Thái Bình:

Bỏ 150ha rừng ngập mặn để phát triển khu công nghiệp - dịch vụ

(Dân trí) - Để kết hợp tạo mặt bằng để phát triển công nghiệp – dịch vụ trong dự án Nâng bãi ổn định đê biển số 8 từ K26+700 đến K31+700 huyện Thái Thụy. UBND tỉnh Thái Bình đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường lấn 320ha biển, trong đó sẽ phá bỏ 150ha rừng ngập mặn ở huyện Thái Thụy.

>> Ngắm khu rừng ngập mặn có thể bị phá bỏ để làm dự án

Mới đây, UBND tỉnh Thái Bình đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) về dự án: Nâng bãi ổn định đê biển số 8 từ K26+700 đến K31+700 huyện Thái Thụy, để kết hợp tạo mặt bằng để phát triển công nghiệp – dịch vụ. Dự án này sẽ lấn 320ha biển lấy mặt bằng làm công nghiệp, trong đó sẽ phá bỏ 150ha rừng ngập mặn thuộc 2 xã Thụy Hải và Thụy Xuân, huyện Thái Thụy. Việc phá bỏ 150ha rừng này tỉnh Thái Bình cũng đã phê duyệt kế hoạch sẽ trồng thay thế ở phía ngoài đê mới.

150ha rừng ngập mặn thuộc 2 xã Thuỵ Xuân và Thuỵ Hải có thể nhường chỗ cho dự án công nghiệp - dịch vụ
150ha rừng ngập mặn thuộc 2 xã Thuỵ Xuân và Thuỵ Hải có thể nhường chỗ cho dự án công nghiệp - dịch vụ

Dự án này tỉnh Thái Bình giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình phát triển NN&PTNT tỉnh Thái Bình làm chủ đầu tư.

Dư luận cũng đặt ra câu hỏi về việc trong báo cáo ĐTM trình lên Bộ Tài nguyên và Môi trường của UBND tỉnh Thái Bình có nhiều số liệu khá “chênh lệch” so với thực tế tại 2 xã Thụy Xuân và Thụy Hải. Trong đó phải kể đến số hộ dân bị ảnh hưởng thực tế là 354 hộ nhưng theo báo cáo ĐTM thì chỉ có 80 hộ. Báo cáo ĐTM được Trung tâm quan trắc, phân tích Tài nguyên và Môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình lập

Theo người dân 2 xã Thụy Xuân và Thụy Hải, huyện Thái Thụy, khu vực 150ha rừng sẽ bị phá bỏ để tạo mặt bằng để phát triển công nghiệp – dịch vụ chủ yếu là sú vẹt, tuổi đời của khu rừng ngập mặn này khoảng trên dưới 30 năm tuổi.

Khu rừng ngập mặn chủ yếu là sú vẹt có tuổi đời trên dưới 30 năm
Khu rừng ngập mặn chủ yếu là sú vẹt có tuổi đời trên dưới 30 năm

Người dân 2 xã này cũng cho biết chỉ nghe “mang máng” thông tin sẽ có dự án về và sẽ phá bỏ 150ha rừng ngập mặn 30 năm tuổi và sẽ trồng thay thế ở tuyến đê mới, nhưng không nắm chắc được thông tin chính xác.

Anh Quang một người dân ở thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải cho biết: “Tôi cũng chỉ nghe người ta bàn tán là sẽ phá tổng 150ha rừng của Thụy Hải và Thụy Xuân để làm khu công nghiệp – dịch vụ gì đấy? Nhưng nếu đúng thật thì hơi tiếc, cánh rừng này có từ năm 1986 đến nay, là nơi chắn sóng, chắn bão. Nhưng nếu tỉnh có chủ trương phát triển thì chắc cũng đã bàn luận kỹ và có hướng phát triển kinh tế tích cực mới làm”.

Trao đổi về vấn đề trên ông Bùi Ngọc Hiện, Chủ tịch UBND xã Thụy Xuân cho biết: “Riêng xã Thụy Xuân có tất cả 57 hộ nuôi trồng thủy hải sản, nếu bị thu hồi để làm dự án thì chắc chắn 57 hộ dân này sẽ bị ảnh hưởng. Người dân trong xã sau khi nghe về phát triển dự án này thì sẽ phá bỏ 150ha rừng và trồng thay thế ở tuyến đê mới thì không đồng tình lắm. Toàn bộ số rừng bị phá ở khu vực xã Thụy Xuân không hề có rừng nguyên sinh”.

Còn theo ông Nguyễn Dương Luân, Chủ tịch UBND xã Thụy Hải: “Xã Thụy Hải là một xã duy nhất ở huyện Thái Thụy không làm nông nghiệp, tất cả người dân ở đây đều dựa vào biển như nuôi trồng, chế biến thủy hải sản… Nếu dự án này được phê duyệt thì sẽ có 297 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng”.

Ông Nguyễn Dương Luân, chủ tịch UBND xã Thụy Hải cho biết nếu dự án thông qua thì xã sẽ có 297 hộ dân bị ảnh hưởng
Ông Nguyễn Dương Luân, chủ tịch UBND xã Thụy Hải cho biết nếu dự án thông qua thì xã sẽ có 297 hộ dân bị ảnh hưởng

Khi được hỏi về việc nếu dự án Nâng bãi ổn định đê biển số 8 từ K26+700 đến K31+700 huyện Thái Thụy, để kết hợp tạo mặt bằng để phát triển công nghiệp – dịch vụ được phê duyệt, việc người dân xã Thụy Hải chỉ dựa vào biển để sinh sống thì việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sinh kế của người dân? Ông Luân cho biết: “Tôi đã tham dự rất nhiều cuộc họp, các cơ quan chức năng cũng rất quan tâm đến vấn đề an sinh cho người dân khi dự án vào. Theo tôi được biết thì phía UBND tỉnh đã giao cho UBND huyện việc lập đề án dân sinh, sau đấy sẽ trình lên HĐND tỉnh”.

Đức Văn