Bi hài chuyện khám chữa bệnh ở Tây Nguyên

(Dân trí) - Trước có gia đình không bị bệnh nhưng cả nhà “đòi” nằm viện, nay họ bảo chữa bệnh mà mất tiền thì thà chết còn hơn; chuyển dạ đau đẻ nhưng bệnh nhân nhất định không vào viện mà gọi bác sĩ đến nhà để... vừa được quà biếu, vừa đỡ tốn viện phí..

Những câu chuyện như đùa đó đang ngày ngày diễn ra trên mảnh đất Tây Nguyên, 1 năm sau ngày Đề án 1816 được triển khai - “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” - và gần 1 tháng sau khi luật bảo hiểm y tế mới có hiệu lực.

“Phải mất tiền chữa bệnh thì thà chết còn hơn”

Tỉnh Kon Tum có hơn 430.000 người (theo số liệu thống kê dân số tháng 4/2009), trong đó người dân tộc chiếm đa số, bao gồm: dân tộc Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Gia Rai… Thực hiện luật bảo hiểm y tế mới (áp dụng từ ngày 1/1/2010) đồng nghĩa với việc các hộ nghèo và người dân tộc phải cùng chi trả 5% khi khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tý (Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum) khẳng định: “Khoanh vùng đối tượng cùng chi trả 5% trong khám chữa bệnh là chuyện không thể thực hiện ở KonTum nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Cùng chi trả 5% bảo hiểm đối với người nghèo và người dân tộc cần thiết phải xem lại”.

Theo ông Tý, “bình thường khi người dân tộc bị đau ốm, vận động họ đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh đã khó khăn. Người dân tộc có tập tục sống khác với người kinh, họ nghèo và đã quen với chế độ ưu đãi, bao cấp của Nhà nước từ trước nên giờ bắt buộc họ phải chi trả 5% bảo hiểm là chuyện không thể”.
 
Bi hài chuyện khám chữa bệnh ở Tây Nguyên - 1
Với người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, đi khám chữa bệnh mà mất tiền thì ở nhà chờ chết còn hơn.

Ông Nguyễn Hồ Định (Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà, Kon Tum) chia sẻ: “Nói về luật bảo hiểm y tế mới áp dụng đối với bà con người dân tộc ở riêng huyện Đăk Hà này thì cả ngày không hết chuyện. Thực hiện luật mới chưa được 1 tháng mà lượng người đến khám chữa bệnh đã giảm hẳn. Trước kia, người dân tộc đau ốm họ đến bệnh viện sẽ được miễn phí hoàn toàn tiền điều trị. Còn từ khi áp dụng luật bảo hiểm y tế mới, dù bệnh nặng đang điều trị nhưng nhận được thông báo là phải mất tiền là họ rủ nhau khăn gói trốn viện về nhà. Chúng tôi đã giải thích rất nhiều nhưng họ vẫn không hiểu luật, họ bảo: “Tao đi về đây, phải mất tiền chữa bệnh thì thà chết còn hơn”.

Thực trạng tương tự cũng xảy ra phổ biến ở tỉnh Gia Lai, tuy nhiên để động viên và “giữ” bà con người dân tộc, người nghèo ở lại khám chữa bệnh, ông Ngô Chung Nghĩa (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực An Khê, Gia Lai) cho biết: “Chúng tôi phải trích ngân sách để duyệt miễn cho người dân 5%, còn thực hiện đúng theo luật hiện hành là vô cùng khó”.

“Vời” bác sĩ về nhà đỡ đẻ để không phải nộp viện phí

Trước ngày 1/1/2010, nhiều người dân tộc rất “chịu khó” đến bệnh viện để được khám chữa bệnh miễn phí. Bác sỹ Lê Quý Phương (Khoa Hồi sức cấp cứu, Phòng khám Đa khoa khu vực Ngọc Wang, huyện Đăk Hà, Kon Tum) kể: “ Mùa khô bà con rủ nhau đi làm rẫy kiếm sống, đến mùa mưa không đi rẫy được thì họ lại “rủ nhau” vào viện.

Rất nhiều trường hợp cả nhà kéo nhau đến viện, dù được chẩn đoán là khỏe mạnh, không có bệnh gì cả nhưng họ vẫn khăng khăng là có bệnh và “đòi” nằm viện để mỗi ngày được ăn, được nhận thuốc miễn phí”.

Tại xã Đăk Ma, huyện Đăk Hà, Kon Tum, từ ngày 1/1/2010, biết vào viện sẽ phải mất tiền nên nảy sinh nhiều chuyện bi hài khác. “Sáng 21/1, có 1 ca đẻ của người dân tộc, nhưng họ không đưa thai phụ lên viện mà đến viện gọi bác sỹ về bản. Ngay khi nhận được tin, chúng tôi cử 2 cán bộ y tế đi 7 km đường (vừa đi xe máy vừa đi bộ) vào thôn bản đỡ đẻ.

Biết tập quán sống của người dân tộc nên trên đường đi dù rất vội nhưng 2 cán bộ y tế của chúng tôi vẫn phải tìm mua đường sữa để mang đến biếu. Sau khi đỡ đẻ, 2 cán bộ y tế lại đi 7km đường về và cho hay: Họ gọi mình xuống đỡ đẻ để được nhận quà và không phải mất tiền nộp viện phí.” - bác sỹ Phương lắc đầu ngao ngán.

Nhiều vấn đề về y tế mà khi triển khai Đề án 1816 mới được hé lộ. Ông Nguyễn Đình Tuấn (bác sỹ chuyên khoa I, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) cho biết: “Với phương châm “Cầm tay chỉ việc”, chúng tôi đã chuyển giao được nhiều công nghệ mới, kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh như: mổ nội soi, sản khoa, hướng dẫn sử dụng thiết bị máy móc hiện đại. Còn trước đó, tại Bệnh viện huyện Đức Cơ các bác sỹ không biết sử dụng các thiết bị kỹ thuật cao nên máy móc hiện đại chỉ để đắp chiếu, một số bác sỹ có chuyên môn nhưng không được dân tin nên bị áp lực tâm lý...”.

Châu Như Quỳnh