Buổi chia tay buồn của những người cảm tử đánh bom nổ chậm

(Dân trí) - Gần tròn 50 năm - quá dài so với một vòng đời, vẫn luôn là minh chứng sinh động về tinh thần quả cảm của người dân Nghệ An trong hai cuộc kháng chiến giữ nước trường kỳ nửa sau thế kỷ 20.

Lễ tế sống dành cho các cảm tử tình nguyện

Tháng 6/1968, Nguyễn Thạc Thư (SN 1952) đang tuổi trai tráng, tình nguyện và được chấp nhận cho ra hiện trường tham gia đào bới, khiêng gánh bom “kẻ giết người thông minh”. Gần 50 năm, ông Thư vẫn không quên buổi Lễ xuất quân - chia tay tốp 6 cảm tử đào bới không trở về.

Mọi người không nói ra nhưng kẻ đi người ở đều ngầm hiểu,“màu xanh” của Lễ xuất quân không giấu hết được“màu đen” của "lễ tế sống" dành cho các cảm tử tình nguyện làm nhiệm vụ. Lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền xã có mặt đầy đủ dự Lễ ra quân - thực chất là Lễ truy điệu sống - một nghi thức nhạy cảm chưa có tiền lệ trên đất Nam Quang.


Vợ chồng ông bà Nguyễn Thị Thanh-Erdan Aubakirova tại buổi gặp mặt.

Vợ chồng ông bà Nguyễn Thị Thanh-Erdan Aubakirova tại buổi gặp mặt.

Ông Hồ Công Cháu - Bí thư Đảng ủy, thay mặt Đảng bộ, chính quyền xã Nam Quang, tuyên bố, trong khi làm nhiệm vụ đào bới quả bom, nếu 6 cảm tử hy sinh, Nhà nước sẽ công nhận liệt sỹ. Các cảm tử nhìn nhau rưng rưng nghẹn ngào, đến phút cuối chẳng ai nhụt chí thoái thác nhiệm vụ!

Những biểu hiện trên gương mặt của 6 cảm tử được ông Trần Đình Thợng - Chủ tịch xã lặng lẽ quan sát, cho đến khi cả tốp tiến ra hiện trường, lãnh đạo xã không phải sử dụng phương án thay thế người mà đơn vị đã âm thầm chuẩn bị.

Ông Thư đọc cho tôi ghi đủ họ tên 6 cảm tử đào bới bom, đến nay, 4 người đã mất vì tuổi tác bệnh tật, gồm: ông Trần Đình Chắt nguyên xã đội trưởng; ông Tạ Quang Thìn; ông Trần Công Phú, bà Trần Thị Chất; Hai người còn sống là ông Nguyễn Thạc Thư, bà Trần Thị Xoan (đều SN 1950).

Quả bom chui sâu vào khoảng giữa chiều cao thân đê, đào bới bằng tay suốt 1 ngày từ 6h30 đến 17h30 dưới hầm hập nắng gió Lào, hết xoay dọc vần ngang mới lôi được quả bom lên khỏi mái đê. Nhưng 6 cảm tử đã xuống sức không khiêng nổi “tên giết người thông minh” ra xa 300m, lãnh đạo xã bổ sung 6 cảm tử ra hiện trường cùng khiêng gồm: ông Trần Văn Minh (đã mất), ông Trần Như Loan (đã mất), ông Trần Văn Chiến, bà Nguyễn Thị Kim Lý, bà Nguyễn Thị Loan (theo chồng về Nghi Lộc, bà Loan (SN 1950) vắng mặt tại cuộc gặp này).

Đưa quả bom lên mặt đê.
Đưa quả bom lên mặt đê.

Ngày đó Nguyễn Thạc Thư đang tuổi mới lớn, tình nguyện cảm tử vẫn được lãnh đạo xã chấp nhận cho tham gia! Tự nhiên thôi, khi mà nạn nhân của “kẻ giết người thông minh” kia không phân biệt quân hay dân, già hay trẻ, trai hay gái, tuổi tác nhiều hay ít, nếu mình không vô hiệu nó thì nó sẽ giết nhiều người dân mình.

