Bới rác đổi gạo nuôi con

(Dân trí) - Đôi tay thoăn thoắt nhặt những chai lọ, mảnh nhôm, nhựa… cho vào bao tải, người phụ nữ nhặt rác giấu mặt dưới vành nón ngậm ngùi: “Cả đời tui chỉ mong mấy đứa con nhỏ được đến trường, sau này không phải sống cuộc sống như mẹ nó…”.

Mỗi người một số phận

 

Huế, 21h đêm, đường phố vắng vẻ, không mấy bóng người qua lại. Đó cũng là lúc những người phụ nữ lam lũ cùng chiếc xe đạp cũ, một que cời và bao tải, dò dẫm tìm đến những đống rác, hy vọng kiếm được vài thứ có giá trị.

 

Quê ở mãi Quảng Bình nhưng chị Bân đã vào Huế làm nghề bới rác cả chục năm nay. Cái khổ, cái nghèo hằn trên dáng người gầy gòm, ốm yếu, tất tả của chị. Đôi mắt hõm sâu, gò má cao, vừa thoăn thoắt bới rác, chị vừa kể: “Gia đình ngoài quê, chồng thì đau ốm liên miên, lại thêm cháu nhỏ đang tuổi tới trường, quanh năm trông vào mấy sào ruộng cũng chả ăn thua gì, tôi mới bàn với chồng vào đây làm thuê cho người ta kiếm tiền. Đến Huế không nghề ngỗng trong tay lại không người thân thích, không vốn liếng tôi mới gia nhập “đội quân” phế liệu, bới rác. Bữa có bữa không nhưng thà vậy còn sướng hơn ở quê tui”. 

 

Ngày mưa cũng như ngày nắng, chị Bân cần mẫn rong ruổi khắp thành phố với lời rao: “Ai nhôm đồng sắt thép, giấy loại bán không!?”; tối đến lại “rình rập” tới các điểm tập kết rác của công ty môi trường để nhặt thêm chút đỉnh.

 

11h đêm, chợ An Cựu bên này nhộn nhịp quán xá, tấp nập người ra vào; bên kia là đống rác hôi hám, im lìm, với những người phụ nữ cần mẫn và lặng lẽ cúi mặt vào rác thải. Họ đa phần đến từ những vùng quê xa như Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Quảng Bình…

 

Năm nay mới ngoài 40 tuổi nhưng chị Đinh Thị Tĩnh (Thanh Hóa) đã hành nghề bới rác ở Huế từ gần 20 năm nay. Không chồng con, chị sống đơn độc trong một căn nhà xập xệ. Chị tâm sự: “Đầu tắt mặt tối, bới rác thế này kiếm cả tháng cũng không bằng mấy ổng ngồi trong quán nhậu đó làm một bữa… Nhiều khi cũng tủi cho cái thân, cái nghề mình đang làm, nhưng muốn đổi nghề cũng đâu có được”.

 

Lẫn trong số những người phụ nữ ở đây, tôi bắt gặp một gương mặt buồn thăm thẳm, dáng người nhỏ thó. Chị là Đặng Thu Thủy, người gốc Huế, cảnh nghèo nên mới làm nghề này. Chị than: “Khổ lắm, nhưng bù lại các “đồng nghiệp” ai cũng tốt nên cũng đỡ vất vả phần nào”.

 

“Gái già đi bán hoa đêm!?”

 

Thân đàn bà, con gái đi đêm không tránh khỏi những nguy hiểm rình rập và những lời dèm pha. Chị Bân kể, có lần gần 2 giờ sáng một mình từ bãi rác về, bị mấy người đàn ông say xỉn sàm sỡ, may mà chị vứt xe chạy thoát thân. Sau lần đó, chị Bân không bao giờ dám về khuya một mình.

 

Chị tâm sự, làm cái nghề đã khổ, mà lắm người không thông cảm còn nghĩ là: “gái già đi bán hoa đêm”, nghe cũng tủi thân lắm.

 

Tệ hơn, có ngày vất vả được vài chục bạc cũng bị bọn bất lương cướp mất, đành về tay trắng. “Khổ nhất vẫn là thương mấy cháu nhỏ với chồng ở quê, cứ tới tháng lại mong ngóng mẹ gửi tiền về để có tiền ăn học, trả nợ. Mình ở trong này vất vả mấy tui cũng chịu đựng được. Có tháng bị cướp rồi mất cắp tới vài lần, hết tiền hết vốn thế mà cũng phải chạy vạy khắp để gửi về cho chồng con vài đồng kẻo ở nhà lo lắng. Sợ nhất là ốm, chỉ một trận ốm với vài liều thuốc là hết cả tháng nhọc nhằn…” - lời tâm sự chân thành của chị Bân khiến người nghe không khỏi xót xa.

 

Huế về đêm yên ắng, tĩnh mịch và yên bình. Với những người phụ nữ nhặt rác, hạnh phúc không ở đâu xa, mà ngay trên chính những bãi rác họ vẫn mò mẫm đêm đêm.

 

Phan Bá Mạnh