1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Cả làng đi bán bắp rang

(Dân trí) - Tại các trung tâm thành phố lớn, chúng ta không còn xa lạ với hình ảnh và bản nhạc của những chiếc xe bán bắp rang bơ. Nhưng, đằng sau đó là cuộc sống mưu sinh của người dân nghèo và ước mơ của những đứa trẻ thất học.

Về làng Ngọc Đỉnh, xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) giữa những ngày này thật khó để nhìn thấy bóng dáng thanh niên, đứa trẻ hay những cặp vợ chồng trẻ còn ở nhà. Dừng chân gần một giờ đồng hồ tại làng, chúng tôi may mắn mới gặp được một người đi ngang qua đường. Thấy sự tò mò của chúng tôi, anh liền phân trần: “Giờ này vào làng thì ít người còn ở nhà lắm, mọi người đều đi bán bắp rang bơ ở các trung tâm thành phố hết rồi. Đến mùa gặt lúa họ mới về”.

Làng vắng….

Làng Ngọc Đỉnh vốn nổi tiếng với nghề bán bắp rang bơ dạo, nhiều năm nay, nghề này được xem như cái “cần câu cơm” của người dân trong làng. Với chiếc xe đẩy và những nguyên liệu mang theo, nghề bán bắp dạo đang nuôi sống người dân nghèo, mang lại thu nhập trong những ngày mùa giáp hạt.
 
Cả làng đi bán bắp rang - 1
Những chuyến xe chở bắp trên phố
 
Trước kia, làng Ngọc Đỉnh là một làng quê nghèo với 80% gia đình thuộc diện hộ nghèo. Người dân trong làng quanh năm chỉ trông vào đồng ruộng, nhưng ruộng ít, đất đai cằn cỗi, mất mùa thường xuyên nên cái nghèo, cái đói cứ đeo bám người dân nơi đây. 

Cuộc sống khó khăn, hàng trăm người dân trong làng phải “tha phương cầu thực” khắp nơi. Năm 2000, do một người dân học được nghề bán bắp rang bơ nên về truyền dạy cho con em trong làng. Từ đó, nghề bán bắp rang bơ dạo trở thành nghề chính của người dân nơi đây.

“Hai vợ chồng tôi đi bán bắp rang đã gần 7 năm nay, vào Nam ra Bắc, chỗ nào cũng biết. Nghề này bấp bênh lắm, đi lại vất vả, nhiều khi phải bỏ con cái ở nhà cho ông bà chăm sóc, việc học hành của các cháu cũng bị gián đoạn. Cháu đầu mới học xong lớp 7 đã nghỉ học theo bố mẹ đi bán bắp, vì gia đình không có ai bảo ban cháu học cả”, chị Phạm Thị Thắm, người dân làng Ngọc Đỉnh tâm sự.
 
Cả làng đi bán bắp rang - 2
Gia đình anh Hứa, chị Thắm làm nghề bán bắp đã nhiều năm nay 

“Đội quân” bán bắp rang bơ dạo của làng Ngọc Đỉnh thường đi theo nhóm là gia đình, anh em hoặc hàng xóm láng giềng. Mỗi nhóm từ 4 - 10 người, hành nghề ở nhiều địa phương khác nhau. Mỗi chuyến đi thường kéo dài từ 2 đến 6 tháng, nhưng cũng có khi họ đi vài năm mới về một lần. Mùa đông từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau là khoảng thời gian bán bắp được nhất nên hầu hết trong làng không có ai ở nhà.

Anh Lưu Văn Hứa tính toán: “Trung bình một ngày mỗi người đi bán, trừ chi phí cũng kiếm được 20.000 - 30.000đồng, nhiều thì từ 50.000 - 60.000đồng. Số tiền so với làm ruộng ở quê thì đây cũng là lớn”. 

Địa bàn hoạt động của “đội quân” bắp rang dạo rất rộng, phân tán ở khắp các tỉnh thành, nhưng đông nhất vẫn là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... nơi có nhiều điểm vui chơi, lễ hội, đình chùa diễn ra các hoạt động lớn.

Ông Đặng Văn Đàn, trưởng làng Ngọc Đỉnh cho biết: “Cả làng có 319 hộ dân/1.500 nhân khẩu, nhưng nhà nào cũng có người đi bán bắp rang bơ. Nhà ít thì cũng 1 - 2 người, nhiều thì có tới 4 - 5 người nên tổng số lao động già trẻ đi bán bắp dạo của làng hiện lên đến hơn 1.000 người, chiếm 70% lao động của thôn”.