Về sau ông Thư mới nghĩ ra, bữa đó nếu “hắn” phát huy đủ 100% độ nhạy giết người thì ông không có cơ hội khai “gian” năm sinh (SN 1950) cho đủ tuổi để tháng 9/1968 lên đường nhập ngũ; không có cơ hội được huấn luyện tân binh tại Trung đoàn 22 QK4 trước khi vào mặt trận B5 (Quảng Trị, Thừa Thiên) hay được trực tiếp chiến đấu trong đội hình của Sư đoàn 390, Trung đoàn bộ binh 27 Triệu Hải - 2 lần Đơn vị AHLLVTND; cũng không có 3 lần bị thương trên chiến trường vào các năm 1971, 1972, 1973 và Trung đoàn 27 cũng không buộc lính trận Nguyễn Thạc Thư phải trở về xây dựng quê hương với chế độ thương tật mức 31%.

Tại cuộc gặp mặt đầu Xuân của 3 cảm tử quân mang tính chất gia đình, do con cháu cụ Nguyễn Thị Kim Lý đứng ra tổ chức, anh Nguyễn Duy Thảo - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lâm tâm sự: “Tuổi thiếu niên anh được bố mẹ kể về dân quân Nam Quang cảm tử đào, khiêng bom. Một bài học lớn về tinh thần yêu nước thương dân, một sự kiện người thật việc thật ở làng mà các thế hệ hậu sinh ngỡ như huyền thoại ở chốn xa xăm”.

Anh Erdan Aubakirova, công dân Nga - chồng chị Nguyễn Thị Thanh, vừa kịp bay về Vinh để dự cuộc gặp của mẹ vợ với các đồng đội. Anh nhờ người bạn chuyển ngữ sang tiếng Việt mấy lời phát biểu chân tình:

“Là công dân nước Nga, tôi rất cảm động được dự lễ gặp mặt - tri ân các ông các bà một thời cảm tử. Tuổi trẻ của các ông các bà là tấm gương cống hiến, hy sinh vì nước vì dân. Tôi rất biết ơn mẹ của Thanh, rất biết ơn những cựu chiến binh, những cựu dân quân Nam Quang đã chiến đấu hy sinh, góp phần bảo vệ đất nước Việt Nam quê hương thứ hai của tôi…”.

Tại cuộc hội ngộ dản dị cảm động này, nhà thơ Hoàng Thị Cẩm Thạch đọc tặng các cảm tử quân bài thơ chị làm:

Chúng mình - có ai thế không?

Trái bom chực nổ bên sông rập rình

Dân quân tuổi trẻ quên mình

Có người chồng mới hy sinh chiến trường

Có người chưa một nụ hôn

Có người vợ yếu đông con, nhà nghèo

Cảnh đời khốn khó gieo neo

Nhà nông cây lúa cánh bèo nhỏ nhoi

Tấm lòng yêu nước thương nòi

Vầng trăng sáng giữa bầu trời đầy sao…

Hồn nhiên hoa cỏ ven sông

Hồn nhiên cái chết cho đồng lúa xanh.

Tác giả bức ảnh quý giá với “thông điệp lịch sử”

Thấy tôi “soi” bức ảnh mang “thông điệp lịch sử” hiện trưng bày tại Bảo tàng Quân khu - bức ảnh chụp tại thời điểm quả bom đã được lôi lên khỏi triền đê, tốp cảm tử đào bới cùng tốp cảm tử vừa được bổ sung chuẩn bị khiêng quả bom đến nơi tiêu hủy, ông Hồ Công Điều - cán bộ Văn phòng UBND huyện Nam Đàn, hàng xóm của cụ Kim Lý, rỉ tai: “Hôm ấy lãnh đạo xã nhờ ông Nguyễn Văn Vượng thợ ảnh ra hiện trường bấm máy đó. Hiện ông Vượng đang ở phường Cửa Nam, TP Vinh”.

