.

“Cần cơ chế hỗ trợ giám sát phòng chống tham nhũng” - 1

Lễ trao giải Chương trình VACI 2011

 

Sáng 17/8, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức lễ trao giải cho Chương trình VACI 2011. Trong số 160 đề án dự thi, 60 đề án đã lọt vào vòng chung khảo. Sau hai ngày làm việc, ban giám khảo đã chọn ra 34 đề án suất sắc nhất để trao giải và tài trợ cho việc ứng dụng vào thực tiễn.

 

Chương trình VACI 2011 có chủ đề: “Tăng cường liêm chính công và thực thi pháp luật góp phần phòng chống tham nhũng hiệu quả” được chính thức phát động ngày 9/12/2010, bao gồm hai hoạt động chính là cuộc thi sáng tạo và hoạt động trao đổi tri thức, với mục tiêu tìm ra và hỗ trợ thực hiện các ý tưởng sáng tạo, mang tính khả thi về phòng, chống tham nhũng trong cộng đồng.

 

VACI 2011 được đồng tài trợ bởi Chương trình Viện trợ Phát triển Australia (AusAID), Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID-UK), Đại sứ quán các nước Bỉ, Phần Lan và Thụy Điển.

Nhân dịp này, PVDân trí đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Hợp, Giám đốc Công Ty TNHH Dịch Vụ, Thương Mại và Đầu Tư Gia Hưng, đơn vị vừa đoạt giải thưởng của Chương trình VACI 2011 với ý tưởng phát triển “Hệ thống xếp hàng tự động” và “Hệ thống khảo sát khách hàng tự động” tại bệnh viện nhằm đảm bảo tính công bằng với người dân và tăng cường tính giám sát của người dân trong phòng chống tham nhũng. Đây cũng là đơn vị được giải thưởng Ngày Sáng Tạo Việt Nam 2011 (VID 2011).

  

Thiếu cơ chế hỗ trợ giám sát phòng chống tham nhũng

 

Ông đánh giá như thế nào về công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam?

 

Tôi không dám đưa ra đánh ra trên phạm vi toàn cục vì đây là một vấn đề rất chiến lược, không thể nói gọn trong một vài câu. Với tư cách là một người dân, tôi nhận thấy công tác phòng chống tham nhũng ở cấp cơ sở chưa thực sự hiệu quả. Tất cả các văn bản và khẩu hiệu về phòng chống tham nhũng thì đã có và thậm chí có rất nhiều; tuy nhiên, việc thực hiện nó ở cấp cơ sở còn rất hữu hạn. Ví dụ như cơ chế dân chủ cho phép “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhưng ở bệnh viện người dân vẫn chưa thực sự được tham gia vào quá trình giám sát.

 

Ông có cho rằng sự yếu kém trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật tới người dân là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động phòng chống tham nhũng?

 

Tôi không phủ nhận vai trò của truyền thông trong hoạt động phòng chống tham nhũng cũng như bất kỳ các hoạt động nào khác trong xã hội. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, vấn đề đáng quan tâm hơn đó là sự thiếu cơ chế hỗ trợ giám sát. Ví dụ, một bệnh viện có thể thông báo cho bệnh nhân rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các hoạt động của dịch vụ y tế, cho phép người dân tham gia giám sát, cho phép họ đưa ra ý kiến phản hồi, nhưng lại lại không có cơ chế hỗ trợ bệnh nhân được phản hồi. Thậm chí, người dân gửi thư góp ý cho bệnh viện nhưng 6 tháng sau họ mới mở hòm thư, đó chính là do thiếu cơ chế hỗ trợ giám sát, dẫn đến phòng chống tham nhũng chưa hiệu quả.
 
“Cần cơ chế hỗ trợ giám sát phòng chống tham nhũng” - 2
Ông Trần Đình Hợp, Giám Đốc Công Ty TNHH DV TM & DDT Hưng Gia

 

Ông lấy cảm hứng từ đâu để phát triển ý tưởng “Hệ thống xếp hàng tự động” và “Hệ thống khảo sát khách hàng tự động” tại bệnh viện?

 

Ở Việt Nam đã có rất nhiều văn bản pháp luật về phòng chống tham nhũng khá đầy đủ. Chính phủ, Nhà nước và các cơ quan TW đã có hẳn một bộ máy để thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Nếu hoạt động này chỉ trông chờ vào các cơ quan TW thì sẽ không đủ “tai mắt” để phát hiện các sai phạm kịp thời. Ý tưởng của tôi bắt nguồn từ nhu cầu phòng chống tham nhũng ở cấp cơ sở, hướng tới người dân, những người sử dụng dịch vụ y tế. Một bệnh viện có 10 hay 20 nhân viên cũng không thể nào giám sát và phát hiện kịp thời các hành vi liên qua hoặc có khả năng tham nhũng, mà chỉ có bệnh nhân mới có thể phát hiện được. Mục đích của đề án này là tăng cường tính công bằng, trách nhiệm của các bác sĩ và các nhân viên y tế, đồng thời tăng cường vai trò giám sát của bệnh nhân trong hoạt động khám bệnh thông qua hai hệ thống tự động. Với hệ thống máy móc tự động, bệnh nhân được tham gia nhận xét, đánh giá, cho ý kiến về dịch vụ họ sử dụng nhằm đảm bảo tính công bằng và sự tham gia của người dân dễ dàng hơn. Hiện nay ở các bệnh viện, việc xếp hàng lấy số rất lộn xộn, và các nhân viên bảo vệ rất vất vả mới có thể giữ được trật tự. Nhưng với hệ thống xếp hàng tự động, chỉ cần một máy in, hai người hướng dẫn, có thể giúp cải thiện việc xếp hàng tại các bệnh viện.

