Cán bộ hư thì đại gia, đại ca mới "xông" vào được

(Dân trí) - "Chúng ta phải trách cán bộ của mình tu dưỡng, rèn luyện không đến nơi đến chốn, sống không đoàng hoàng thì người ta mới mua chuộc được. Phải phê phán cán bộ tiêu cực, chứ đừng vu hết tội cho mấy ông đại gia, đại ca.", ông Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã phân tích rõ những vấn đề liên quan đến câu chuyện Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Quốc hội Võ Trọng Việt chia sẻ về tình trạng đại gia, đại ca làm hư hỏng cán bộ, trong đó có cán bộ to.

- Ông có thể nói gì về hiện tượng đại gia, đại ca làm hư hỏng cán bộ như thông tin được ông Võ Trọng Việt chia sẻ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây ít ngày?

- Trước hết phải thấy rằng trên nền tảng pháp luật của chúng ta chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, còn có những khoảng tối cho các đối tượng chen vào làm những việc sai trái. Cơ chế kiểm soát, giám sát quyền lực cũng chưa hiệu quả nên nhiều địa phương còn có “ông vua con”. Theo tôi pháp luật, cơ chế như vậy không có tham nhũng mới là lạ.

Bây giờ chúng ta nói mấy đại gia, đại ca mua chuộc cán bộ thì cũng chưa công bằng. Bởi nếu kiểm soát được đại gia, đại ca, buộc họ làm ăn chân chính thì không đến nỗi họ phải mua nhà, mua xe tặng cán bộ. Bởi khi đại gia, đại ca mua xe, mua nhà tặng cán bộ thì công việc làm ăn của họ cũng phải lãi tới mấy chục cái nhà, cái xe.

Thực tế, là đại gia, đại ca cũng chỉ dùng tiền gian dối mà mua nhà, mua xe tặng cán bộ mà thôi. Cho nên việc tặng nhà, tặng xe như vậy là dấu hiệu của việc đưa hối lộ và nhận hối lộ. Những món quà vượt mức bình thường như vậy tại sao đại gia, đại ca không quy thành tiền để tặng đối tượng chính sách, mà lại đi tặng cho ông có chức quyền.

Câu chuyện ở đây phải bóc tách rõ ràng ra vì sao đại ca, đại gia lại tặng quà và vì sao cán bộ lại nhận quà? Chắc chắn phải có lợi ích nào đó giữa hai bên thì họ mới làm như vậy. Các cơ quan chức năng phải đi sâu vào và bóc tách chuyện này để làm rõ mối quan hệ giữa doanh nghiệp và quan chức như thế nào mới có hiện tượng như vậy.

Ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

- Liệu có chuyện đại ca, đại gia tự nguyện tặng quà cho quan chức mà không tính đến tư lợi không, thưa ông?

- Theo tôi thì hoàn toàn không có chuyện đó. Nhiều đại gia, đại ca họ giàu lên một cách không bình thường, không bằng mồ hôi nước mắt của chính họ mà bằng những mối quan hệ thông qua các dự án, quy hoạch. Tôi thấy, không bao giờ đại gia, đại ca lấy tiền kiếm được bằng mồ hôi nước mắt của mình để chạy cái này, cái khác.

- Đều có ý đồ lợi ích kinh tế đằng sau?

- Dĩ nhiên là như vậy! Tuy nhiên, cũng có những cán bộ hư thì người ta mới xông vào được, chứ không phải chỗ nào đại ca, đại gia cũng có thể tiếp cận.

- Đại gia, đại ca chỉ có thể làm hư hỏng được những cán bộ dễ dàng bị mua chuộc và sẽ là "oan" nếu chỉ đổ hết tội cho đại ca, đại gia?

- Người ta đã nói “bánh ít đưa ra, thì bánh quy trở lại” hay còn gọi là “lại quả”. Chứ đời nào đại gia, đại ca cho không cán bộ. Hơn nữa, bởi vì anh xấu, không đoàng hoàng thì đại gia, đại ca mới vào được nhà. Do vậy, chúng ta phải trách cán bộ của mình tu dưỡng, rèn luyện không đến nơi đến chốn, sống không đoàng hoàng thì người ta mới mua chuộc được. Chúng ta phải phê phán cán bộ tiêu cực, chứ đừng vu hết tội cho mấy ông đại gia, đại ca.

Đại gia, đại ca họ phải tìm chỗ dễ dàng để lọt vào được chứ không tìm chỗ khó. Họ cũng lọt vào bằng nhiều con đường khác nhau như qua vợ con, qua bồ nhí để tặng quà, tặng nhà, tặng xe. Từ đó tạo đường dây làm ăn với nhau.

- Việc tặng quà như vậy dẫn đến hậu quả như thế nào?

- Vì có những lợi ích bất chính, do phải lại quả, còn thiệt hại lại thuộc về phía nhân dân, lợi ích của nhà nước. Còn đối tượng sâu mọt lấy quyền lực của mình để bán rẻ đất đai, dự án cho đại gia, đại ca suy cho cùng cũng là đối tượng ăn cắp.

- Những người có bản lĩnh tâm lý vững vàng, làm việc luôn đặt lợi ích chung lên hàng đầu thì không dễ bị đại gia, đại ca mua chuộc, nhưng cùng đó cũng cần có thêm cơ chế để hạn chế hơn nữa tiêu cực, thưa ông?

- Như tôi nói hoàn cảnh tạo và cũng là tạo hoàn cảnh. Ví dụ như những thúc giục từ phía gia đình, môi trường xung quanh… dẫn đến cán bộ bị tha hóa, biến chất. Thực tế, lòng tham của con người là vô đáy, do vậy những người nhiều quyền lực mà không bị kiểm soát rất dễ bị tha hóa. Do vậy, đừng tạo ra hoàn cảnh và đừng để hoàn cảnh tạo ra cán bộ tha hóa, biến chất.

- Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (thực hiện)