Cấm xe máy cũ: “TPHCM không thể tự cho mình cơ chế đặc thù”

(Dân trí) - “TPHCM không thể tự xây dựng dự thảo quy chế tối thiểu lưu hành và niên hạn lưu hành đối với xe máy để trình Chính phủ, việc này phải do cơ quan quản lý ngành là Bộ GTVT thực hiện. Về nguyên tắc, không có cơ chế đặc thù như vậy cho TPHCM”.

Đại diện Vụ Khoa học Công nghệ (KHCN) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trao đổi với PV Dân trí hôm nay 10/8.

Việc TPHCM rốt ráo xây dựng quy chế tối thiểu lưu hành và niên hạn lưu hành đối với xe máy đang gây ra tác động đa chiều trong dư luận xã hội. Về phía cơ quan quản lý ngành giao thông vận tải cấp cao nhất là Bộ GTVT cũng khẳng định đây không phải chuyện muốn là làm được ngay.

“Bản thân các Vụ, Viện tham mưu của Bộ GTVT cho đến nay vẫn chưa nhận được văn bản nào của TPHCM hỏi ý kiến Bộ về việc xây dựng quy chế lưu hành và niên hạn lưu hành. TPHCM giao các Sở, ngành chức năng xây dựng dự thảo rồi trình Chính phủ là sai về mặt nguyên tắc” - đại diện Vụ KHCN cho biết.

Cũng theo vị đại diện này, theo quy trình thì việc trình Chính phủ phải do cơ quan quản lý ngành là Bộ GTVT nên không thể có cơ chế đặc thù như vậy cho TPHCM.
 
TPHCM đang rốt ráo xây dựng dự thảo quy chế lưu hành và niên hạn 
TPHCM đang rốt ráo xây dựng dự thảo quy chế lưu hành và niên hạn lưu hành đối với xe máy

Trên thực tế, điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có đặt ra vấn đề quy định niên hạn sử dụng đối với xe cơ giới nói chung. Theo đó, Chính phủ quy định niên hạn sử dụng đối với xe cơ giới.

Với vấn đề này, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết Bộ đang nghiên cứu, kết hợp học tập kinh nghiệm các nước cho phù hợp tình hình của Việt Nam.

“Nước ta hiện nay có hơn 34 triệu xe gắn máy. Nhiều gia đình nghèo sử dụng xe cũ làm phương tiện đi lại, làm ăn nên cần phải tính toán phù hợp. Việc quy định niên hạn sử dụng với xe gắn máy cần phải làm nhưng phải nghiên cứu, kiểm định phương tiện qua đăng kiểm để đánh giá trước khi có những đề xuất cụ thể”- lãnh đạo Bộ GTVT cho nhìn nhận.

Cần xem xét nghiêm túc và khách quan

Đồng tình với chủ trương của TPHCM là cấm xe cũ để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) và ô nhiễm môi trường, TS. Khuất Việt Hùng - Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, trường Đại học GTVT Hà Nội nhìn nhận TPHCM đã đi tiên phong trong từ thực tế địa phương, nhưng cũng cần phải có sự xem xét nghiêm túc và khách quan.

Theo TS. Khuất Việt Hùng, có thể sự loại bỏ mà TPHCM muốn hướng đến là những xe cũ, xe cũ nát, xe không thể đi được nữa và cả những xe mới nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

Cũng trong chủ trương này, TS. Khuất Việt Hùng cho rằng cần phải có sự chia sẻ, xem xét đến đời sống của một bộ phận người dân nghèo phải sử dụng xe cũ để mưu sinh, nhưng mặt khác cũng phải nhìn nhận vấn đề không ai có thể tự cho mình cái quyền được sử dụng phương tiện để kiếm sống mà đe dọa đến sự an toàn cho chính mình và người khác.

“Nếu các phương tiện không đảm bảo điều kiện kỹ thuật tham gia giao thông thì sẽ gây mất an toàn cho chính chủ phương tiện, cho những người khác cùng tham gia giao giao thông, nhưng người chịu trách nhiệm lại là Nhà nước. Bởi vậy, cấm xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật là đúng, nhưng làm sao để biết được xe nào đảm bảo và xe nào không thì chỉ có cách là phải kiểm định phương tiện, phải kiểm định một cách nghiêm túc.” - TS. Khuất Việt Hùng cho hay.

Hiện nay nước ta chưa thực hiện đăng kiểm đối với xe máy, bởi vậy theo TS. Khuất Việt Hùng đó là nguyên nhân dẫn đến thực trạng người dân sử dụng xe máy theo kiểu “tùy thích”, hoặc chính bản thân họ cũng lãng quên về chất lượng của chiếc xe máy mình đang sở hữu và đang sử dụng hàng ngày, thậm chí dù đã có quy định xe máy phải có gương chiếc hậu nhưng chính chủ xe lại cố tình thay đổi thiết kế phương tiện khi tháo gương ra theo ý thích của mình.

TS. Khuất Việt Hùng cũng nêu quan điểm trong vấn đề xây dựng chính sách cần phải có cái nhìn toàn diện và khách quan, phải xem chính sách đó đem lại lợi ích cho ai, chính sách đó có hợp lòng dân hay không.

Quỳnh Anh