Khánh Hòa:

Cái Tết buồn trong phòng trọ của những gia đình bị sập nhà do lở núi

(Dân trí) - Gạt đi bao nỗi buồn, nhiều người bị sập nhà trong vụ lở núi kinh hoàng ở TP Nha Trang buồn bã chia sẻ, mới năm ngoái còn đón Tết sum vầy bên người thân, xóm giềng, hứa hẹn năm sau sẽ ăn Tết to hơn, vậy mà giờ đây họ đón Tết trong những căn phòng trọ…

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi ghé thăm nhiều gia đình ở xã Phước Đồng (TP Nha Trang, Khánh Hòa) bị sập nhà trong vụ lở núi kinh hoàng vào tháng 12/2016. Cuộc sống mỗi gia đình mỗi nơi, có người ở trong trạm y tế cũ của xã, có người thuê phòng trọ để ở…

"Thực sự không dám nghĩ đến Tết…"

Xế trưa, chị Nguyễn Thị Hảo (38 tuổi), đang chuẩn bị bữa cơm cho chồng con trong căn phòng nhỏ chỉ chừng chục mét vuông. Chị kể, sau khi căn nhà cấp 4 rộng hơn 50 mét vuông bị đất đá san phẳng, vợ chồng chị cùng 2 con bắt đầu cuộc sống mới trong căn phòng nhỏ.

“Cuộc sống mới khó khăn hơn trước rất nhiều vì mọi thứ chỉ là tạm thời, mọi sinh hoạt cũng bị đảo lộn. Những người bị sập nhà, ai có việc ổn định thì đi làm, còn ai lao động tự do thì cũng chưa xin được việc”, chị Hảo tâm sự. Sau hôm lở núi, xưởng mộc rộng hơn 100 mét vuông cùng 20 cái máy trị giá hàng trăm triệu đồng của chồng chị cũng bị đất đá vùi lấp. Không còn nghề làm ăn, chồng chị phải đi đến các xưởng mộc khác để xin làm thuê kiếm tiền chạy gạo.

Cuộc sống tạm bợ của những hộ dân bị sập nhà sau lở núi ở TP Nha Trang những ngày giáp Tết Nguyên đán
Cuộc sống tạm bợ của những hộ dân bị sập nhà sau lở núi ở TP Nha Trang những ngày giáp Tết Nguyên đán

“Giờ tôi muốn kiếm một công việc làm thuê cũng khó, chẳng ai nhận. Đi đến đâu xin người ta cũng trả lời là qua Tết mới nhận. Tết này nhà cửa mất hết, thực sự không dám nghĩ đến Tết. Còn các con tôi thì may được nhà trường cho mượn sách vở để đi học”, chị Hảo ngậm ngùi.

Từ ngày nhà bị vùi lấp, gia đình gồm 6 người của ông Lê Hoàng Ngọc Bình (70 tuổi) cũng chuyển vào ở trong một căn phòng nhỏ của trạm y tế cũ. “Phòng được mỗi cái giường của trạm cho mượn nhưng để cho mấy đứa nhỏ nó nằm, còn tôi nằm dưới đất”, ông Bình kể.

Con dâu ông Bình, chị Vũ Thị Thủy (32 tuổi) cho biết, chị vốn là công nhân thủy sản nhưng chưa đi làm được gì vì tinh thần chưa ổn định, còn chồng chị là lao động tự do cũng chưa tìm được việc.

“Sau khi nhà sập, người ta cũng có hỗ trợ nhưng không đáng bao nhiêu so với phần mất mát. Tôi cũng chưa có dự định gì và cũng chưa mua gì ăn Tết cả”, người phụ nữ ngầm trâm.

Người dân trong những căn phòng nhỏ được bố trí ở tạm sau vụ lở núi kinh hoàng vào tháng 12/2016
Người dân trong những căn phòng nhỏ được bố trí ở tạm sau vụ lở núi kinh hoàng vào tháng 12/2016

Điều ước nhỏ nhoi của người đàn ông mất vợ con

Sau khi sập nhà, anh Phạm Công Dũng (47 tuổi) chuyển tới trạm y tế cũ của xã sinh sống một mình. Ngày 26 tháng Chạp, chúng tôi liên hệ lại với anh thì được biết anh đã chuyển ra ngoài thuê phòng trọ ở bằng nguồn tiền hỗ trợ 3 tháng thuê nhà. Sau ngày vợ con mất đến nay, anh cũng chưa có tâm trí nào để đi lái xe trở lại.

Anh kể, sau khi lo xong việc mai táng cho mẹ và em, con trai lớn là Phạm Cao Cường (24 tuổi), cũng đã lên đường vào Nam tiếp tục học Cảnh sát đặc nhiệm năm thứ 2 ở quận 9, TP HCM.

“Cuộc sống của tôi rất tẻ nhạt. Trưa tôi ra quán mua cơm chay để mua lên chùa cúng rồi ăn ở trên đó luôn. Tối, tôi ra quán ăn một mình. Cuộc sống cứ lặp lại như vậy. Tôi mong sao được bố trí một miếng đất nhỏ để làm nhà, có chỗ thờ cúng cho vợ con”, anh Dũng trăn trở.

Như bao gia đình vốn làm nghề lao động chân tay, gia đình 5 người của anh Nguyễn Văn Thắm (48 tuổi) cũng khá chật vật với cuộc sống mới sau khi nhà bị chôn vùi dưới đống đổ nát.


Anh Thắm, một hộ dân bị sập nhà do lở núi không khỏi hụt hẫng khi Tết Nguyên đán đến gần

Anh Thắm, một hộ dân bị sập nhà do lở núi không khỏi hụt hẫng khi Tết Nguyên đán đến gần

“Sống gần tuổi 50 mà vẫn chưa tưởng tượng được cái Tết này sẽ như thế nào? Mới mùng 1 Tết năm ngoái, tôi còn đóng thùng đi chúc Tết cả xóm và hẹn năm sau sẽ ăn Tết to hơn…”, anh Thắm bỏ lửng câu nói. Có lẽ, không khó để hình dung sự hụt hẫng trong người đàn ông này.

Tết đến, phố xá nhộn nhịp, lòng người hân hoan bấy nhiêu thì tâm trạng của những cảnh đời này lại buồn bấy nhiêu!

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, TP Nha Trang cho biết, sau vụ lở núi, các hộ dân đã nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng, các đơn vị tài trợ. Theo đó, hộ nhận được hỗ trợ thấp nhất là hơn 80 triệu đồng, hộ nhận được hỗ trợ cao nhất là hơn 400 triệu đồng. Sau Tết Nguyên đán, xã sẽ rà soát, xem xét từng hộ gia đình để trình UBND TP Nha Trang bố trí tái định cư để người dân ổn định cuộc sống lâu dài.

Viết Hảo