1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Cần 200 nghìn tỷ đồng giải cứu thị trường BĐS

Để giải cứu cho các doanh nghiệp bất động sản, theo ước tính của các chuyên gia lượng tiền cần có 200 ngàn tỷ đồng.

Doanh nghiệp gánh lãi 40 ngàn tỷ/năm

Có thể nói, chưa bao giờ thị trường bất động sản bị suy thoái trầm trọng và kéo dài như trong năm 2011. Giá bất động sản ở tất cả các phân khúc thị trường đang có xu hướng giảm song phía cầu vẫn chưa sôi động.
 
Cần 200 nghìn tỷ đồng giải cứu thị trường BĐS
Bất động sản có thể trải qua cơn khó khăn kéo dài (Ảnh minh họa: Hồng Kỹ)


Một trong những nguyên nhân khiến thị trường trầm lắng được xác định là lượng tiền mặt khan hiếm, do chính sách tài khóa đóng cửa với nhu cầu vay vốn đầu tư bất động sản.

Theo phân tích của TS Trần Kim Chung - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện dư nợ cho vay bất động sản vẫn xoay quanh con số khoảng 200 nghìn tỷ đồng trong hệ thống ngân hàng, với lãi suất 20%/năm thì mỗi năm doanh nghiệp trả khoảng 40 ngàn tỷ đồng tiền lãi. Tuy nhiên, có một thực tế gần như tài sản của các doanh nghiệp đã chuyển vào tài sản thế chấp của các ngân hàng.

Khoản dư nợ này hầu hết được các doanh nghiệp bất động sản vay từ các ngân hàng thương mại cách đây 2-3 năm về trước khi thị trường bất động sản ở thời “đỉnh cao”. Đây là một áp lực không nhỏ lên các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực này hiện nay, nhưng do thiếu vốn khiến không ít doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng có nguy cơ phá sản.

Ông Phan Thành Mai-Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, gần như tài sản là bất động sản của các DN đã chuyển vào tài sản thế chấp của các ngân hàng. Nếu có nguồn vốn mua được các tài sản này thì sẽ giải quyết được vấn đề về vốn cho DN BĐS.

Tuy nhiên, đây là một giả thuyết rất khó thực hiện và ít khả thi. Vấn đề đặt ra là lấy đâu ra nguồn vốn khoảng 200 nghìn tỷ đồng để xử lý “đống nợ” đó?

Cũng với tình trạng khó khăn về nguồn vốn đầu tư mà không ít doanh nghiệp lớn đang phải chập nhận nợ thuế Nhà nước, chây ì trong việc trả tiền thuế cho Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp lý giải với lý do rất “kinh tế” là nợ thuế còn hơn đi vay ngân hàng, hay nói cách khác nợ thuế tuy là “xấu hổ” nhưng lại “lợi thân”.

Xoay sở tìm vốn

Để có thể tìm được nguồn vốn để cứu các doanh nghiệp bất động sản, PGS. TS Nguyễn Thị Mùi – Hiệu trưởng Trường Nhân lực Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) đã đưa ra giải pháp rất thực tế đó là cần “kích cầu” thị trường từ chính bản thân doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể dùng thị trường cho thuê để kích thị trường bán, Trung Quốc là nước dùng giải pháp này rất hiệu quả.

Trong bối cảnh năng lực doanh nghiệp bất động sản thấp thì phải liên kết hợp tác để thực hiện các dự án. Mỗi doanh nghiệp xem xét cấu trúc lại dòng tiền, vốn là biện pháp để sử dụng hữu hiệu hơn dòng vốn.Tạo niềm tin với người mua nói chung, tạo thương hiệu cho chính mình

Còn theo GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, hiện nay tháo kênh vốn từ ngân hàng vào bất động sản chưa thể ngay được và phải chờ một thời gian nữa khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng được giải quyết. Thêm vào đó, mức lãi suất tiền gửi là 13% thì lãi suất cho vay vẫn khoảng 17 - 18% thì cũng chưa phù hợp.

Còn hướng tìm các nguồn khác thì hiệu quả nhất là nguồn vốn đấu tư trực tiếp nước ngoài. Các nhà đầu tư trong nước khó khăn chỉ có thể hợp tác hoặc chuyển nhượng dự án cho các nhà đầu tư nước ngoài chứ không thể trông chờ nhà đầu tư nước ngoài bơm vốn cho mình để cứu dự án. Đây cũng không phải là lời giải phổ biến cho bài toán thiếu vốn của bất động sản.

Ngoài ra, cần phải xem xét đưa ra cơ chế cho phép thế chấp bất động sản Việt Nam ở nước ngoài là cơ chế giúp giải quyết tốt vấn đề về vốn trong bối cảnh khó khăn và thanh khoản hệ thống ngân hàng yếu.

"Nếu mở kênh này sẽ là cứu cánh lớn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, vấn đề cần cân nhắc về cơ chế thu hồi nợ vì nếu nhà đầu tư trong nước không trả được nợ thì ngân hàng nước ngoài quyền lợi đến đâu được làm những gì?", ông Võ nói.


Theo Anh Đào
VnMedia