1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Các “quán quân lỗ” trong 9 tháng đầu năm 2009

(Dân trí) - Với việc tiếp tục lỗ thêm 32 tỷ trong quý 3, VSP đã nâng mức lỗ 9 tháng của mình lên xấp xỉ 236 tỷ đồng - áp đảo so với mức lỗ của các doanh nghiệp khác. Sau khi công bố kết quả kinh doanh, VSP đã có 3 phiên giảm sàn liên tiếp.

Hoạt động kinh doanh chính của VSP trong quý 3 vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi công ty vẫn phải bán hàng thấp giá vốn (lợi nhuận gộp quý 3 là -24,7 tỷ đồng). Mặc dù vậy, mức lỗ của VSP đã giảm dần qua các quý.
 
Nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng VSP có thể sẽ có được các khoản lợi nhuận bất thường trong quý 4 từ việc chuyển nhượng một số dự án như: sân golf Mê Linh, Nam Việt Oil… Hiện tại, lãnh đạo công ty vẫn giữ nguyên kế hoạch năm 2009 là 150 tỷ đồng LNTT và trả cổ tức tỷ lệ 20%.
 
TAC - dẫn đầu về mức lỗ trong quý 3
 
Lũy kế 6 tháng đầu năm, TAC vẫn có lãi 33,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty đã bất ngờ công bố lỗ 68,7 tỷ đồng trong quý 3 - mức lỗ lớn nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết. Tính đến ngày 30/10, cổ phiếu TAC đã có 6 phiên giảm sàn liên tiếp.
 
Theo giải trình của TAC, nguyên nhân lỗ là do trong quý 3, giá nguyên liệu dầu thực vật tăng giảm không ổn định ảnh hưởng đến chi phí sản xuất. Mặt khác, một số nhãn hàng dầu thực vật mới tham gia vào thị trường tạo sự cạnh tranh mạnh và giảm giá bán liên tục. Do đó, TAC phải giảm giá bán và tăng chi phí khuyến mãi.
 
Các “quán quân lỗ” trong 9 tháng đầu năm 2009 - 1
Các doanh nghiệp có lỗ lũy kế 9 tháng trên 10 tỷ đồng (theo số liệu công bố tới ngày 30/10).
 
TRI - lỗ 4 quý liên tiếp
 
TRI tiếp tục công bố lỗ 22 tỷ đồng trong quý 3, nâng mức lỗ lũy kế lên 58,8 tỷ đồng. Năm 2008, công ty cũng lỗ tổng cộng 143,7 tỷ đồng.
 
Tính đến hết tháng 6, vốn chủ sở hữu của TRI là -42 tỷ đồng. Sau đó, công ty đã phát hành 20 triệu cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng) cho 3 đối tác chiến lược với giá 7.520 đồng/cp để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
 
Hoạt động kinh doanh của TRI vẫn chưa có nhiều cải thiện khi lợi nhuận gộp không thể bù đắp được cho các khoản chi phí chính như chi phí bán hàng, chi phí quản lý… Đặc biệt là chi phí bán hàng khá lớn.
 
Ngoài VSP và TRI, có 3 doanh nghiệp khác lỗ cả 3 quý là VTA, BAS và SHC.
 
Ngành vận tải biển
 
Ngoài VSP, 4 doanh nghiệp ngành vận tải biển khác cũng có lợi nhuận lũy kế 9 tháng âm là: VST (-24,3 tỷ), DDM (-14,3 tỷ), SHC (-4,8 tỷ) và MHC (-2,7 tỷ).
 
VST gần như đã hết lỗ trong quý 2 và đã có lãi 39,2 tỷ đồng trong quý 3. Đáng chú ý là MHC bị lỗ khá lớn trong quý 3 với 21,9 tỷ đồng.
 
VNA và PVT có kết quả lũy kế 6 tháng lỗ nhưng lợi nhuận của quý 3 đã đủ bù đắp cho khoản lỗ này.
 
Ngành thủy sản
 
ANV cũng giữ nguyên vị trí thứ 2 so với “bảng xếp hạng” 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, trong quý 3, công ty đã có lãi 4,8 tỷ đồng. Qua đó, mức lỗ lũy kế 9 tháng chỉ còn 75,5 tỷ đồng.
 
Một cổ phiếu thủy sản khác là FBT cũng có mức lỗ tương đương với ANV. Quý 1, FBT có lãi 0,5 tỷ đồng, tuy nhiên, công ty đã bị lỗ 58,4 tỷ đồng trong quý 2 và 16,9 tỷ đồng trong quý 3. Lũy kế 9 tháng, FBT lỗ 74,8 tỷ đồng.
 
Với việc lỗ thêm 0,4 tỷ đồng trong quý 3, BAS đã có 3 quý lỗ liên tiếp với mức lỗ tổng cộng là 5,2 tỷ đồng. Việc BAS công bố lỗ gây thất vọng lớn khi trong tháng 8 và 9, cổ phiếu này đã tăng giá một mạch từ mức 10.000 đồng lên 30.000 đồng.
 
TLT và TLC cắt lỗ thành công
 
TLC đã có 5,3 tỷ đồng trong quý 3 sau khi lỗ 6 quỹ liên tiếp. TLT sau khi có lãi 50 triệu đồng trong quý 2 đã tiếp tục có lãi 3,4 tỷ đồng trong quý 3. Giống như TLC, TLT đã lỗ cả 4 quý năm 2008 và quý 1/2009.
 
Tuy vậy, lũy kế 9 tháng, TLT vẫn lỗ 6,5 tỷ đồng và TLC lỗ 3,2 tỷ đồng.
 
DQC có lãi 2,9 tỷ đồng trong quý 3 nhưng lũy kế 9 tháng vẫn lỗ 13,9 tỷ đồng. Điều đáng chú ý đối với doanh nghiệp này là hoạt động kinh doanh chính (thể hiện qua chỉ tiêu Lợi nhuận thuần từ HĐKD) đã lỗ 6 liên tiếp.
 
Một số quý DQC vẫn có LNTT dương là do có lợi nhuận khác bù đắp.
 
K.A.L