1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bố làm công nhân, con nhịn sữa

(Dân trí) - Ôm đứa con vừa tròn 11 tháng tuổi trong tay, cô công nhân trẻ Lê Thị Dung lo lắng: “Cả nhà 3 miệng ăn chỉ mình chồng em làm. Một đồng cho 3 con người. Tằn tiện lắm cũng chỉ cầm hơi qua ngày. Tội nhất là con bé, thèm sữa cứ khóc ngằn ngặt…”.

Muôn sự tại... tiền

Dù đã nhờ người quen hẹn trước với anh công nhân Nguyễn Việt Dũng, nhưng khi chúng tôi đến thì anh xin thông cảm không tiếp được vì... vừa cãi nhau với vợ (chị Dung).

Thì ra, mẹ chị Dung gọi vào thăm cháu ngoại, chị kể khổ kể sở với mẹ, anh chồng vì không lo được cho vợ con nên... “nóng mặt”. Hai vợ chồng cãi nhau một trận nảy lửa.

Cô vợ thì nào là “con bệnh không tiền thuốc, cái ăn của hai người lớn còn khó tìm, nữa là tiền sữa cho con...”. Anh chồng thì “có than mẹ cũng có tiền giúp đâu, làm khổ nhau làm gì...”.

Chỉ thế là cãi vã. Hai người lời qua tiếng lại ầm ĩ cả khu trọ. Con bé vừa biết nói bi bô thì ngơ ngác nhìn, hết nhìn nét mặt cha rồi quay sang bíu lấy áo mẹ, miệng bập bẹ: “ba ba..”. Thấy chúng tôi đến, anh chồng bỏ sang nhà hàng xóm, còn cô vợ lặng lẽ dỗ dành đứa con đang sốt vì mọc răng.
 
Bố làm công nhân, con nhịn sữa - 1

Niềm vui duy nhất của vợ chồng Dung là đứa trẻ này
 
 
Thằng bé con chủ nhà bán quán ngoài sân cho biết: “Nếu các chú không đến có khi hai vợ chồng lại đánh nhau. Mấy hôm Dũng không có việc làm. Hai vợ chồng hay cãi lộn lắm!”. Chị cán bộ phường Phú Lợi (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) dẫn chúng tôi đến thăm gia đình này chép miệng than: “Muôn sự chỉ tại... tiền!”.

3 miệng ăn dựa vào chồng... không việc

Chị Dung, 22 tuổi, quê tại Đông Sơn (Thanh Hoá) vào Bình Dương làm công nhân thì quen anh Dũng (24 tuổi, quê Ninh Bình). Quen nhau được một thời gian, đến năm 2007 thì làm đám cưới, liền sau đó là sinh con. Vì sắp xếp về quê mẹ sinh cho đỡ tốn kém, chị phải nghỉ việc. Khi con vừa được 3 tháng (tháng 6/2008) lại ôm con vào Nam sống nhờ chồng, vì khoản tiết kiệm đã hết.

Anh Dũng làm công nhân tại công ty tư nhân Hương Quỳnh, chuyên sơ chế gỗ. Bình thường anh cũng kiếm được 1,8 - 2 triệu đồng/tháng, tiền nhà 320 ngàn, điện nước gần 100 ngàn đồng, hai vợ chồng ăn tiêu dè sẻn cũng hết tầm 1 triệu, phần còn lại là sữa cho con, tháng nào con bé ốm thì đi vay mượn bạn bè...

Mấy tháng nay, anh chồng lâm vào cảnh “giãn việc”. Công việc lúc có lúc không vì công ty hết hợp đồng. Mỗi ngày anh lên công ty từ 7h sáng, đợi xem có việc gì để làm không. Có hôm thì làm được 1, 2 tiếng, có hôm làm được 1 buổi, cộng dồn vào để tính ngày công, cuối tháng tính ra chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng. 

Nhưng 3 con người với vật giá hiện nay 1 triệu đồng làm sao đủ? Chị Dung nhoẻn cười chua chát: “Thì liệu cơm gắp mắm mà anh. Chỉ tội con bé còn nhỏ, uống sữa quen rồi, giờ không có sữa cứ khóc mãi, nó lại đang mọc răng nên sốt liên miên...”.

Mấy ngày đầu tháng 1/2009 này, công ty anh Dũng hết việc. Sáng sáng anh cứ lững thững lên công ty rồi lại về, nghỉ ăn lương. Anh được hưởng 70% lương cơ bản, nhưng công ty anh chủ yếu ăn sản phẩm, lương cơ bản chỉ có... 400 ngàn đồng/tháng.
 
Bố làm công nhân, con nhịn sữa - 2

Ngoài chiếc giường của chủ nhà, đây là những vật dụng cá nhân hiếm hoi của đôi vợ chồng trẻ nên dù căn phòng trọ chật hẹp nhưng vẫn thấy trống trải
 
 
Khi được hỏi về cái Tết sắp tới, Dung lắc đầu: “Tiền ăn tháng này còn mượn bạn bè, huống hồ...”. Tôi buột miệng: “Sống mãi vậy à?!”. Dung cúi đầu: “Em tính cứ vay mượn tạm, khi nào con cứng cáp thì gửi nhà trẻ đi làm trả nợ. Định về quê mấy lần rồi, nhưng nhà làm ruộng, năm rồi lũ cũng có thu được hạt thóc nào đâu mà về...”.

Chị Hương chủ nhà trọ, đồng thời cũng là cán bộ phụ nữ của khu phố chặt lưỡi: “Mấy tháng nay không hiểu sao nhiều đứa thất nghiệp quá. Trường hợp như tụi nó không phải là hiếm!”. Rồi chị quay sang nựng con bé một cái: “Nào, lớn nhanh cho mẹ đi làm mua sữa”. “Chỉ sợ không có việc để làm!”- hai người phụ nữ đồng thời than khẽ...

Rời căn phòng trọ trống hoác của Dung, chúng tôi vẫn ám ảnh bởi cả gia đình 3 người mà chỉ có vài vật dụng sinh hoạt lặt vặt, cũ kỹ, vài tấm áo quần... Con bé nhỏ không có lấy một món đồ chơi, thấy chiếc máy ghi âm của chúng tôi cứ xun xoe vào nhặt lấy. Đi ngang qua căn phòng bên thấy còn đóng cửa chợt mừng thầm: “May mà gia đình này còn có việc làm!”...

Tùng Nguyên - Đoàn Quý