"Bí thư tỉnh ủy" và những câu chuyện bên lề

(Dân trí) - “Càng tìm hiểu về cuộc đời bác Kim Ngọc, tôi tự thấy đề tài và nhân vật vượt tầm khả năng của mình. Nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện được bộ phim về ông”, nhà văn, nhà biên kịch Thùy Linh chia sẻ về bộ phim Bí thư tỉnh ủy.

"Bí thư tỉnh ủy" và những câu chuyện bên lề - 1
Đoàn làm phim "Bí thư tỉnh ủy"

Ý tưởng làm bộ phim khởi đầu từ nhà văn, nhà biên kịch Thùy Linh - Phó Giám đốc Trung tâm SX phim truyền hình Đài THVN (VFC). Vốn được nghe nhiều về sự kiện và con người Kim Ngọc, chị đã ấp ủ ý định làm một bộ phim dài tập về cuộc đời nhân vật lịch sử này từ lâu. Tuy nhiên, theo nhà văn, nhà biên kịch Thùy Linh “Càng tìm hiểu về cuộc đời bác Kim Ngọc, tôi tự thấy đề tài và nhân vật vượt tầm khả năng của mình. Nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện được bộ phim về ông. Bí thư tỉnh ủy không chỉ là một chức danh mà là một trách nhiệm, một nghĩa vụ và danh dự của một con người đi trước thời đại”. Và để bộ phim đạt chất lượng cao, nhà văn Thùy Linh cũng xác định tinh thần sẽ tìm người viết thay mình.


Nhà văn quân đội Vân Thảo, được nhà biên kịch Thùy Linh “gửi gắm” đề tài mà chị vô cùng tâm huyết. Với sự hỗ trợ tận tình và hết sức chu đáo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhà văn Vân Thảo đã có điều kiện tìm hiểu tư liệu, tiếp xúc người dân địa phương, các nhân chứng, người thân của cố Bí thư Kim Ngọc… “Sau hơn 3 tháng “cắm chốt” tại địa bàn, được “xới tung” kho tư liệu đọc đã “ngủ yên” gần 50 năm về người Bí thư Tỉnh ủy cũ và những gì liên quan đến thời kỳ khoán hộ, gặp gỡ gia đình và những “nhân chứng sống” cùng thời, đặc biệt là được nghe người nông dân kể chuyện, tư liệu về cuộc đời ông cứ dày lên và thấm đẫm từng trang viết mà thời lượng có nối dài hơn 50 tập chưa chắc đủ sức lột tả hết; qua đó giúp tôi hiểu những tâm tư, day dứt của con người đi trước thời đại - Con người vừa sáng suốt, vừa dũng cảm, vừa “liều” khi đưa ra quyết định khoán hộ đồng ruộng. Con người bình thường, xuất thân là bần cố nông và chỉ học hết lớp 6 nhưng làm được những điều mà người khác không làm được... Người dân kể nhiều chuyện về ông. Chuyện ông thường xuyên xuống địa phương để nắm bắt thực tế, từ chối xã huyện đón tiếp để ăn cơm thân mật với bà con. Chuyện ông không nhận quà biếu mà đem phân phát hết cho các cụ già neo đơn hay bố mẹ liệt sỹ… Với người dân Vĩnh Phú, ông thân thiện, gần gũi như người bạn. Họ yêu quý gọi ông là “con người huyền thoại”, nhà văn Vân Thảo cho biết.


Và sau 8 tháng dồn hết tâm huyết của mình, nhà văn Vân Thảo đã hoàn câu chuyện và bản viết đầu tiên của kịch bản “Bí thư tỉnh ủy”.


Kịch bản văn học sau khi đã được nhóm Biên tập gồm nhà văn Thùy Linh, nhà văn Phạm Ngọc Tiến, biên kịch Trần Hoài Văn chỉnh sửa đã được chuyển đến đạo diễn Trần Quốc Trọng, Trần Trọng Khôi vào những tháng đầu năm 2008. Ngay sau đó là những chuyến đi khảo sát thực tế, gặp gỡ gia đình cố Bí thư Kim Ngọc để ê kíp sáng tác “ngấm” được câu chuyện, nhân vật.

 
"Bí thư tỉnh ủy" và những câu chuyện bên lề - 2
Đoàn làm phim chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên gia đình cố bí thư Kim Ngọc

Phải mất thêm gần một năm phân cảnh, cuối năm 2008, tổ đạo diễn chính thức triển khai chọn cảnh và diễn viên. Để có bối cảnh ưng ý, đoàn đã đi nhiều nơi, xa nhất là Quảng Bình (với ý định chọn khu kỷ niệm về thời chiến tranh của một hoạ sĩ ở Quảng bình để làm bối cảnh.) Nhưng sau khi phân tích, bàn bạc, đoàn đã quyết định chọn Vĩnh Phúc - chính mảnh đất mà ông Kim Ngọc đã sinh sống, gắn bó hết cuộc đời làm bối cảnh chính với mong muốn bộ phim sẽ chân thực hơn.
Trong suốt quá trình quay tại tỉnh Vĩnh Phúc đoàn phim đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Vĩnh Phúc, gia đình ông Kim Ngọc và bà con địa phương.
 
Theo VTV