Bức bối với nạn “còi tặc”

(Dân trí) - Hiểm họa tai nạn giao thông do tiếng còi của các loại xe tải đã được cảnh báo từ lâu, người dân lên án nó là “còi tặc”, các cơ quan chức năng ráo riết ngăn chặn. Thế nhưng gần đây “còi tặc” lại rộ lên, gây ra không ít vụ tai nạn thương tâm.

Chiều tối ngày 18/5, trên quốc lộ 1A, đoạn đi qua thành phố Biên Hòa (Đồng Nai), tài xế xe tải bóp còi báo hiệu để vượt qua xe máy do chị Bích Ngọc, công nhân công ty Sanyo điều khiển. Tuy nhiên, xe tải quá gần, tiếng còi hơi chát chúa khiến chị Ngọc giật mình té ngã và bị xe tải cán chết.
 
Bức bối với nạn “còi tặc”  - 1
Một tai nạn thương tâm chỉ vì những lý do không đáng có (Ảnh: Trung Kiên)
 
Vụ tai nạn thương tâm gần đây nhất xảy ra vào sáng qua (14/6), trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức, TPHCM), tài xế xe bồn cũng bấm còi xin đường để vượt qua xe máy do chị Loan điều khiển. Tiếng còi hơi quá lớn làm chị Loan giật nảy mình thắng gấp và bị ngã xe. Không may, bé Vy, con gái chị Loan ngồi trước bị văng ra giữa đường và bị xe bồn chạy qua cán chết.
 
Quá đau đớn trước cái chết thương tâm của con, chị Loan vật vã, hoảng loạn ôm xác con gào khóc đến ngất xỉu. Hình ảnh bi thương ấy khiến đông đảo bà con xung quanh đau lòng và bức xúc trước những tai nạn thảm khốc bởi những lý do không đáng có.
 
Theo luật Giao thông đường bộ, trong nội thị không được phép sử dụng còi hơi nhưng tài xế vẫn coi thường. Tuy nhiên, thực tế này vẫn thường xuyên diễn ra tại TPHCM, Thủ Dầu Một, Biên Hòa và đặc biệt là khu vực các tuyến đường chính ven nội thành TPHCM như quốc lộ 13, Kha Vạn Cân, Xa lộ Hà Nội, Trường Chinh…
 
Khu vực nội thành TPHCM do lực lượng cảnh sát giao thông dày đặc nên giới tài xế xe tải cũng ít dám sử dụng còi hơi khi lưu thông. Tuy nhiên, các hành vi như bấm còi liên tục để giành đường vẫn xảy ra, đặc biệt là xe buýt.
 
Ngoài ra, còn xuất hiện những “còi tặc” mới như: xe máy gắn còi ôtô, xe máy gắn còi với âm lượng lớn, gắn những còi phát âm thanh quái dị… Tuy các trường hợp này ít gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng nhưng không kém phần nguy hiểm. Vì các đối tượng sử dụng các loại kèn quái dị này thường kèm theo đánh võng, lạng lách, rất dễ gây ra TNGT.
 
Trước tình trạng này, cuối tháng 4/2010, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có văn bản gửi Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam yêu cầu Hiệp hội kết hợp với các doanh nghiệp vận tải tăng cường tuyên truyền, giáo dục tài xế không được lạm dụng việc sử dụng còi nhằm giảm thiểu TNGT.
 
Nghị định 34/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 20/5 cũng quy định xử phạt tăng nặng hành vi bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi trong đô thị, khu đông dân cư… lên mức 300 - 500 ngàn đồng.
 
Tuy nhiên, có lẽ mức phạt tăng cao nhưng quyết tâm xử lý hành vi này chưa đủ ráo riết nên các tài xế vẫn khinh nhờn, nạn “còi tặc” vẫn lộng hành.
 
Để hạn chế hành vi này, có lẽ các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn, ráo riết tuần tra và xử phạt những hành vi xem thường tài sản, tính mạng của người dân như trên.
 
Hạ Nguyên