Bắc Kạn:

Cả xã bị “đầu độc” bệnh đau đầu, thấp khớp

(Dân trí) - Đến xã Bản Thi, hỏi bệnh thấp khớp, đau đầu, ai cũng gật nhận mình đang là bệnh nhân. Màu đất, màu nước của cả xã đều xám xịt màu của than chì. Thế nhưng, xí nghiệp chì kẽm nơi đây vẫn có giấy chứng nhận đảm bảo môi trường trong lành…

Những cô giáo già trước tuổi

Xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn có 17 cô giáo bậc tiểu học và 19 cô giáo bậc mầm non. Các cô có tuổi trung bình từ 40 đến 50, nhưng dáng vẻ của cô nào trông cũng “hom hem” so với tuổi của mình.
 
Cô Trịnh Thị Vy, tóc bạc trắng đầu, năm nay mới 50 tuổi nhưng nhìn không khác gì một... bà lão. Không những già trước tuổi, mà bệnh tật cũng đến với cô từ sớm, và toàn những căn bệnh đáng sợ: thoái hóa cột sống, thấp khớp, huyết áp cao.
 
Cả xã bị “đầu độc” bệnh đau đầu, thấp khớp  - 1

Mới 50 tuổi mà tóc cô Vi đã bạc trắng và thêm chứng bệnh thoái hóa cột sống.

“Ở cái xã này, cô nào cũng chung một bệnh đau lưng, thấp khớp, đau đầu mỗi khi trái gió trở trời, dù có cô chỉ mới 40. Tụi tôi cứ hay ví mình như cái máy… thời tiết, trở trời một phát là biết ngay, bởi chân thì nhức, lưng thì đau buốt, đứng lên ngồi xuống cứ như đeo đá” - cô giáo người dân tộc Dao Nguyễn Thị Thùy tếu táo nói vui nhưng miệng không thể nở nụ cười.

Ngay cả cô Nông Thị Mai, hiệu trưởng Trường tiểu học xã Bản Thi, dù chỉ mới về công tác tại xã 4 năm, từ một người mạnh khỏe nay cũng đã mắc chứng thấp khớp, đau đầu kinh niên. “Nhà mình ở xã Yên Thịnh kế bên, về nhà thấy không khí khác hẳn, chứ vào đây lúc nào cũng cảm thấy nằng nặng, khó thở”, cô Mai cho hay.

Trong các cô giáo, cô Vương Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường mầm non Bản Thi được xem là người mắc bệnh nặng nhất. 9 năm liền trên đầu cô không một sợi tóc, đi dạy toàn phải đội tóc giả đến lớp. “Tóc mình trước đây cũng dài và đen lắm, nhưng về dạy ở Bản Thi được ít năm thì tự dưng tóc rụng sạch. Đã thế lại còn thêm chứng thấp khớp, gan thì nhiễm mỡ, phổi thì lúc nào cũng nằng nặng rất khó thở”, cô Ngọc lo lắng.

Bệnh thì vậy, nhưng các cô giáo chỉ biết nguyên nhân từ lần khám sức khỏe chung với các công nhân của Xí nghiệp chì kẽm Chợ Điền đóng tại Bản Thi năm 1998. Lần đó, các cô đều được hay cơ thể bị nhiễm độc chì, trong đó 3 cô giáo nhiễm nặng nhất là cô Ngọc, cô Vi và cô Hà Thị Chanh (đều trên 16 mg/lít/ngày-đêm) được xí nghiệp cho đi tẩy chì tại Quất Lâm, Nam Định.

Từ lần khám sức khỏe đó, các cô mới biết cơ thể bị nhiễm độc chì có nguyên nhân từ nguồn nước sinh hoạt của xã Bản Thi. Việc khai thác quặng chì kẽm của Xí nghiệp chì kẽm Chợ Điền hàng chục năm nay đã khiến nguồn nước của xã ô nhiễm, nhất là vào mùa mưa quặng chì ở mỏ quặng trên núi Phia Khao đổ về lắng lại trong lòng suối đen ngòm.
 
Cả xã bị “đầu độc” bệnh đau đầu, thấp khớp  - 2
Bể nước sạch của các cô giáo là một vũng nước trong hốc đá đen quặng chì, bùn và rác.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Thùy đưa chúng tôi ra bể nước sinh hoạt của khu tập thể giáo viên Trường tiểu học Bản Thi. Gọi là bể cho nó hoành tráng, chứ thực ra đó là một hốc đá, nước đọng chỉ còn một vũng nhỏ chen lẫn bùn lầy, rác rưởi. “Nước ở đây sắp cạn rồi, có lẽ sắp tới tụi mình phải đi khai thông phía trên nguồn mới có nước. Trước thì đây là một con suối, nhưng mấy năm gần đây bị bùn đất lấp cả lại, mùa mưa thì nước đổ về kèm với quặng chì đục ngầu, sợ lắm”, chị Thùy cho hay.

