Bộ trưởng Tư pháp:

"Cần cơ chế bảo vệ cuộc sống chung của người đồng tính"

(Dân trí) - “Dù công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính thì theo tôi, cũng không được tạo ra định kiến xã hội. Nhà nước cũng nên có cơ chế pháp lý để bảo vệ những lợi ích chính giữa những người cùng giới tính có quan hệ sống chung với nhau”…

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trao đổi về một vấn đề đang rất nóng trên các diễn đàn gần đây – đề xuất công nhận hôn nhân đồng tính. Tại buổi đối thoại trực tuyến vừa diễn ra, Bộ trưởng Tư pháp nhận câu hỏi về quan điểm cá nhân đối với vấn đề công nhận hay không công nhận hôn nhân của người đồng giới.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường xác nhận, sau khi Quốc hội đưa vào xây dựng chương trình luật của năm 2013-2014, việc sửa đổi bổi sung luật Hôn nhân gia đình đã dấy lên cuộc thảo luận sôi sổi, tốn nhiều giấy mực xung quanh việc công nhận hay không công nhận, hay bằng cách nào đó hợp thực hóa hôn nhân đồng tính.
Cần cơ chế bảo vệ cuộc sống chung của người đồng tính
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: "Công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính cần dựa trên nhiều nghiên cứu" (ảnh: Việt Hưng).

Luật hôn nhân gia đình của Việt Nam hiện nay cấm hôn nhân đồng tính. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, vấn đề này phải được xem xét kỹ, thấu đáo trên nhiều phương diện: văn hóa, pháp lý, tập quán và đạo đức.

Bộ trưởng Tư pháp cho biết, hiện có 2 luồng ý kiến về vấn đề này. Nhóm ý kiến đầu tiên cho rằng, đã đến lúc phải nhìn nhận thực tế là dù sao đây cũng là 1 nhóm người trong xã hội. Từ năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới đã loại đồng tính ra khỏi danh sách bệnh, không phải chữa trị và không thể chữa trị. Những người đưa ra quan điểm này cho rằng có thể sửa luật để cho phép hôn nhân đồng tính.

Nhóm ý kiến thứ 2 không đồng ý sửa luật, nhất là xét môi trường ở Việt Nam.

“Tôi được biết, đến nay đã có 23 nước công nhận quyền của người đồng tính, 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, 44 nước khác thừa nhận quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính” – ông Cường nói.

Bộ trưởng Tư pháp nêu quan điểm cá nhận: việc công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính cần phải dựa trên những nghiên cứu hết sức cơ bản, những đánh giá tác động nghiêm túc trên rất nhiều khía cạnh xã hội và pháp lý như quyền tự do cá nhân, sự tương thích với văn hóa, tập quán của xã hội và gia đình Việt Nam, tính nhạy cảm, hậu quả xã hội của quy định pháp luật… Các vấn đề này đang được nghiên cứu trong quá trình chuẩn bị dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi).

Ông Cường nhấn mạnh: “Dù công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính thì theo tôi, cũng không được tạo ra định kiến xã hội đối với cộng đồng và cá nhân người đồng tính. Đồng thời, Nhà nước cũng nên có cơ chế pháp lý để bảo vệ những lợi ích chính đáng về nhân thân, tài sản hoặc con (nếu có) giữa những người cùng giới tính có quan hệ sống chung với nhau”.

Cũng liên quan đến việc sửa luật Hôn nhân và gia đình, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng nhận câu hỏi về đề xuất hạ tuổi kết hôn đối với nữ từ 18 xuống còn 16 tuổi. Người đứng đầu ngành tư pháp phân trần, các nước trên thế giới quy định khác nhau về độ tuổi kết hôn của nam, nữ. Có nước qui định thấp, ví dụ như ở Thái Lan, nam và nữ đều phải từ đủ 17 tuổi trở lên; ở Nhật Bản, nam phải đủ 18 tuổi và nữ phải đủ 16 tuổi... Các nước XHCN Đông Âu, Liên Xô cũ trước đây quy định 16 tuổi. Nhưng cũng có nước qui định cao như Việt Nam, nữ từ 18 tuổi trở lên, nam từ 20 tuổi trở lên; ở Trung Quốc, nam từ đủ 22 tuổi trở lên, nữ từ đủ 20 tuổi trở lên… Sự khác biệt do nhiều yếu tố như truyền thống, văn hóa, chính sách dân số...

Khi sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình, dư luận có ý kiến cho rằng nên hạ thấp tuổi được phép kết hôn. Thực tế, ở một số vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, dân tộc..., người dân sớm chung sống và có con, mà không công nhận là vợ chồng nên rất thiệt thòi, trước hết là phụ nữ.

Mặt khác, ông Cường chỉ ra, quy định về điều kiện 18 tuổi mới được kết hôn đối với nữ có từ 1959. Việc thay đổi (nếu có) là rất hệ trọng, cần phải dựa trên những nghiên cứu hết sức cơ bản, những đánh giá tác động nghiêm túc về các khía cạnh xã hội và pháp lý khác nhau như: tập quán, văn hóa, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản, học tập, lập thân, lập nghiệp… Ngoài ra còn phải xét đến độ tuổi đủ năng lực hành vi dân sự theo qui định của pháp luật.  

P.Thảo