Lâm Đồng

Cảm phục người mẹ sẻ chia sự sống hiến nội tạng con cứu người

(Dân trí) - Chết lặng khi biết tin con trai mình không thể qua khỏi sau vụ tai nạn nhưng người mẹ ấy nén nỗi đau lại, hiến tạng tất cả nội tạng của con để cứu sống những người đang giành giật sự sống từng ngày. Người mẹ ấy chính là cô Vũ Thị Mừng (58 tuổi, thôn An Bình, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng).

Câu chuyện cảm động này bắt đầu từ một vụ tai nạn lao động ập đến và lấy đi mạng sống của anh Trần Vũ Minh Quang (31 tuổi, con trai cả cô Mừng). Không nỗi đau nào sánh nổi nỗi đau mất đi đứa con do mình rứt ruột sinh ra, người con ấy chính là một phần cơ thể của mẹ.

“Tay đứt ruột xót”

Chúng tôi ghé thăm cô Mừng vào một buổi trưa nắng gắt, khi cô vừa trở về từ rẫy cà phê. Trên đôi mắt của người mẹ khắc khổ ấy in hằn nhiều vết chân chim và chứa đựng một nỗi buồn da diết.

Cô Mừng tâm sự, chưa hết nỗi đau chứng kiến sự ra đi bất ngờ của chồng mình, thì hơn 7 tháng sau cô nhận lại được tin con trai đầu lòng của mình đã không may bị tai nạn lao động nguy kịch.

Khi nhận được tin con trai bị nạn, ngay trong đêm cô cùng người con út tức tốc chạy xe máy từ Lâm Đồng xuống bệnh viện ở Bình Dương.

Được biết, anh Quang làm thợ cơ khí bảo trì máy tại một Công ty sản xuất, chế biến thức ăn gia súc ở tỉnh Bình Dương. Ngày 27/8/2015, trong lúc đang làm việc tại Công ty, anh Quang không may bị tai nạn rơi từ tầng 3 xuống đất, gây chấn thương sọ não và đa chấn thương.

Sau đó, anh  được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) điều trị trong tình trạng chết não. Tại đây, mặc dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa, nhưng anh cũng đã trút hơi thở cuối cùng vào chiều 4/9.

Trong quá trình điều trị, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã thảo luận, đề xuất với gia đình về khả năng hiến nội tạng, khi biết anh Quang khó có thể qua khỏi và một số phần trên cơ thể của anh Quang tương thích với nhiều trường hợp đang nguy kịch.

Tại bệnh viện, khi được các bác sĩ đề xuất hiến nội tạng của con trai, ban đầu cô Mừng cũng có nhiều đắn đo, day dứt. Sau khi bàn bạc và được sự thống nhất của gia đình, cô đã quyết định kìm nén nỗi đau lại, hiến tất cả nội tạng của con mình để giúp những người đang nguy kịch có cơ hội được tái sinh.


Cô Mừng chia sẽ những kỷ niệm của con trai cô để lại

Cô Mừng chia sẽ những kỷ niệm của con trai cô để lại

Dù bản thân cô Mừng trước đó không hề biết đến việc hiến tạng là gì, nhưng người phụ nữ này hiểu rằng hiến nội tạng của con là việc làm có ý nghĩa nhân văn cao đẹp và cũng là cách để cái chết của con mình có ý nghĩa hơn.

“ Khi được các bác sĩ đề xuất hiến tạng của con, nghĩ con mình ra đi không còn nguyên vẹn tôi cũng trăn trở, suy nghĩ nhiều lắm, nhưng khi biết việc làm này sẽ giúp cứu sống được nhiều người thì tôi mới đồng ý. “Tay đứt thì ruột xót”, nhưng giờ tôi thấy được an ủi phần nào khi những bộ phận cơ thể của con đang tồn tại và mang lại sự sống cho nhiều người. Và hơn hết tôi cảm nhận như con trai đang mình vẫn đang sống ở đâu đó…”, cô Mừng nghẹn ngào chia sẻ.

Người mẹ anh hùng

Quyết định hiến nội tạng của con trai là điều “không tưởng” đối với cô Mừng. Bởi trước nay, ở địa phương chưa có tiền lệ đó và cũng có lúc cô nghĩ “chết phải toàn thây”. Nhưng ý nghĩ đó đã dừng lại, khi cô tưởng tượng tới cảnh một phần cơ thể của con trai đang tồn tại trên cơ thể của ai đó.

