1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Các giải pháp “cứu” chứng khoán dần hiện thực

(Dân trí) - Để cứu thị trường, từ ngày 15/1, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu thu mua ngoại tệ và tìm cơ chế cho vay chứng khoán mới nhằm thay thế Chỉ thị 03 với tinh thần tiếp tục cho vay đầu tư và kinh doanh chứng khoán dựa trên “sức khỏe” từng ngân hàng.

Cụ thể biện pháp nhằm “cứu” thị trường trong giai đoạn này là Ngân hàng Nhà nước bắt đầu mua ngoại tệ còn dư tại các ngân hàng thương mại từ năm 2007, “khơi thông” dòng vốn ngoại “chảy” vào thị trường chứng khoán và sửa Chỉ thị 03 để kích cầu thị trường.

Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng đã “hé lộ” điều này trong buổi hội nghị bàn các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán năm 2008.

2 giải pháp cần làm ngay

“Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có nói là đã bắt đầu mua ngoại tệ vào từ ngày 15/1, nhưng tôi không thể nói là chắc chắn được vì không phải trong phạm vi của Uỷ ban và bên ngân hàng người ta cũng không muốn công bố việc này”- ông Bằng nói.

Ông Bằng cho biết thêm: “Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi, yêu cầu Bộ Tài chính và UBCK đưa ra các giải pháp để hồi phục thị trường, điều này chứng tỏ Thủ tướng Chính phủ ủng hộ việc này, vì thế tôi tin là sẽ có giải pháp và Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ có điều chỉnh.

Chúng tôi kiến nghị là trong lúc chờ đợi thì có thể tạm hoãn 03 một thời gian nữa, để ít nhất mình có cái bơm tín dụng. Đó là cách nghĩ của Uỷ ban, chúng tôi sẽ trình Chính phủ, nếu Chính phủ có ý kiến thì sẽ có tác động đến thị trường”.

Thị trường chứng khoán lao dốc trong một thời gian dài khiến các cơ quan chức năng không thể “làm ngơ” được nữa. Khi Vn-Index lao nhanh đến gần mức đáy 800 điểm, cũng là thời điểm vào cuộc giải vây cho sự tụt dốc của thị trường.

Mất cân đối cung - cầu trầm trọng

Để thị trường tuột dốc như ngày hôm nay, theo thừa nhận của Chủ tịch UBCKNN, ngoài những yếu tố trên, mất cân đối cung - cầu trầm trọng cũng là một nguyên nhân trực tiếp.

“Thị trường hiện tại đang phức tạp và quan hệ cung - cầu mất cân đối, UBCK đã họp khẩn nhiều đợt liên tục, trực tiếp báo cáo lên cấp Bộ và 2 lần làm việc với Ngân hàng Nhà nước. Cách đây vài hôm, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã trực tiếp làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để phối hợp các biện pháp kích cầu” - ông Bằng nói.

Thực tế cho thấy, giữa Ngân hàng Nhà nước và UBCK dù đã có những phối kết hợp ban đầu nhưng động thái đó vẫn chưa kịp thời, theo ông Bằng, nên chưa thể tác động thuận chiều đến thị trường.

Theo đánh giá của Ủy ban, tác động của Chỉ thị 03 cũng là một trong những nguyên nhân gây mất cân đối cung - cầu. Bởi càng về những tháng cuối năm 2007, các ngân hàng càng phải chạy nước rút thu nợ nhà đầu tư và đã phải giảm từ 30.000 tỷ đồng xuống còn 13.000 tỷ đồng trên toàn hệ thống ngân hàng.

Một đại diện các doanh nghiệp trong Câu lạc bộ các tổ chức niêm yết cũng bày tỏ quan điểm: “Thị trường hiện đang kêu gọi một cơ chế mới. Đằng này, Ngân hàng Nhà nước đã "siết chặt van" rồi còn yêu cầu "múc nước ra" thì không còn con đường nào cho nhà đầu tư”.

Ngoài ra, số lượng đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng tăng lên rất nhanh và tập trung vào thời điểm cuối năm cũng ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của thị trường. Đó là chưa kể đến tâm lý lo sợ dẫn tới không dám mua vào và một số nhà đầu tư chuyển nguồn vốn sang thị trường vàng, thị trường bất động sản như một kênh đầu tư an toàn.

Nguyễn Hiền