Bơm nước giếng vào hồ Hoàn Kiếm?

(Dân trí) - Công ty Thoát nước Hà Nội đề xuất dùng nước giếng khoan bổ cập cho hồ Hoàn Kiếm sau khi cải tạo. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, việc này cần phải cẩn trọng vì có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đặc biệt là màu nước xanh đặc trưng ở hồ.

Ngày 15/2/2017, Công ty Thoát nước Hà Nội tổ chức Hội thảo cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm. Tại đây, các nhà khoa học đề nghị Công ty Thoát nước Hà Nội cần phải đánh giá tác động môi trường trước khi cải tạo hồ.

Theo khảo sát của Công ty thoát nước, hiện nước hồ Hoàn Kiếm đang bị ô nhiễm, mật độ động vật trong hồ thấp và có xu hướng giảm dần. Trong khi đó lớp bùn đáy hồ cũng rất dày, có chỗ lên đến hơn 1m, dẫn đến mực nước thấp, chỉ còn 0,7-08m.

Các nhà khoa học cho rằng, quá trình cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm phải thật cẩn trọng
Các nhà khoa học cho rằng, quá trình cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm phải thật cẩn trọng

Do vậy, thời gian tới Hà Nội dự kiến xử lý nước ô nhiễm ở hồ Hoàn Kiếm bằng chế phẩm Redoxy-3C, bổ cập thường xuyên nước vào trong hồ. Bên cạnh đó, Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ nạo vét 57.400 m3, diện tích nạo vét bùn rộng hơn 97.455 m2. Việc thi công nạo vét sẽ được thực hiện 8 giờ/ngày, bắt đầu từ 21h30 và kết thúc 5h30 sáng. Tổng thời gian thi công nạo vét và vận chuyển là 69 ngày.

Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đưa ra dự kiến xây dựng 1 giếng khoan cấp nước tại chỗ cho hồ với công suất 150m3/h, chiều sâu của giếng là 70m. Theo công ty này, hàng năm vào mùa khô, nước bốc hơi ở khu vực hồ trung bình hàng tháng là 78mm (tương đương 9.000 m3/tháng). Như vậy, nếu tính trong vòng 6 tháng mùa khô, nếu không có nước bổ cập thì mực nước hồ sẽ giảm xuống 0,45m.

Ông Võ Tiến Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, bản thân công ty này đang rất băn khoăn giữa việc nạo vét lớp bùn dày khoảng 1m và việc bảo tồn sinh học ở hồ Hoàn Kiếm. “Nếu nạo vét thì chắc chắn hệ sinh thái ở hồ sẽ thay đổi. Chất lượng nước sẽ trong hơn, không còn mùi nữa nhưng màu xanh đặc trưng của nước hồ còn hay không, đặc biệt có khi phát sinh thêm loài tảo khác. Đây là bài toán khó, rất mong nhận được sự đóng góp của các nhà khoa học và nhân dân”, ông Hùng nói.

Phát biểu tại tại đây, PGS. TS Trịnh Thị Thanh – nguyên Chủ nhiệm khoa Công nghệ sinh học (trường Đại học Khoa học Tự nhiên) cho rằng, nạo vét bùn và xử lý ô nhiễm nước hồ Hoàn Kiếm là việc quan trọng, cần phải nghiên cứu kỹ, đánh giá những tác động của nó đến hệ sinh thái. PGS Thanh đồng ý với việc nạo vét bùn, tuy nhiên quá trình nạo vét cần phải để lại lớp bùn đáy dày từ 15-20 cm.

Theo PGS Thanh, quá trình cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm quan trọng nhất là việc bổ cập nước. Trước đề xuất của Công ty Thoát nước về việc lấy nước giếng khoan bổ cập vào hồ Hoàn Kiếm, PGS Thanh cho rằng, việc này sẽ tác động lớn đến sự phát triển và khôi phục sinh thái trong hồ. Do vậy, cần phải nghiên cứu kỹ, đưa ra số liệu cụ thể những tác động môi trường hồ Hoàn Kiếm. Theo quan điểm của bà Thanh là cần phải hạn chế tối đa việc đưa nước ngầm vào hồ.

“Việc bổ cấp nước vào hồ Hoàn Kiếm mới chỉ đưa ra được một phương án, theo tôi cần phải thực nghiệm kỹ xem việc này có ảnh hưởng đến sự phát triển của tảo trong hồ hay không. Ngoài ra, sau cải tạo cũng cần phải duy trì sự cân bằng hệ sinh thái, trong đó có những loại gì, tỷ lệ là bao nhiêu cho phù hợp”, PGS Trịnh Thị Thanh nói.

Hà Nội đang lấy ý kiến các nhà khoa học để cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm trong thời gian tới
Hà Nội đang lấy ý kiến các nhà khoa học để cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm trong thời gian tới

PGS Trần Đức Hạ (Khoa môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, việc nạo vét bùn ở hồ Hoàn Kiếm không có gì mới, trước đó vào năm 1992, Hà Nội đã nạo vét nhưng rồi hiện tượng tảo nở hoa và các chỉ số trong nước thay đổi theo chiều hướng không thuận lợi cho các loài thủy sinh phát triển.

Do vậy, PGS Hạ đề nghị Hà Nội nghiên cứu kỹ việc cải tạo môi trường nước ở hồ Hoàn Kiếm. “Hồ Hoàn Kiếm có vị trí quan trọng, nên khi cải tạo phải giữ được đặc trưng thành phần thủy sinh, giữ màu xanh như hiện nay. Theo tôi nên lấy nguồn nước gần bờ hồ là hay nhất vì nó đảm bảo được sự tương đồng – gần giống chất lượng nước hồ Hoàn Kiếm”, PGS Hà nói thêm.

Đồng ý việc cải tạo hồ Hoàn Kiếm là cấp bách, GS Hà Đình Đức nói: “Nếu không làm ngay thì trước sau gì hồ cũng thành đầm lầy. Năm 1970 về trước, hồ còn là nơi đua thuyền rồng, lướt ván vì có độ sâu, nhưng giờ đã ngập bùn như thế, rồi chục năm sau diễn biến như thế nào. Cho nên, cần phải có phương án để cải tạo sớm”.

Tuy nhiên theo ông Đức, phương án “giải cứu” phải thận trọng, không phải làm theo khoán, sử dụng máy móc “hùng hục” nạo vét mà phải làm thủ công để không ảnh hưởng đến môi trường nước. Trước hết, phải tiến hành điều tra tổng hợp, đánh giá lại hiện trạng hồ, chứ không nên lấy lại các báo cáo trước đó. Nên chia ra 2, 3 giai đoạn để thực hiện và sau mỗi giai đoạn phải đánh giá, kiểm tra lại.

Trước ý kiến của các nhà khoa học, Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cho biết, bản thân lãnh đạo thành phố cũng rất trăn trở việc cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm. Do vậy, thời gian tới đơn vị này một mặt sẽ tiếp tục xin ý kiến của các nhà khoa học, mặt khác sẽ tiến hành đánh giá tổng thể hệ sinh thái trong hồ, từ đó đưa ra cách làm phù hợp nhất.

Quang Phong