Rồi tôi trở về TP Vinh tấp nập xe cộ, ồn ào náo nhiệt và tìm đến ngôi nhà ông Vượng trên phố Trần Hưng Đạo. Tại đây, được anh Quang (con ông Vượng) mang ra mấy chứng chỉ cho tôi xem: CMND, thẻ Hội viên Hội CCB Việt Nam, di ảnh. Rồi anh Quang bảo: “Bố cháu mất năm 2012 rồi bác à”.

Cuộc trò chuyện với chủ nhà giúp tôi có được những nét cơ bản về tác giả bức ảnh mang thông điệp lịch sử này.

Ông Nguyễn Văn Vượng (SN 1929 tại Vinh), tham gia bộ đội kháng chiến chống Pháp. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông trở về xây dựng quê hương, là xã viên của HTX nhiếp ảnh Khu phố 5 thị xã Vinh (nay là phường Cửa Nam, TP Vinh).

Trong vòng 20 năm (1945-1965), người dân Vinh tiến hành 2 lần “vườn không nhà trống”. Năm 1965, ông Vượng mang vợ con lên sơ tán tại xã Nam Quang lúc bấy giờ tại Nam Đàn. Tại nơi ăn nhờ ở tạm, không ruộng không vườn, ông mượn mấy vuông đất của một cư dân dựng “nhà” tre nứa cho vợ con trú thân, dựng lều trưng biển “hiệu ảnh” kiếm sống.

Nằm bên tuyến đê 42, trong chiến tranh xã Nam Quang là một trong những điểm tập kết, trung chuyển dòng người và phương tiện khí tài đạn dược vào Nam. Trên đường ra trận không hẹn ngày về, hàng trăm người lính trong khi dừng chân tại Nam Quang đã tìm đến “hiệu ảnh ông Vượng” để có một vài kiểu ảnh gửi về gia đình.

Với kỹ thuật in tráng thời đó phải chờ vài ba hôm mới có sản phẩm, song mấy giờ sau đơn vị nhận lệnh tiếp tục hành quân vượt sông vào Nam, các lính ta chỉ kịp quay lại “hiệu ảnh ông Quang” để ghi địa chỉ và nhờ ông Vượng ra bưu điện gửi ảnh về cho thân nhân gia đình. Sau Hiệp định Pari năm 1973, gia đình trở về Vinh, ông Vượng tham gia công tác Khu phố 5, Hội CCB phường Cửa Nam.

Bà Trần Thị Xoan, cụ Nguyễn Thị Kim Lý, ông Nguyễn Thạc Thư, cụ Nguyễn Đình Huân - những cảm tử đào, gánh bom năm xưa và tuổi tác đã già bây giờ.
Bà Trần Thị Xoan, cụ Nguyễn Thị Kim Lý, ông Nguyễn Thạc Thư, cụ Nguyễn Đình Huân - những cảm tử đào, gánh bom năm xưa và tuổi tác đã già bây giờ.

"Sau khi ông cụ mất, anh chị em tôi họp và quyết định “hóa gửi” mấy chiếc máy ảnh cũ mèm, mấy cuốn sổ tay úa vàng ghi họ tên thân nhân, địa chỉ quê quán của hàng trăm gương mặt lính trận đã được ông thu vào ống kính. Nghĩ lại càng tiếc bác ạ", anh Quang chia sẻ.

Nghe anh Quang bộc bạch, tôi mông lung ruổi theo suy nghĩ: Không là phóng viên chiến trường, không thuộc quân số cảm tử “tế sống”, nhưng được lãnh đạo xã giao việc, ông Vượng lập tức lao vào nơi dễ thịt nát xương tan! Lãnh đạo xã Nam Quang đã chính xác chọn mặt gửi vàng. Chém miệng, bữa đó nếu khối sắt đen sì kia hội đủ 100% độ nhạy giết người, liệu trường hợp ngoại lệ của ông Vượng có được Nhà nước công nhận liệt sỹ không nhỉ?

Giao Hưởng