Lạ thay, các cô giáo ai cũng mang bệnh trong người, nhưng 10 năm nay các cô không một lần nào được khám sức khỏe, nên chẳng biết lượng chì trong cơ thể hiện giờ ở ngưỡng nào. “Nhiều lần bọn mình cũng đề nghị Xí nghiệp chì kẽm được khám sức khỏe, nhưng họ từ chối. Ngành giáo dục thì cũng không để ý, nên cũng chẳng biết kêu ai”, cô Nông Thị Mai than thở.

Năm nào cũng phải “tiễn” chồng đi “tẩy” chì

Không chỉ mỗi các cô giáo mới có bệnh, mà người dân xã Bản Thi cũng cùng một chứng như trên. Bà Vũ Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Thi cũng thú nhận đang mắc chứng đau lưng, đau đầu không khác gì các cô giáo. “Dân ở bản này có bệnh đến trạm y tế cũng chỉ được phát vài viên thuốc bổ rồi về. Bệnh viện huyện thì xa quá nên ai cũng ngại đi, và cứ chịu đựng năm này tháng khác thế thôi”, bà Hà nói.

Nhưng đối tượng nhiễm độc chì nặng nhất của xã Bản Thi chính là những công nhân lao động trực tiếp tại Xí nghiệp chì kẽm Chợ Điền. Nhiều cô giáo ở xã Bản Thi có chồng là công nhân của xí nghiệp, năm nào cũng phải “tiễn” chồng đi Nam Định tẩy chì hơn 10 ngày.
 
Cô Nguyễn Thị Thùy, một người nhiễm chì ở mức 8,8 mg/l, chưa thuộc đối tượng được đi tẩy chì cho biết: “Xí nghiệp chỉ cho người bị nhiễm chì trên 10 mg/l đi tẩy, nên hồi đó mình chưa đủ “tiêu chuẩn” (?!). Chẳng biết 10 năm rồi thì tăng hay giảm, bởi từ đó đến nay xí nghiệp không tổ chức khám sức khỏe cho chúng tôi nữa”.
Cả xã bị “đầu độc” bệnh đau đầu, thấp khớp  - 3

Hít bụi từ quặng chì do xí nghiệp chì kẽm Chợ Điền khai thác cũng có thể nhiễm độc.

Cô Thùy thì không được khám sức khỏe, nhưng chồng cô là anh Phần thì năm nào cũng có tên trong danh sách “nghỉ mát” tại Quất Lâm, Nam Định. “Tẩy rồi cũng tăng, tăng rồi đi tẩy. Nó như một vòng quay ấy mà. Nhưng năm nay thì không biết là đáng mừng hay đáng lo, vì chẳng hiểu sao nhà máy lại không cho chồng mình đi tẩy nữa. Cũng chẳng biết bị nhiễm chì ở mức độ nào, chỉ thấy trái gió trở trời là kêu đau”, cô Thùy thở dài.

Anh Đức, làm bảo vệ tại Xí nghiệp chì kẽm Chợ Điền cũng cho biết, đợt khám sức khỏe rồi anh nằm trong 14 người của xí nghiệp có sức khỏe loại 4. “Anh em bảo vệ tưởng là những người có sức khỏe tốt nhất, hóa ra 3 anh em bảo vệ chúng tôi ở xí nghiệp đều cùng một bệnh tăng huyết áp cả. Sau này mới hay không phải chỉ uống nước mà hít thở không khí độc hại cũng sẽ bị nhiễm chì nặng”, anh Đức thổ lộ.

Lãnh đạo Xí nghiệp chì kẽm chợ Điền: “Nhà báo biết thế là đủ”

Đem chuyện nhiễm độc chì của công nhân và người dân hỏi anh Nguyễn Văn Phương - một vị phó giám đốc khá trẻ của Xí nghiệp chì kẽm Chợ Điền - câu chuyện giữa tôi với anh “nhạt như nước ốc”. Hễ cứ nghe đến từ nhiễm độc chì, anh Phương cứ như người bị “dị ứng”, lâu lâu mới thốt ra vài tiếng cho có lệ.

Mãi một lúc lâu, anh Phương bỗng lục trong đống hồ sơ cho tôi xem kết quả phân tích mẫu môi trường của Xí nghiệp chì kẽm Chợ Điền từ ngày 15/07/2008 đến ngày 25/07/2008 do Trung tâm mạng lưới khí tượng thủy văn và môi trường xét nghiệm. Phải nói là một bản báo cáo hết sức khả quan đối với một xí nghiệp khai thác quặng mỏ, bởi dù đã 24 năm khai thác, môi trường của xí nghiệp vẫn rất trong lành như kết luận của cơ quan xét nghiệm.
 
