Các quốc gia cam kết cùng phát triển kinh tế biển bền vững

(Dân trí) - Từ ngày 1 - 3/12, tại Đà Nẵng, Tổng Cục thủy sản Việt Nam và Ủy ban Điều phối về kế hoạch hành động khu vực (RPOA) phối hợp tổ chức Hội nghị lần thứ III của RPOA nhằm khuyến khích thực hành nghề cá có trách nhiệm.

Trong đó, Hội nghị đặc biệt quan tâm đến việc triển khai thực hiện chống đánh bắt bất hợp pháp (IUU fishing) trong khu vực ASEAN.
 
Các quốc gia cam kết cùng phát triển kinh tế biển bền vững  - 1
Các đại biểu tham gia Hội nghị lần thứ III của RPOA.

Đến dự có các quan chức, chuyên viên của các nước Thái Lan, Indonexia, Malaysia, Campuchia, Singapore, Australia, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và các chuyên gia tư vấn, các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Đa phần các quốc gia cùng chung nguồn lợi thủy sản biển Đông đều có một nền ngư nghiệp còn thủ công, ngư dân hoạt động đơn lẻ, cách khai thác, chế biến và bảo quản mang tính truyền thống. Điều này đặt ra cho các nước trong khu vực một thách thức lớn, đó là sự suy thoái của môi trường biển, nguồn thủy sản bị cạn kiệt, khai thác tận kiệt không tuân thủ qui định khai thác hải sản trên bờ biển quốc tế dẫn đến tranh chấp không lành mạnh… Nguồn tài nguyên biển đang tiến dần đến tình trạng suy kiệt nếu các nước không chung tay hợp tác cùng bảo vệ, nuôi trồng và khai thác một cách hợp lý.

Tổng thư kí Trung tâm Phát triển nghề cá ASEAN, ông Siri Ekmaharaj hoan nghênh các thành viên đã đến tham tham gia ý kiến và vạch ra những chiến lược quan trọng giúp cho việc phát triển thị trường trọng điểm trong khu vực ASEAN và cho rằng các quốc gia cần phải xem xét các vấn đề phát sinh nhằm nâng cao việc quản lý các nguồn thủy sản và bảo vệ môi trường sống đặc trưng tại các khu vực và tiểu khu vực.

Các nước thành viên sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch hành động, hoàn thiện thể chế, chính sách trong bảo vệ nguồn lợi, khai thác hợp lý của mình trong thời gian tiếp theo, đặc biệt là năm 2011.

Mặc khác, các quốc gia thành viên cũng cam kết sẽ tổ chức nhiều diễn đàn trong khu vực để nâng cao năng lực trong quản lý, tập huấn cho cộng đồng ngư dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chính quyền mỗi nước sẽ tạo nhiều chính sách nâng cao thu nhập cho ngư dân.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và hợp tác quốc tế (Tổng Cục thủy sản) cho biết: Các thành viên phải xây dựng kế hoạch trong khu vực phát triển cao hơn với mức độ thể chế hóa từng nước một. Đặc biệt các quốc gia có nền kinh tế biển phát triển như Australia đã cam kết tăng cường hỗ trợ thêm về kinh nghiệm quản lý, hội thảo, tập huấn cho các nước còn kém phát triển để tiến tới trở thành khu vực có nền kinh tế biển phát triển lớn mạnh.

Ông cũng cho biết, Ban thư ký của RPOA đánh giá cao Việt Nam là một đất nước đóng góp rất tích cực cho chương trình, đặc biệt trong vai trò nước chủ nhà đăng cai Hội nghị.

Cũng như các nước thành viên, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách, qui định bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản. Bộ NN&PTNT đã đưa ra hàng loạt dự án, chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển nghề biển.

Trong 10 năm trở lại đây, nghề cá tăng trưởng mạnh, tăng bình quân 4%/năm, góp phần trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống, thu nhập cho người dân cộng đồng nghề cá; đóng góp cho nền kinh tế quốc dân, phục vụ xuất khẩu. Trong đó, năm 2008 thủy sản Việt Nam xuất khẩu đạt 4,5 tỷ USD, 2009 đạt 4,2 tỷ USD và dự kiến năm 2010 sẽ đạt 5 tỷ USD.

Hội nghị là một bước tiến góp phần khẳng định việc Việt Nam tích cực tuân thủ và thực hiện các quy định của quốc tế và khu vực trong lĩnh vực thủy sản. Đồng thời tích cực tham gia và là đối tác hưởng lợi trong việc triển khai dự án dự án Khung hỗ trợ phát triển thủy sản khu vực ASEAN, góp phần đảm bảo thực hiện định hướng Chiến lược biển của Việt Nam từ nay đến năm 2020.

Công Bính