1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cả trăm điểm ngập vẫn hiện diện trong lòng TPHCM

(Dân trí) - Theo thông kê của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM, hiện khu vực nội thành của TPHCM có cả trăm đoạn đường thường xuyên bị ngập úng do mưa lớn hoặc triều cường.

Cả trăm điểm ngập vẫn hiện diện trong lòng TPHCM  - 1
Chỉ cần cơn mưa nhỏ, nhiều tuyến đường TPHCM biến thành sông.

Bất ngờ  hơn, địa bàn có nhiều điểm ngập úng nhất lại là quận 1 với 62 vị trí, cả 10/10 phường của quận đều có vị trí trên bản đồ ngập úng TP. Ngay những con phố trung tâm như Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trãi, Lê Lai, Trần Hưng Đạo… cũng có những đoạn ngập nặng khi trời mưa to do không thoát nước kịp thời.

Đứng đầu danh sách ngập nặng tại quận 1 là phường Cầu Kho. Chỉ trên địa bàn phường này đã có đến 18 con hẻm thường xuyên bị ngập khi trời mưa lớn hoặc nước triều dâng cao. Các con hẻm này nằm rải rác dọc theo các trục lộ chính như Bến Chương Dương, Nguyễn Văn Cừ, Trần Đình Xu…

Kế tiếp là địa bàn quận 5 cũng có cả chục đoạn đường của các tuyến đường trục cấp thành, cấp quận có khả năng rơi vào tình trạng ngập úng khi trời mưa to, triều cường, gây cản trở giao thông. Tiêu biểu như đường Châu Văn Liêm (đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Hồng Bàng), đường Hồng Bàng (đoạn từ Nguyễn Thị Nhỏ đến Dương Tử Giang)…

Địa bàn ngập nặng truyền thống của TP là quận 10 cũng chưa được cải thiện nhiều. Khu vực ngập nặng nhất là tuyến đường trục 3/2 (đoạn từ đường Trần Minh Quyền đến đường Cao Thắng) vẫn chưa chuyển biến. Những vị trí khác cũng ngập không kém như đường Tô Hiến Thành (đoạn từ đường Lý Thường Kiệt đến đường Hồ Bá Kiện), đường Lê Hồng Phong (đoạn từ vòng xoay ngã 7 đến đường 3/2)…

Địa bàn các quận khác như Bình Tân, Phú Nhuận… đều có nhiều vị trí có nguy cơ ngập nặng. Đặc biệt, Bình Tân có các khu dân cư mới như Nam Hùng Vương, Nam Long, Hương lộ 5, hẻm 439 Hồ Học Lãm… với diện tích đến 30 ha nhưng chỉ có duy nhất 1 cửa xả nước ra rạch Nước Lên. Do đó, khả năng thoát nước mưa rất kém, cả khu có nguy cơ ngập nặng nếu trời mưa quá lớn.

Địa bàn quận Phú Nhuận thì có hàng loạt điểm ngập phát sinh tại các con hẻm dọc hai bên đường Hoàng Sa, Trường Sa ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Có điều này là do hệ thống thoát nước của dự án Vệ sinh môi trường Thành phố tại kênh Nhiêu Lộc đã bị tắc nghẽn, tại nhiều vị trí đã bị nhà thầu chặn, bít hệ thống thoát nước...

Ông Lê Thanh Liêm, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão TPHCM nhận định: “Mặc dù số điểm ngập và mức độ ngập có giảm nhưng nhìn chung tình trạng ngập úng vẫn chưa được cải thiện nhiều, nhất là khi gặp các yếu tố bất lợi như mưa lớn kết hợp triều cường”.

Theo ông thì TP ngập nặng như hiện nay là do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do “tình trạng xây dựng công trình kiến trúc, nhà ở lấn chiếm hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch vẫn còn tiếp diễn; kênh, rạch san lấp trái phép và khả năng thoát nước suy giảm do không thể nạo vét vì vướng nhà dân lấn chiếm”.

Ngoài ra, do “một số dự án thoát nước lớn và các dự án cấp nước, dân dụng đang trong quá trình thi công đã chặn dòng làm tắc nghẽn dòng chảy dẫn đến làm phát sinh các điểm ngập mới. Mặc dù các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý nhưng tiến độ khắc phục của các nhà thầu còn chậm, chưa đạt yêu cầu”.

Trong khi đó, các công trình, dự án chống ngập có tính cấp bách cần thực hiện ngay thì “tiến độ không đạt yêu cầu vì gặp khó khăn về thủ tục đầu tư và di dời các công trình ngầm như tuyến cấp nước, điện thoại, điện lực…”.

Do vậy, dự  kiến người dân thành phố vẫn sẽ còn sống chung với ngập úng dài dài...

Tùng Nguyên