Cá chết ở Hồ Tây: Thiếu ô xy do chất thải đổ xuống hồ quá nhiều?

(Dân trí) - Về hiện tượng cá chết hàng loạt tại Hồ Tây mấy ngày qua, TP Hà Nội đã xác định được nguyên nhân ban đầu là do nước mặt hồ không có ô xy, tuy nhiên chưa rõ nguyên nhân vì sao thiếu ô xy. Các chuyên gia cho rằng, thiếu ô xy là do chất thải quá nhiều.

"Con người đổ chất độc, chất thải vào Hồ Tây quá mức cho phép"

Liên quan đến hiện tượng cá chết với số lượng lớn tại Hồ Tây mấy ngày qua, sáng nay (4/10), phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Bùi Quang Tề, chuyên gia đầu ngành về bệnh thủy sản, nguyên Trưởng phòng Sinh học Thực nghiệm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I. Tiến sĩ Tề cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết ở Hồ Tây là do chất thải, nước thải đổ xuống hồ quá nhiều, khiến nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng.

“Con người đổ các chất độc, các chất thải hữu cơ đổ vào Hồ Tây quá mức cho phép. Khi các chất thải hữu cơ có nhiều trong hồ, nó sẽ hút ô xy để phân huỷ. Đó là nguyên nhân gây cá chết ở Hồ Tây. Còn có ý kiến cho rằng do thay đổi thời tiết dẫn đến hiện tượng nước mặt Hồ Tây có chỉ số ô xy bằng 0 là vô lý. Thay đổi thời tiết chỉ khiến lượng ôxy giảm đôi chút chứ không thể bằng 0. Chúng ta đừng đổ cho tự nhiên, bởi Hồ Tây có cả ngàn đời nay rồi, có làm sao đâu?” – Tiến sĩ Tề cho biết.

Tiến sĩ Bùi Quang Tề: Cá chết ở Hồ Tây là do con người xả thải chất độc hại xuống hồ quá nhiều (Ảnh: Mạnh Thắng).
Tiến sĩ Bùi Quang Tề: Cá chết ở Hồ Tây là do con người xả thải chất độc hại xuống hồ quá nhiều (Ảnh: Mạnh Thắng).

Cũng theo Tiến sĩ Bùi Quang Tề, trước đây, người dân sinh sống ven Hồ Tây rất ít, do đó nguồn chất thải đổ xuống hồ là không đáng kể. Nhưng những năm gần đây, dân cư khu vực ven hồ rất đông đúc, cộng thêm các tòa nhà cao ốc mọc lên gần đó và rất nhiều nhà hàng đang “bám” vào Hồ Tây để sinh sống, dẫn đến một nguồn chất thải, nước thải đổ xuống lòng hồ ngày một lớn.

Từ những phân tích trên, Tiến sĩ Tề đã thẳng thắn cho rằng, hiện tượng cá chết ở Hồ Tây với số lượng chưa từng có trong lịch sử nói trên, trước tiên trách nhiệm thuộc về TP Hà Nội, sau đó là những hộ dân sinh sống ven hồ, đặc biệt là các nhà hàng kinh doanh tại khu vực Hồ Tây.

Để khắc phục vấn đề trên, Tiến sĩ Bùi Quang Tề đã đưa ra 4 giải pháp: Trước mắt cần “cắt” ngay các nguồn xả thải chất ô nhiễm xuống Hồ Tây; Khẩn trương vớt sạch cá chết lên bờ đem đi tiêu hủy hợp vệ sinh; Dùng máy sục khí để cung cấp ô xy, để cho cá tự động đến khu vực đó, nếu chưa làm được cả hồ thì làm từng khu vực; Nếu TP Hà Nội có kinh phí thì dùng một số chế phẩm vi sinh để hấp thụ các chất độc hại.

“Nếu TP Hà Nội mà có tiền thì làm theo phương pháp thứ 4 tôi nêu ở trên là tốt nhất, tức là dùng một số chế phẩm vi sinh để làm sạch nước Hồ Tây. Trước đó, các nhà chuyên môn có nói làm sạch nước biển ở miền Trung là khoảng 500 USD/m2, mà Hồ Tây có diện tích là 500 ha, thì phải cần số lượng tiền quá lớn” – Tiến sĩ Tề nói tiếp.

Cần tách đường nước thải và nước mưa

Cũng liên quan đến hiện tượng cá chết ở Hồ Tây nói trên, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Trần Hữu Uyển (là một trong những người đầu tiên thành lập ngành nước của trường ĐH Xây dựng – Hà Nội) cho rằng, cá chết hàng loạt ở Hồ Tây mấy ngày qua là do nguồn chất thải, nước thải chưa qua xử lý đổ xuống hồ quá lớn, khiến nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng.

Theo GS.TSKH Trần Hữu Uyển, ở Hà Nội các hồ thường bị ô nhiễm vào 2 đợt trong năm, là khoảng tháng 4, 5 và tháng 10, 11. Vì cứ có hiện tượng mưa nhiều, sau đó nắng lên một thời gian là nước mặt hồ hay bị ô nhiễm, cá chết nhiều.

“Khi mưa nhiều, nước mưa sẽ chảy vào các hệ thống cống thoát và đồng loạt đẩy các chất bẩn trong đó xuống các ao, hồ, kênh mương. Sau đó nắng lên một thời gian, các chất thải này ở dưới lòng hồ sẽ hút ô xy để phân hủy, dẫn đến nước mặt thiếu ô xy và cá chết nhiều” – GS.TSKH Trần Hữu Uyển phân tích.

Về giải pháp lâu dài, GS.TSKH Trần Hữu Uyển cho biết, các nước tiên tiến trên thế giới thường tách nguồn nước thải sinh hoạt và nước mưa làm 2 đường thoát riêng biệt. Nước mưa sẽ được xả trực tiếp xuống ao, hồ, kênh, mương,… còn nguồn nước thải cần có một đường riêng dẫn vào một khu vực xử lý đến khi đảm bảo an toàn mới xả ra môi trường.

Chỉ khi nào làm được như vậy, nguồn nước các hồ, kênh, sông,… ở Hà Nội và các đô thị lớn của Việt Nam mới không bị ô nhiễm như hiện nay.

Nguyễn Dương