1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Cúp quốc gia 2013

BTC làm khó các đội hạng Nhất từ… lịch thi đấu

(Dân trí) - Nhìn vào lịch thi đấu của cúp quốc gia và lịch thi đấu của giải hạng Nhất 2013, không khó để phát hiện một bất cập khá lớn, khi thời điểm kết thúc của 2 giải này lệch nhau khá xa, gây thiệt thòi lớn cho các đội hạng Nhất ở cúp quốc gia.

Vòng 14, vòng đấu cuối cùng của giải hạng Nhất sẽ kết thúc ngày 6/7, trong khi trận chung kết cúp quốc gia sẽ kết thúc vào ngày 31/8. Có nghĩa là cúp quốc gia kết thúc muộn hơn giải hạng Nhất đến hơn 1 tháng rưỡi.

 

Thường thì với các đội bóng nghèo, mà điển hình là các đội hạng Nhất, họ chỉ ký hợp đồng với các ngoại binh theo từng mùa bóng (thậm chí không ít cầu thủ nội của các đội hạng Nhất cũng chỉ có hợp đồng dạng này). Thời điểm hợp đồng của không ít cầu thủ đang chơi ở giải hạng Nhất kết thúc cũng trùng với thời điểm vòng đấu cuối cùng của giải đấu này khép lại.

 

Có nghĩa là nếu như các CLB thuộc giải hạng Nhất vào sâu ở cúp quốc gia, họ sẽ… chấp các đội khác đang đá ở V-League không ít cầu thủ (trong trường hợp họ hết hợp đồng), trong đó có cả các ngoại binh.

 

Các đội hạng Nhất vốn đã yếu hơn các đội đang thi đấu ở V-League, giờ lại phải chấp đối phương ngoại binh thì không khó để mường tượng kết quả sẽ như thế nào.

 

Với cách xếp lịch ấy, thật khó để BTC cúp quốc gia khuyến khích các đội đang thi đấu ở hạng dưới vào sâu, rồi gây bất ngờ, trong khi bất ngờ là yếu tố làm nên sức hấp dẫn của hầu hết các giải đấu thể thao.

 

Đành rằng cúp quốc gia chỉ là sân chơi hạng 2 đối với các đội bóng chuyên nghiệp, đành rằng cúp quốc gia chưa bao giờ hấp dẫn bằng các giải vô địch đá theo dạng league, có lên - xuống hạng. Đấy là thực tế không hiếm ở bóng đá thế giới, chứ không riêng gì tại Việt Nam.

 

Những cũng trên bình diện bóng đá thế giới, người ta chứng kiến không ít cảnh các đội hạng dưới gây bất ngờ lớn ở sân chơi cúp quốc gia, như kiểu đội bóng vô danh Millwall từng vào chung kết cúp FA ở Anh năm 2004 (thua M.U 0-3), hay cái tên lạ hoắc Dusseldorf từng đoạt cúp nước Đức, vì BTC các giải đấu của họ xếp lịch thi đấu khoa học hơn nhiều.

 

Với các đội bóng yếu, nhất là các đội hạng dưới, việc vào sâu ở cúp quốc gia sẽ là cơ hội gần như duy nhất để họ được tham dự các cúp châu lục (như Millwall được dự cúp châu Âu năm 2004, nhờ vào chung kết cúp FA, và do M.U đá Champions League, nhường suất dự Europa League lại cho họ).

 

Trong khi đó, với cách sắp xếp lịch thi đấu của BTC cúp quốc gia, rõ ràng là không khuyến khích các đội hạng Nhất, đồng thời cũng gián tiếp triệt tiêu luôn có hội kiếm vé dự cúp châu lục của họ.

 

Đành rằng các đội hạng Nhất yếu hơn khá nhiều so với các đội đang đá ở V-League. Nhưng trong khuôn khổ của 1 trận đấu duy nhất, theo thể thức loại trực tiếp của cúp quốc gia, cơ hội để các đội hạng dưới tạo bất ngờ trước các đội hạng trên là không hề thấp. Nhờ vậy mới có chuyện Dusseldorf từng đoạt cúp quốc gia Đức, còn Millwall vào chung kết giải đấu tương tự tại Anh.

 

Ở vòng 1 cúp quốc gia vừa rồi, đại diện của một số đội hạng Nhất đã than phiền về cách sắp xếp lịch thi đấu theo kiểu này, vừa làm giảm tính hấp dẫn của giải đấu, vừa tạo cảm giác thiếu công bằng cho người chơi.

 

Chỉ tiếc rằng BTC dù luôn muốn nâng sức hấp dẫn của cúp quốc gia, nhưng cách làm việc của họ toàn thể hiện điều ngược lại.

 

Rồi cũng từ chuyện cái lịch thi đấu cúp quốc gia, hệ thống giải đấu đang hiện hành, kiểu ở dạng dưới thì ít đội, trong khi hạng trên lại nhiều đội theo mô hình cái tháp chổng ngược, thêm chuyện người ta dễ dàng dự V-League bằng suất đặc cách, hay kiểu những người điều hành tăng suất thăng hạng vô tội vạ…, chợt ngán ngẩm cách điều hành của những người quản lý các giải đấu, quản lý nền bóng đá. Đấy đều là các ý tưởng theo dạng sáng kiến thì ít, mà… tối kiến thì nhiều.

 

Trọng Vũ