 

Con người tạo nên sự thay đổi

 

Ông có thể tóm tắt quá trình thực hiện đề án cũng như những khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện ý tưởng?

 

Công ty Hưng Gia đã phát triển mô hình hệ thống xếp hàng tự động từ năm 2007. Năm 2009, Ngân Hàng Thế Giới (WB) có tổ chức Cuộc thi Ngày Sáng Tạo Việt Nam 2009 với chủ đề tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm, chúng tôi đã tiến hành mô hình thứ hai nhằm khảo sát ý kiến của khách hàng. Tuy nhiên trong quá trình triển khai hệ thống đầu tiên được mọi người đón nhận hơn vì nó thực sự mang lại hiệu qua nhờ việc giảm thời gian và nhân công. Chúng tôi gặp khó khăn trong việc thực hiện hệ thống thứ hai nhất là tại các bệnh viện chưa có chính sách đổi mới.

 

Tham gia cuộc thi lần này, chúng tôi kết hợp hai ý tưởng trên thành một đề án vừa đảm bảo tính công bằng, vừa tăng cường tính giám sát. Qua quá trình thực hiện, chúng tôi rút ra một kết luận là: Chính con người mới tạo ra sự thay đổi chứ không phải hệ thống máy móc. Hệ thống máy móc chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Vì vậy chúng tôi đã bổ sung một hoạt động quan trọng của đề án đó là tăng cường năng lực cho các nhân viên y tế tại TPHCM, và đây là một nội dung chính của đề án, bên cạnh việc trang bị hệ thống máy tự động tại các cơ sở y tế.

 

Hiện nay, nhiều bệnh viện đang bị quá tải, bệnh nhân có khi phải xếp hàng chờ vài ngày mới đến lượt khám chữa bệnh. Đề án của ông có thể hỗ trợ giảm thiểu tình trạng quá tải này như thế nào?

 

Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi nhiều đơn vị chung nay nỗ lực. Tuy nhiên, hệ thống xếp hàng tự động của chúng tôi sẽ giúp làm tăng hiệu quả công việc cho các nhân viên y tế. Ví dụ, trước đây tại Bệnh Viện Y Dược, một bác sĩ trung bình một ngày chỉ khám được khoảng 50 đến 70 bệnh nhân vì họ mất nhiều thời gian cho việc sắp sổ, gọi tên bệnh nhân, và giải đáp các câu hỏi của bệnh nhân. Với hệ thống xếp hàng tự động, bác sĩ chỉ ngồi trong phòng khám, lần lượt bệnh nhân vào khám theo số thứ tự họ nhận được, do đó năng suất làm việc của bác sĩ tăng lên, một bác sĩ có thể khám cho 90-100 bệnh nhân, góp phần nào đó giảm bớt tình trạng ùn tắc chờ khác bệnh.

 

Quy trình đầu tiên là bệnh nhân đi theo thứ tự vào bấm số như ở các ngân hàng, rồi ngồi chờ, khi đến lượt thì bước vào phòng khám, được khám chữa bệnh. Sau khi khám chữa bệnh, họ sẽ sử dụng hệ thống khảo sát khách hàng tự động. Người dân có quyền đánh giá dịch vụ, đánh giá bác sĩ hoặc nhân viên y tế bằng cách nhấn nút dưới hình thức khuyết danh.

 

Ông có thể chia sẻ kế hoạch để đưa đề án vào ứng dụng rộng rãi trong thực tế đời sống?

 

Mô hình này đã được áp dụng tại Bệnh Viện Cấp Cứu TW và Bệnh Viện Nhân Dân Gia Định. Thông qua đề án này, trong vòng một năm tới chúng tôi có kế hoạch triển khai ở 5 bệnh viện nữa. Chúng tôi sẽ thành lập một quỹ xoay vòng, 5 bệnh viện này sẽ trả góp tiền mua hệ thống này, sau đó chúng tôi sẽ sử dụng quỹ này để triển khai nhân rộng mô hình tại các bệnh viện khác. Chúng tôi cũng sẽ huy động thêm các nguồn lực để phát triển mô hình này tại các bệnh viện không được hưởng lợi từ đề án nhằm góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng tại bệnh viện.

 

Thảo Nguyên (thực hiện)