Đà Nẵng:

Bí thư Thành ủy trò chuyện với hơn 100 “trụ cột” về bạo lực gia đình

(Dân trí) - Trong buổi trò chuyện với hơn 100 ông chồng từng có hành vi bạo lực gia đình, vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: ở những nước có nền văn minh tiến bộ, bạo lực gia đình bị xem là hành vi man rợ, phạm pháp, có thể lãnh án tù.

Sáng ngày 5/8, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - ông Nguyễn Bá Thanh - đã có buổi trò chuyện với hơn 100 nam giới đã từng có hành vi bạo lực trong gia đình về “Vai trò của nam giới trong việc phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc”.
 
Bí thư Thành ủy trò chuyện với hơn 100 “trụ cột” về bạo lực gia đình - 1

Hiếm có vị lãnh đạo nào lại quan tâm, day dứt về vấn đề bạo lực trong gia đình như ông Nguyễn Bá Thanh.

 

Bí thư Thành ủy đọc thơ “thức tỉnh” tình nghĩa vợ chồng

 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh khẳng định bạo lực hoàn toàn không phải cách để giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong gia đình, mà chỉ thể hiện hành vi thiếu văn minh. Ở những nước có nền văn minh tiến bộ, hành vi bạo lực gia đình bị xem là hành vi man rợ; thậm chí, chồng đánh vợ, bố mẹ đánh con cái ở một số nước là hành vi vi phạm pháp luật, có thể lãnh án tù. Cho nên, chúng ta cần có những hình thức xử lý nghiêm khắc và kiên quyết hơn để giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình.

 

Ông chỉ ra một số nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi bạo lực gia đình như trình độ học vấn thấp dẫn đến cư xử thiếu văn minh; đặc biệt, kinh tế gia đình khó khăn cũng dễ phát sinh tâm lý “bực bội” và dẫn đến hành vi bạo lực khi xảy ra mâu thuẫn trong gia đình. Vị Bí thư Thành ủy viện dẫn những ví dụ cụ thể như trường hợp người bố không làm ra tiền, đến cây bút, quyển vở cũng không đủ khả năng sắm sửa cho con, dễ sinh ra tự ái, nóng nảy, dễ “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với vợ con. Ông Thanh khẳng định muốn xây dựng gia đình hạnh phúc, cả gia đình, đặc biệt là nam giới, với vai trò - theo quan niệm của chúng ta - là trụ cột trong gia đình, phải chăm lo, chí thú làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, làm gương cho con cái, tạo nền tảng xây dựng hạnh phúc gia đình.

 

Ngay trong buổi trò chuyện với các đối tượng từng có hành vi bạo lực gia đình, đồng chí Bí thư Thành uỷ đã đọc lại “Bài thơ đôi dép” của nhà thơ Nguyễn Trung Kiên - bài thơ thấm đẫm tình nghĩa vợ chồng qua hình ảnh đôi dép “Cùng bước mòn, không kẻ thấp người cao/ Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp/ Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác/ Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia/ (…)/Hai mảnh đời thầm lặng bước song song/ Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc/ Chỉ còn một là không còn gì hết/ Nếu không tìm được chiếc thứ hai”. Từ đó nói lên tình nghĩa vợ chồng là cái nôi của hạnh phúc. Hành vi bạo lực là hành vi gây sứt mẻ, tổn thương tình nghĩa vợ chồng, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, sâu xa hơn là ảnh hưởng đến sự trưởng thành của con cái. Không ít những đứa trẻ hư hỏng lớn lên từ những gia đình không hạnh phúc, nhuốm màu bạo lực, trở thành gánh nặng cho xã hội.

 

Ngay sau buổi trò chuyện với lãnh đạo thành phố, các ông chồng từng có hành vi “vũ phu” đã ký cam kết không tái phạm sử dụng bạo lực trong gia đình, đồng thời phát huy vai trò bản thân trong việc phát triển kinh tế và xây dựng hạnh phúc gia đình. Theo lãnh đạo thành phố và các sở ban ngành chức năng, các bản cam kết sẽ là chứng cứ để các ngành chức năng có hình thức xử lý nghiêm khắc và kiên quyết nếu các đối tượng tái diễn tình trạng bạo lực trong gia đình.

 

Tuy nhiên, đáng chú ý, có một số ông chồng ban đầu không chịu ký vào bản cam kết không tái phạm hành vi bạo lực trong gia đình vì nằng nặc cho rằng “chuyện vợ chồng thì đóng cửa bảo nhau chứ không phải việc của xã hội”. Rõ ràng nhiều “trụ cột” vẫn cho rằng bạo lực gia đình là chuyện nhỏ, chuyện riêng, “vợ tôi tôi dạy”…
 
Bí thư Thành ủy trò chuyện với hơn 100 “trụ cột” về bạo lực gia đình - 2
Phần đông các ông chồng đều tự nguyện viết cam kết không tái phạm hành vi bạo lực với vợ, con.

 

80% trẻ bỏ nhà đi, phạm pháp vì bố mẹ mâu thuẫn

 

Theo báo cáo của Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em thành phố Đà Nẵng, hiện nay nạn nhân của nạn bạo hành trong gia đình có 90% là nữ giới. Trong số đó, 45% bị chồng đánh đập; gần 80% bị sỉ nhục, đe dọa; hơn 70% bị bỏ mặc, không được quan tâm; gần 10% bị chồng cấm đoán tham gia các hoạt động xã hội và gần 20% bị chồng bắt ép mang, phá thai theo ý muốn.

 

Đối với trẻ em, những đứa trẻ ở trong gia đình thường xuyên có cảnh bạo lực sẽ có các di chứng như nhiễu tâm lý và trầm cảm, sự gây hấn, sự sợ hãi, mất ngủ, thiếu tự tin, thất vọng.

 

Theo số liệu của Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, 80% các em bỏ nhà đi lang thang hoặc phạm pháp do cha mẹ mâu thuẫn. Các em khi bỏ nhà đi sẽ phải chịu những thiệt thòi như bị bóc lột sức lao động, bị xua đuổi, không có chỗ ở ổn định, bị đánh đập hay đau ốm không ai chăm sóc và có thể bị lạm dụng tình dục, bị nhiễm các thói hư tật xấu.

 

Đối với xã hội, bạo lực gia đình đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, trước hết là vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người, đến danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ, tính mạng của mỗi cá nhân. Bạo lực gia đình làm xói mòn đạo đức, mất tính dân chủ xã hội và ảnh hưởng đến thế hệ tương lai.

 

Kết quả nghiên cứu cho thấy ở nhiều gia đình, thế hệ con đã lặp lại hành vi bạo lực gia đình mà khi còn nhỏ chúng phải chứng kiến. Bạo lực gia đình đang là nguy cơ gây tan vỡ và suy giảm sự bền vững của gia đình Việt Nam.

 

Khánh Hiền