“Bộ Công an có trách nhiệm với những sai sót trong hoạt động điều tra”

(Dân trí) - “Với trách nhiệm quản lý và tổ chức hoạt động điều tra của các cơ quan điều tra trong công an nhân dân, Bộ Công an có trách nhiệm với toàn bộ hoạt động điều tra, kể cả những sai sót”, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nói.

Ngày 21/11, không được chọn đăng đàn trả lời chất vấn nhưng Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an - nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu về vấn đề liên quan đến án oan sai và tình trạng ép cung, mớm cung, nhục hình bị can, bị cáo trong quá trình điều tra, xử lý các vụ án hình sự.
 
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang (Ảnh: Việt Hưng)

Trả lời vấn đề trên, Đại tướng Trần Đại Quang cho biết, trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và công tác điều tra xử lý các vụ án hình sự nói riêng, một nguyên tắc chỉ đạo quan trọng hàng đầu và xuyên suốt là không để lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai, nghiêm cấm việc ép cung, mớm cung, nhục hình. “Nếu vi phạm phải xử lý nghiêm minh, trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải xử lý theo pháp luật hình sự. Quan điểm, chủ trương nhất quán nêu trên được toàn ngành công an nhất quán thực hiện”, Đại tướng Quang khẳng định.

Ngành công an thường xuyên chỉ đạo khắc phục và xử lý kịp thời những biểu hiện sai phạm, vi phạm. Vì vậy, theo Đại tướng Trần Đại Quang những sai phạm trong quá trình điều tra đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, những trường hợp cá biệt vẫn xảy ra ở một số địa phương, thậm chí còn có án oan sai gây bức xúc cho dư luận.

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, quy định của pháp luật, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra và điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án là những người chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra oan sai. Với trách nhiệm quản lý và tổ chức hoạt động điều tra của các cơ quan điều tra trong công an nhân dân, Bộ Công an cũng có trách nhiệm với toàn bộ hoạt động của cơ quan điều tra, kể cả những sai sót trong hoạt động điều tra.

Để tiếp tục khắc phục tình trạng nêu trên, Đại tướng Trần Đại Quang cho biết, đang chỉ đạo cơ quan điều tra thực hiện một số chủ trương giải pháp như thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về điều tra, xử lý tội phạm nhất là các quy định trong bộ Luật Tố tụng hình sự về bảo đảm quyền bào chữa người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, cũng như tạo điều kiện để người bào chữa tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
 

Ngành công an cũng yêu cầu cơ quan điều tra và điều tra viên, ngoài việc thu thập chứng cứ buộc tội phải chú trọng thu thập chứng cứ vô tội. Để có thể giải quyết vụ án khách quan đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành nhiều Chỉ thị về việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhằm chấn trỉnh các sai phạm trong công tác giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm của lực lượng công an nhân dân… Ngành công an cũng quy định rõ điều tra viên có trách nhiệm bảo đảm cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can được quyền bào chữa và thực hiện thuận lợi để luật sư tham gia bào chữa theo quy định của pháp luật.

“Chúng tôi đã kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với điều tra viên, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra có vi phạm trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự. Điển hình đó là vụ một số cán bộ điều tra công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) đánh người bị tạm giữ dẫn đến tử vong hồi tháng 6/2012, vụ việc này Bộ Công an đã chỉ đạo Công an Thành phố Hà Nội tước danh hiệu Công an Nhân dân đối với 7 cán bộ, chiến sĩ và khởi tố hình sự, điều tra truy tố trước pháp luật. Điều đó chứng minh rằng chúng tôi xử lý rất nghiêm trước pháp luật”, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết.

Ngoài ra, ngành công an cũng thường xuyên phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, lãnh đạo ngành Kiểm sát chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân các cấp tăng cường công tác kiểm soát hoạt động điều tra, phát hiện kịp thời vi phạm của điều tra viên, cơ quan điều tra để xử lý và khắc phục những yếu kém. “Đó là những giải pháp khắc phục góp phần giải quyết tình trạng oan sai, ép cung, mớm cung, nhục hình trong hoạt động điều tra”, Đại tướng Trần Đại Quang nói.

Đại tướng Trần Đại Quang cũng trả lời trực tiếp những câu hỏi cụ thể các đại biểu đề nghị. Về vụ án liên quan đến giết người xảy ra ở thôn Me (Bắc Giang), Đại tướng Quang cho biết, sau khi hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ra quyết định tái thẩm, Bộ Công an đã giao cho cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an phối hợp với cơ quan tố tụng xử lý vụ việc theo đúng thẩm quyền và trình tự thủ tục tố tục hình sự theo đúng quy định pháp luật.

Về kiến nghị lắp đặt hệ thống camera ở các phòng hỏi cung đây cũng là giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn và tăng cường hoạt động giám sát hỏi cung của các điều tra viên, Đại tướng Trần Đại Quang cho biết, Bộ Công an cũng đang lựa chọn giải pháp này và đang từng bước lắp đặt. Trên thực tế đã lắp đặt ở địa bàn trọng điểm. Để triển khai toàn bộ, sắp tới Bộ Công an báo cáo Chính phủ, Quốc hội tăng thêm kinh phí đầu tư trang thiết bị.

Với đề xuất giao cho cơ quan khác quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ, theo Đại tướng Trần Đại Quang hiện nay cơ quan điều tra không quản lý nhà tạm giam, nhà tạm giữ. Hệ thống này Bộ Công an giao cho Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thống nhất quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ giam giữ.

Với những giải pháp trên, Đại tướng Trần Đại Quang hy vọng sẽ góp phần quan trọng khắc phục những sai sót, vi phạm trong hoạt động điều tra góp phần không để xảy ra oan sai.

Quang Phong

Dòng sự kiện: Án oan và bao nỗi đau