Cả xã bị “đầu độc” bệnh đau đầu, thấp khớp  - 4

Nước sạch từ sông suối nhiễm bẩn, nhưng nước lấy từ bể xử lý nước thải của xí nghiệp vẫn được đánh giá là an toàn.

Kết quả phân tích mẫu nước thải, 30 chỉ tiêu xét nghiệm thì không có chỉ tiêu nào vượt quá ngưỡng cho phép. Riêng kết quả phân tích mẫu thải rắn, trong 12 chỉ tiêu thì chỉ duy có chỉ tiêu Pb (chất thải rắn của chì) vượt quá 3,67 lần giới hạn cho phép. “Chất thải rắn này được thu gom tại bãi xử lý của xí nghiệp, không đổ ra môi trường nên hoàn toàn yên tâm”, anh Phương khẳng định.

Thế nhưng, khi tôi hỏi xem bảng phân loại sức khỏe của cán bộ công nhân viên xí nghiệp, khó khăn lắm, anh Phương mới đọc kết quả (anh chỉ nhất quyết đọc chứ không chịu cho tôi xem cũng như phô-tô - PV) bảng phân loại sức khỏe cán bộ công nhân xí nghiệp năm 2008. Trong số 795 người được khám, có 29 người sức khỏe loại 1, có 493 người sức khỏe loại 2, có 258 người sức khỏe loại 3. Duy chỉ có 14 người sức khỏe loại 4 và 1 người sức khỏe loại 5. Những người sức khỏe loại 3, loại 4, loại 5 thuộc đối tượng nào, anh Phương giấu tiệt, và bảo: “Nhà báo biết thế là đủ rồi”.

Cũng vì tư duy “biết thế là đủ”, nên tôi không thể xin được anh Phương bản xét nghiệm nhiễm độc chì trong cơ thể của các công nhân hàng năm. Thậm chí, anh nói anh cũng chẳng rõ nhiễm độc chì ở ngưỡng nào là trong giới hạn, ở ngưỡng nào là cực kỳ nguy hại, các căn bệnh liên quan đến nhiễm độc chì là những gì.

Theo như vị Phó Giám đốc này thì cứ ai vượt ngưỡng thì cho đi tẩy, ai chưa đến ngưỡng thì cứ thế mà làm. “Chúng tôi đang cố cắt giảm thu chi để không phải sa thải công nhân khi suy thoái kinh tế toàn cầu đang tác động, có việc cho họ làm là mừng rồi, nói chi đến chuyện sức khỏe”, anh Phương trần tình.

Về chuyện cả làng bị nhiễm độc chì, ông Hoàng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Bản Thi cho hay, lãnh đạo xã đã kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhiều rồi, nhưng chưa một cơ quan nào trả lời cho xã về vấn đề này. “Người ta đến, đo đo đạc đạc rồi đi. Kêu mãi rồi cũng chán, thôi đành chịu vậy”, ông Lâm buồn buồn.

Theo các chuyên gia y tế, chì và các hợp chất của chì đều độc, những chất chì càng dễ hòa tan lại càng độc.

 

Độc tính của chì tác hại ở người lớn là: 1.000mg hấp thu vào cơ thể một lần sẽ gây tử vong; 10mg hấp thu trong mỗi ngày sẽ gây nhiễm độc nặng sau vài tuần; 1mg hằng ngày sau nhiều ngày có thể gây nhiễm độc mãn tính.

 

Nguồn chì trong môi trường sống từ nước uống, thức ăn, khói bụi vào cơ thể hằng ngày có thể từ 0,1-0,5mg, ở các mỏ quặng thì cực kỳ lớn.

 

Trong giai đoạn nhiễm độc, các triệu chứng sớm phát hiện như cơ thể suy sụp, mệt mỏi, ăn không ngon, nhức đầu, mất ngủ, đau xương khớp, rối loạn tiêu hóa. Các triệu chứng khách quan như da xanh tái, có khi xạm da.

 

Cơn đau bụng chì thường được báo trước bằng hiện tượng táo bón kéo dài, cơn xuất hiện đột ngột, bệnh nhân đau bụng dữ dội, đau nhiều ở vùng rốn và thượng vị kèm theo nôn, mạch chậm và huyết áp tăng. Nặng hơn có thể liệt, tai biến não (đau đầu, co giât, mê sảng, hôn mê và có thể chết); viêm thận thường xuất hiện chậm; huyết áp cao; thấp khớp…

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Sông Lam