Bỏ học theo nghề bắp rang

Cuộc sống khó khăn, cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn nên nhiều trẻ em trong làng không được cắp sách đến trường, nhiều em được đi học nhưng cũng chỉ học hết cấp 2 là nghỉ học đi kiếm sống.
 
Cả làng đi bán bắp rang - 3
Nhiều người phải mang cả con nhỏ đi theo

Trước năm 2009, 100% học sinh trong làng Ngọc Đỉnh không thi đại hoc, cao đẳng hay làm hồ sơ vào các trường trung cấp... Các em chỉ học hết cấp 2, cấp 3 là ở nhà đi bán bắp. Nhiều em còn phải nghỉ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình, phải mưu sinh quá sớm.

Anh Xiêm bày tỏ: “Vợ chồng tôi sinh được 8 cháu, cháu lớn nhất năm nay mới 24 tuổi. Hiện gia đình chỉ còn 4 cháu đang được đi học, còn 4 cháu đầu phải nghỉ học để lao động giúp chúng tôi nuôi các em ăn học. Thương các cháu vất vả, bươn chải cuộc sống rất sớm, nhưng gia đình khó khăn, lại đông con nên phải chấp nhận thôi”.
 
Hành trang vào đời của các em là kỷ niệm về những tháng ngày rong ruổi trên khắp các phố phường bán bắp dạo. Nếu để ý, không khó để bắt gặp những thân hình nhỏ bé phải gồng mình đạp từng vòng xe nặng nhọc, mồ hôi nhễ nhãi trên các con đường ở các thành phố.
 
Cả làng đi bán bắp rang - 4
Những đứa trẻ mới học hết cấp 1 đã biết làm bắp bán phụ giúp gia đình

Vừa loay hoay lấy túi bắp rang bán cho khách, Hà vừa tâm sự: “Học xong lớp 7 là em phải nghỉ học theo gia đình đi bán bắp dạo, vài tháng mới về quê một lần. Em còn hai em nhỏ đang tuổi đi học. Hôm nào gặp may thì bán hết được bắp, nhưng hôm nào gặp phải những người say rượu, tụi em thường bị chửi, đánh hay lật đổ xe hàng là chuyện như “cơm bữa”, thế là công sức trong ngày mất trắng”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2000 - 2008, làng Ngọc Đỉnh có khoảng hơn 100 em học sinh có độ tuổi từ 6 - 15 tuổi bỏ học hoặc nghỉ học giữa chừng để ra các thành phố mưu sinh bằng nghiệp bắp dạo. Đó là chưa kể tới hàng chục đứa trẻ nhiều năm nay phải chịu cảnh thất học để đi bán bắp. 
 
Ông Lê Khắc Thắng, Chủ tịch UBND xã Hoằng Hà cho biết: “Nghề bán bắp rang bơ là một nghề phụ của làng Ngọc Đỉnh, nhưng mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân vào thời gian dư thừa trong năm. Cũng từ đó, hàng trăm đứa trẻ trong làng nghỉ học mưu sinh. Hai năm trở lại đây, làng mới xuất hiện có học sinh thi vào các trường đại học, cao đẳng.  
 
Cả làng đi bán bắp rang - 5
Hình ảnh những chuyến xe bán bắp rang trên các ngả đường
 
Hiện, xã đang phối hợp với Hội khuyến học xã và nhà trường đến từng gia đình động viên, khuyến thích các cháu tiếp tục đi học. Tuyên truyền cho bậc phụ huynh hiểu về tầm quan trọng của việc học hành của con em mình. Đồng thời, hàng năm chúng tôi tổ chức khen thưởng, động viên những em học sinh có thành tích cao trong học tập”.

Làng quê Ngọc Đỉnh đang thay đổi từng ngày nhờ nghiệp bắp rang bơ, nhưng vẫn còn đó những đứa trẻ thất học. Rồi cuộc sống của chúng sẽ ra sao khi bên ngoài đầy rẫy những khó khăn và cám dỗ rình rập những tâm hồn ngây thơ và trong sáng…

Lan Anh - Duy Tuyên