Bi hài tiền lì xì để …“đầu tư” rượu bia, bài bạc, quần áo

(Dân trí) - Tết không chỉ là dịp ăn chơi của giới trẻ mà nhiều bạn còn coi đây là “thời vụ” thu tiền mừng tuổi từ người lớn, họ hàng. Bên cạnh những mục đích lành mạnh, có những bạn còn “xõa” tưng bừng không điểm dừng.

Tiền lì xì “chuyển giao” cho các cháu và làm kinh doanh

 

Tiền mừng tuổi giảm dần theo lứa tuổi nhưng nhiều bạn vẫn rất háo hức với khoản ngân sách “động viên” này. Minh Nguyệt (HV Hành chính) cho biết: “Tuy tiền lì xì ít nhưng mình vẫn cảm thấy rất vui vì lấy lộc may mắn đầu năm. Số tiền này Nguyệt sẽ để dành để mua đồ dùng học tập cho mình và cho em gái”.

 

Riêng Vân (ĐH Đà Lạt) thì có bao nhiêu tiền lì xì đều bỏ vào ống heo đề phòng lúc cần gấp mà không xin được bố mẹ vì gia đình khó khăn.

 

Huy Ba (HV Báo chí và Tuyên truyền) còn “thâm hụt” tiền mừng tuổi vì một lý do rất dễ thương: “Mình sinh sau đẻ muộn nên có cháu rất nhiều. Thế là được bao nhiêu tiền mừng tuổi đều mừng lại hết. Ba còn phải bù thêm tiền riêng của mình nữa”.

 

Còn Hương Lan (ĐH Sao đỏ) sẽ dành tiền mừng tuổi để năm mới mở shop online bán quần áo, giày dép. Lan cho biết: “Số tiền mừng tuổi không phải là đủ nhưng mình sẽ vay mượn thêm. Dùng tiền  lì xì để kinh doanh, Lan nghĩ sẽ may mắn và có nhiều lộc hơn”.

 
Bên cạnh những khoản đầu tư chính đáng, phù hợp...
Bên cạnh những khoản đầu tư chính đáng, phù hợp...
 

 “Tút tát” nhan sắc đầu năm

 

Ngay ngày đầu tiên của năm mới, sau khi chúc Tết, thăm hỏi hết cả họ hàng hai bên nội, ngoại, Trần Hợp (ĐH Hồng Đức) “gom” luôn tiền mừng tuổi định trước khi lên trường sẽ đi mua sắm thật nhiều quần áo và chiếc điện thoại mới tinh, hiện đại.

 

Hợp chia sẻ: “Mình đã mong chờ đến Tết để có tiền lì xì để mua những thứ này. Chứ xin bố mẹ mãi ngại lắm”.

 

Sau ngày mồng 1 còn nghiêm chỉnh đi với cả nhà thì sang mồng 2 đi gặp bạn bè, Trịnh Tú (ĐH Kinh doanh và Công nghệ) trưng ngay những bộ trang phục cầu kỳ, kiểu cách mà cô dày công lùng mua với khoản “phí học thêm” cần nộp trước Tết như đã thông báo với phụ huynh.

 

Tú “bào chữa” cho sự thay đổi của mình: “Năm mới phải "tân trang" mình một chút cho mới mẻ chứ. Năm mới, cái gì cũng phải mới thì mới “hoành tráng”. Còn học phí này nọ qua Tết đã có tiền lì xì bù đắp, không phải lo nghĩ nhiều”.

 
Bên cạnh những khoản đầu tư chính đáng, phù hợp...

...không ít bạn trẻ lại sử dụng tiền lì xì vào bài bạc, rượu bia rất lãng phí và có thể nguy hại tới bản thân trong dịp Tết.
 

“Xõa” hết mình với bài bạc, rượu bia

 

Không ít bạn trẻ có ít tiền lì xì đã vung tay tiêu xài vào những tệ nạn như tụ tập rượu chè, chơi bài,… đến lúc “cháy túi” phải cầu cứu tới gia đình, người thân hoặc đem tài sản đi cầm cố.

 

Nguyễn Nam (Cao đẳng Y Thanh Hóa) đã “dốc” hết tiền lì xì vào các ván bài đỏ đen. Chơi suốt đêm ngày, hết tiền lại chạy về xin mẹ. Nam bày tỏ: “Lúc đầu cứ nghĩ cả năm mới có mấy ngày để chơi thì mình làm thế có gì sai đâu. Nhưng Nam mới thấy mình sai khi nhìn thấy những giọt nước mắt của mẹ lăn dài vì xót xa và giận”.

 

Lê Nam (ĐH Công nghiệp Hà Nội) còn đánh nhau phải lên bệnh viện do uống rượu say sưa sau còn đi tiếp “tăng 2” ở quán karaoke. “Rượu vào, lời ra”, xảy ra mâu thuẫn nên xô xát bạo lực.

 

Có rất nhiều cách để sử dụng tiền lì xì nhưng để biết tiêu một cách hợp lý thì không phải ai cũng thực hiện được. Các bạn trẻ nên biết cân đối và sử dụng một cách lành mạnh và phù hợp, tránh lãng phí.

 

Hoàng Dung