Tiền Giang:

BOT Cai Lậy thu phí trở lại: Nếu kẹt xe sẽ xả trạm, năn nỉ tài xế nhận tiền lẻ

(Dân trí) - Sau khi lấy ý kiến chính quyền địa phương, các bộ ngành liên quan, Bộ GTVT và chủ đầu tư có kế hoạch sẽ tổ chức thu phí trạm BOT Cai Lậy (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) vào tháng 3 tới. Theo đó, xe loại 1 sẽ được giảm giá từ 35.000 đồng xuống còn 15.000 đồng và mở rộng phạm vi miễn, giảm vùng lân cận đến 10km.

Liên quan đến kế hoạch tổ chức thu phí trở lại tại trạm BOT Cai Lậy, chiều 25/2, Bộ GTVT tổ chức họp báo tại Tiền Giang. Chủ trì buổi họp báo có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương và các vị lãnh đạo tỉnh Tiền Giang.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, dự án xây dựng quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường từ Km 1987 + 560 – KM 2014 +000 do nhà đầu tư Liên danh Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái (chiếm 65%), Công ty CP đầu tư thương mại và xây dựng giao thông số 1 (35%) và công ty TNHH đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang.

Cụ thể, dự án gồm 26,5 km tăng cường nền, mặt đường, sửa chữa, gia cường công trình cầu, hệ thống thoát nước trên tuyến quốc lộ 1A và xây dựng mới 12 km tuyến đường tránh thị trấn Cai Lậy đạt quy mô đường cấp III – đồng bằng. 

BOT Cai Lậy thu phí trở lại: Nếu kẹt xe sẽ xả trạm, năn nỉ tài xế nhận tiền lẻ - 1

Rất đông cơ quan báo chí đến dự buổi họp báo

Sau khi dự án hoàn thành, nhà đầu tư tổ chức thu phí vào 1/8/2017 nhưng do tình hình mất an ninh trật tự nên đến ngày 14/8/2017 Nhà đầu tư tạm dừng hoạt động. Ngay sau đó, Bộ GTVT đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, thống nhất giảm giá dịch vụ xuống 30% cho toàn bộ phương tiện và miễn 50 -100% cho 4 xã lân cận.

Ngày 30/11/2017 trạm thu phí Cai Lậy hoạt động trở lại nhưng sau đó tài xế tiếp tục phản ứng và Thủ tướng chỉ đạo cho tạm dừng 1 tháng để nghiên cứu xử lý.

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, tháng 12/2017, Bộ GTVT tiến hành khảo sát lưu lượng giao thông trong 4 ngày liền 24/24h, kết quả xe qua dự án khoảng 26.214 lượt/ngày đêm; trên quốc lộ 1 khoảng 16.779 lượt/ngày đêm, trên tuyến tránh khoảng 9.435 lượt/ngày đêm.

Rà soát lại chi phí đầu tư dự án, có cập nhật kết luận của Thanh tra, Kiểm toán. Kết quả, tổng chi phí đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, trong đó, truyến tránh hơn 680 tỷ đồng, tăng cường mặt đường QL1 hơn 379 tỷ đồng, trạm thu phí hơn 100 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng hơn 219 tỷ đồng.

BOT Cai Lậy thu phí trở lại: Nếu kẹt xe sẽ xả trạm, năn nỉ tài xế nhận tiền lẻ - 2

Từ khi trạm BOT Cai Lậy đưa vào khai thác thu phí dịch vụ đã vấp phải phản ứng quyết liệt của tài xế nên phải dừng lại hơn 1 năm qua

Bộ GTVT đã họp lấy ý kiến Bộ và địa phương để báo cáo Thủ tướng. Theo đó, trong 5 phương án xử lý điểm nóng trạm BOT Cai Lậy, ưu tiên phương án 1, giữ nguyên trạm thu phí Cai Lậy, thực hiện giảm giá cho các phương tiện và mở rộng phạm vi miễn, giảm cho nhân dân trong khu vực lân cận trạm.

