Bữa cơm chan hòa với cát!

(Dân trí) - Dựa mình vào hàng rào tre, tay bưng bát cơm, ánh mắt nhìn xa xăm, hờ hững đưa từng miếng cơm vào miệng, người đàn ông hướng nhìn về phía biển khơi lo lắng cho chuyến đi biển chiều nay…

Một ngày cuối tháng tư, giữa trưa hè oi ả, trên con đường đầy cát dẫn vào bãi biển Đại Long, xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) không một bóng cây. Đã giữa trưa nhưng không khí trên bãi biển vẫn còn náo nhiệt với hàng trăm ngư dân, người kéo mảng, người tranh thủ vá lại tấm lưới rách và náo nhiệt nhất là cảnh mua bán hải sản…

Trưa thường là thời điểm kết thúc một chuyến đi biển thâu đêm của ngư dân nơi đây. Cả một bãi biển dài, hiếm hoi lắm mới có một vài bóng cây che mát thưa thớt. Dưới tán cây phi lao, một nhóm ngư dân đang ngồi tụm lại bên mâm cơm trưa. Từng giọt mồ hôi rơi xuống như chan cả vào bát cơm. Thi thoảng từng cơn gió biển lại rít lên, mỗi khi có người đi qua, bụi cát bay lên tạt vào cả mâm cơm của ngư dân. Mâm cơm chỉ có hai chiếc nồi: một nồi cơm và một nồi cá là sản phẩm từ chuyến đi biển được nấu vội cho bữa ăn trưa.

Cách đó không xa, một người đàn ông dựa mình vào hàng rào tre, tay bưng bát cơm, mắt nhìn xa xăm, hờ hững đưa từng miếng cơm vào miệng, hướng nhìn về phía biển khơi lo lắng cho chuyến đi biển chiều nay…

Một ngày đi biển với ngư dân xã Hoằng Thanh bắt đầu từ 7h tối ngày hôm trước đến 11h trưa hôm sau mới về. Mỗi chuyến đi như thế, một bè mảng “đốt” hết khoảng 300 ngàn tiền dầu, ngày được thì mỗi ngư dân còn có để chia nhau người dăm ba chục ngàn, cũng có hôm không đưa về được đồng nào.

Vừa kéo chiếc mảng vào bờ, ông Lê Văn Tuyết, thôn Trung Hải, xã Hoằng Thanh quyệt ngang trán lau những giọt mồ hôi nói: “Nhà tôi có hai mảng, có 8 khẩu, ruộng có vài sào không đủ ăn, chủ yếu sống dựa vào nghề đi biển, chúng tôi đã gắn bó với nghề từ bao đời nay. Mỗi chuyến đi trừ chi phí nếu còn lời thì mỗi người cũng chỉ được khoảng 60 ngàn tiền công. Có nhiều chuyến đi còn không đủ tiền dầu, cuộc sống của hơn 300 hộ dân làm nghề chúng tôi ở đây vất vả lắm”.

Ngồi trên gò đất, hướng mắt nhìn ra biển, ông Lê Văn Tuyên, trưởng bến Đại Long cho biết: “Dân đi nghề ở đây cực lắm, ăn có được ngồi mô, ăn chưa xong lại đi nữa đó”, vừa nói ông vừa chỉ tay về phía chiếc mảng đang dần lướt khỏi con sóng hướng về phía biển khơi bắt đầu chuyến đi mới. Nói là trưởng bến cho oách, nhưng thực chất không có ai trả lương cho ông, mỗi chuyến đi vào nếu chủ nghề nào trúng được thì cho ông 20 ngàn đồng tiền công trông coi, còn không thì cũng đành thôi.

“Như hôm nay, mảng tôi có 6 người đi, hết 300 ngàn tiền dầu mà đánh cá bán được 200 ngàn, còn lỗ thì lấy đâu tiền mà cho trưởng bến”, anh Huấn tiếp lời.

Trưa, giữa bãi biển không một bóng mát, hàng trăm con người đội nắng sinh hoạt ngay trên bãi biển. Có khi không kịp ăn, họ chia nhau từng miếng bánh khô lót dạ để chống lại cái đói. Đã bao đời nay, ngư dân vẫn vất vả quanh năm với biển cả để kiếm kế sinh nhai. Cuộc sống khó khăn, nhưng cái nghề biển như đã ăn sâu vào trong máu thịt...

Bữa cơm chan hòa với cát!
Bữa cơm trưa vội, ăn rồi lại ra khơi.

Bữa cơm chan hòa với cát!
Vừa ăn vừa ngóng biển

Bữa cơm chan hòa với cát!
Thành quả của một chuyến đi có khi không đủ trả tiền dầu

Bữa cơm chan hòa với cát!
Cầm trên tay những đồng tiền bán cá mà băn khoăn không hiểu lãi được mấy đồng.



Bữa cơm chan hòa với cát!
Đôi khi, bữa trưa của những ngư dân chỉ là một miếng bánh khô lót dạ.

Bữa cơm chan hòa với cát!
Mỗi một bè mảng thường có 6 - 7 người đi, chuyến nào được thì một lao động cũng chỉ có 30 - 50 ngàn đồng.

Bữa cơm chan hòa với cát!
Giữa trưa hè nắng như đổ lửa, bãi cát bỏng rát vẫn náo nhiệt.

Bữa cơm chan hòa với cát!
Một chuyến đi mới...

Duy Tuyên