Ở nước ta hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn giành giật sự sống từng ngày để chờ cơ được ghép mô, tạng. Việc hiến tạng đem lại lợi ích và ý nghĩa nhân văn sâu sắc, song vẫn còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Bởi nhiều người chưa cởi bỏ được quan niệm để người chết được “chết toàn thây”.

Để có một quyết định như người mẹ ấy, không phải ai cũng làm được. Hành động “dũng cảm” này của cô Mừng không chỉ khiến các bác sĩ mà cả bạn bè, người thân và hàng xóm láng giềng phải cảm phục. Nhiều người đã thốt lên rằng: “Đúng là một người mẹ anh hùng”.

Bà Trần Thị Lụa (hàng xóm của cô Mừng), xúc động nói: “Không phải người mẹ, người bố nào cũng có thể cam đảm chấp nhận sự thật rằng con mình đã ra đi vĩnh viễn. Càng khó có người nào có thể hiến tặng nội tạng của con mình để cứu người như chị Mừng, bởi quan niệm người chết phải được nguyên vẹn đã ngấm vào máu của mọi người từ xưa đến nay. Việc làm của chị Mừng, tôi tin không riêng bản thân mình mà tất cả mọi người trên đất nước mình đều khâm phục và kính trọng”.

Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng Phòng Pháp chế, Truyền thông Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, cho biết: anh Trần Vũ Minh Quang - con trai bà Mừng là trường hợp hiến đa tạng đầu tiên tại Lâm Đồng. Đồng thời, cũng là trường hợp người hiến nhiều phần nội tạng và cứu sống được nhiều người nhất ở Việt Nam, tính đến thời điểm này.

“Sau khi được gia đình đồng ý hiến tạng thì 2 bộ phận tim và gan của anh Quang đang được ghép cho 2 bệnh nhân suy tim và suy gan ở Hà Nội. Hiện, 2 bệnh nhân này đã xuất viện và đang sống rất khỏe mạnh. Còn lại các bộ phận như giác mạc, thận cũng đã được cấy ghép cho các bệnh nhân ở TP Hồ Chí Minh và tình hình sức khỏe các bệnh nhân này cũng rất khả quan.

Một người hiến đa tạng như anh Quang, nếu tương thích có thể cứu sống được 4 - 5 người. Qua đây, có thể nói đây là một trường hợp hiến tạng rất hiệu quả và mang ý nghĩa lớn về mặt xã hội, về mặt Y học… ”, ông Sỹ chia sẻ thêm.

Được biết, sau khi hiến nội tạng , gia đình đã đưa linh cốt của anh Quang về thờ phụng tại Chùa Phước Thọ (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm). Tại đây, các tăng ni, phật tử luôn kính cẩn, khâm phục trước đức huy sinh cao cả của người quá cố và gia đình.

Hiện tại, dù cuộc sống của gia đình vẫn còn gặp muôn vàn khó khăn, nhưng mỗi khi nhớ đến những người thân đã ra đi, cô Mừng lại tìm đến ruộng vườn để vơi đi nỗi nhớ chồng, nhớ con. Đây cũng là cách để giúp cô và gia đình tiếp thêm động lực, niềm tin và cả sự kỳ vọng vào cuộc sống phía trước. Và ước nguyện cuối cùng, cô Mừng rất mong có ngày được gặp lại những người đang mang trong mình một phần cơ thể của con trai cô.

Hiện nay, ở Việt Nam đang có hàng chục ngàn người mắc các bệnh về nội tạng đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim… Theo số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia (thuộc Bộ Y tế) thì số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các con số khiêm tốn (ghép thận khoảng 1.000 ca, gan 37 ca, tim 11 ca, thận - tụy 1 ca và ghép giác mạc là 1.401 ca).

Trong khi đó, nhu cầu người chờ ghép lại ở mức rất cao. Hiện, cả nước đang có khoảng 6.000 người bị suy thận mãn tính cần được ghép; trên 1.500 người có chỉ định ghép gan. Cùng với đó, cả nước đang có khoảng 300.000 người bị các bệnh lý về mắt; trong đó, có trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc.

Vì vậy, có thể nói trường hợp hiến nội tạng của người quá cố như gia đình  cô Vũ Thị Mừng đang mở ra nhiều hy vọng cho Ngành Y học nước nhà.

Ngọc Hà

 

Cảm phục người mẹ sẻ chia sự sống hiến nội tạng con cứu người - 2