Với phương án trên, Bộ GTVT tiếp tục họp lấy ý kiến chính quyền địa phương, các bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, tiến hành phân tích ưu điểm của phương án 1. Theo đó, các đơn vị này đều thống nhất chọn phương án 1. Sau đó, Bộ GTVT họp và có báo báo tới Thường trực Chính phủ. Đến ngày 20/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ GTVT triển khai theo phương án 1 - giữ nguyên trạm thu phí Cai Lậy.

BOT Cai Lậy thu phí trở lại: Nếu kẹt xe sẽ xả trạm, năn nỉ tài xế nhận tiền lẻ - 3

Trong tháng 3, trạm BOT Cai lậy sẽ được tổ chức thu phí trở lại. 

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT và địa phương thống nhất cho BOT Cai Lậy tổ chức thu phí trở lại nhưng chủ dự án tiến hành sửa chữa, bảo trì công trình dự án (gồm 26,5 km tuyến chính và 12 km tuyến tránh) và hoàn thành danh sách đối tượng được miễn giảm ở 8 xã (dự kiến là 10 xã thị trấn).

Về giá dịch vụ qua trạm BOT Cai Lậy, giảm tối đa cho tất cả các phương tiện qua trạm thu phí BOT Cai Lậy (xe nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống còn 15.000 đồng/lượt) và phạm vi miễn, giảm mở rộng ra bán kính 10km. Trong tháng 3 chủ đầu tư dự án sẽ tổ chức thu phí trở lại và kéo dài khoảng 15 năm.

BOT Cai Lậy thu phí trở lại: Nếu kẹt xe sẽ xả trạm, năn nỉ tài xế nhận tiền lẻ - 4

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật mong rằng thời gian tới sẽ có nhiều cuộc họp báo như thế này để có nhiều thông tin hơn về các dự án BOT. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ điều chỉnh phù hợp với lợi ích người dân, xã hội.

Tại cuộc họp báo có nhiều câu hỏi và được đại diện Bộ GTVT, chủ đầu tư dự án trả lời thấu đáo. Tuy nhiên, liên quan đến câu hỏi về lưu lượng xe mà Ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang khảo sát vào năm 2016, lượng xe lưu thông trên quốc lộ 1A đi qua tỉnh Tiền Giang là hơn 129.000 lượt/ngày đêm, tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 20%. Nhưng theo khảo sát của Tổng cục Đường bộ vào tháng 12/2017 thì lượng xe qua đây chỉ hơn 26.000 lượt, có sự chênh lệch quá lớn?

Tổng cục Đường bộ xin trả lời câu hỏi này bằng văn bản sau khi làm việc lại với Ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang.

Về vấn đề an ninh trật tự tại trạm BOT khi thu phí trở lại, Bộ GTVT, địa phương, chủ đầu tư dự án giải quyết như thế nào? Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, về vấn đề an ninh trật tự, chính quyền địa phương sẽ có kế hoạch kiểm soát trên địa bàn của mình. Còn tại trạm BOT thì do chủ đầu tư dự án.

Ông Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Hành chính Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1, cho biết: "Đến nay, trạm BOT Cai Lậy đã tạm dừng hoạt động hơn 1 năm và công ty đã lỗ hơn 130 tỷ đồng. Vì vậy, chúng tôi chỉ biết trông cậy vào báo chí, tuyên truyền cho người dân hiểu, thông cảm với công ty chúng tôi. Riêng tình trạng kẹt xe tại trạm, chúng tôi chỉ biết xả trạm, đếm tiền lẻ, năn nỉ trả tiền cho các anh tài xế. Ngoài ra không có một phương án nào để đảm bảo an ninh trật tự, mọi việc trông cậy vào nhà nước, chính quyền địa phương".

Nguyễn Hành - Nguyễn Vinh