Vụ phụ nữ tử vong sau tiêm thuốc kháng sinh:

Bệnh viện huyện Yên Thành sai quy trình

(Dân trí) - Liên quan đến cái chết của chị Trần Thị Ngọc (31 tuổi, trú tại Hòn Nen, xã Mã Thành, Yên Thành), GĐ Sở Y tế Nghệ An khẳng định với Dân trí rằng: Cái sai nhận thấy rõ nhất của BVĐK huyện Yên Thành là làm sai quy trình.

Bệnh viện huyện Yên Thành sai quy trình
GĐ và PGĐ BVĐK Yên Thành làm việc với PV 
 
Sẽ xử lý nghiêm
 
Chiều ngày 13/3/2012, trả lời PV báo điện tử Dân trí về vụ việc “Một phụ nữ tử vong sau tiêm thuốc kháng sinh”, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, ông Phạm Văn Thanh khẳng định: “Việc làm của BVĐK huyện Yên Thành sai là quá rõ ràng. Cái sai của BVĐK huyện Yên Thành nhận thấy rõ nhất đó là làm sai quy trình”. 
 
Trước mắt, Sở đã yêu cầu niêm phong lọ thuốc thứ 3 để kiểm tra và sẽ làm rõ các vấn đề như: các bác sỹ trong ca khi tiêm cho chị Ngọc có thử phản ứng trước khi tiêm không? Lọ thuốc này (lọ thuốc tiêm cho chị Ngọc - PV) có phải là lọ thuốc chuẩn không? Kỹ thuật và tốc độ tiêm lúc đó như thế nào? Tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp? Vấn đề nữa phải làm rõ là tại sao bệnh nhân lại tai biến ở ngày thứ 3, sau khi đã được tiêm 2 ngày rồi.
 
Ông Phạm Văn Thanh cho biết khi có kết luận thanh tra, ai sai sẽ kỷ luật thích đáng, không bao che, biện minh.
 
Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho rằng chuyện sốc phản vệ do thuốc thì hầu như ở đâu cũng có nhưng những loại thuốc dễ gây sốc phản vệ thì phải được thử phản ứng trước khi tiêm cho bệnh nhân. Trong đó, ZEFPOCIN Cefotaxime là một loại thuốc có tỷ lệ phản ứng khá cao cao. 
 
Bệnh viện huyện Yên Thành sai quy trình
Báo cáo sự việc chị Ngọc sau khi tiêm thuốc dẫn đến tử vong.

Chúng tôi đã làm hết mình

Về phía bệnh viện, ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc bệnh viện ĐK huyện Yên Thành, cho biết: “Chị Ngọc không phải là bệnh nhân mà là người nhà đi chăm sóc bệnh nhân. Khi bị sốt và ho, người nhà đã nhờ bác sỹ Nguyễn Văn Diện, Phó Chủ nhiệm khoa Nhi - Cấp cứu khám và cho đơn. Bác sỹ hỏi có nhập viện để điều trị không thì chị Ngọc đã từ chối. Bác sỹ cũng đã cho chị Ngọc đi xét nghiệm và kê đơn thuốc kháng sinh ZEFPOCIN Cefotaxime. Đây là thuốc do Công ty Dược phẩm Trung ương 1 sản xuất được bán tại Cửa hàng của Công ty Dược Yên Thành hợp đồng với Bệnh viện bán trong khuôn viên bệnh viện.

Hai mũi tiêm vào ngày 6/3, chị Ngọc vẫn bình thường, tình hình sức khỏe có đỡ hơn. Ngày 7/3, khi y tá của khoa Nhi - Cấp cứu tiêm mũi thứ 3, chưa rút kim ra thì chị Ngọc đã bị sốc phản vệ. Y, bác sỹ khoa cấp cứu - Nhi đã kịp thời tiến hành cấp cứu, dùng thuốc chống sốc phản vệ, đặt nội khí quản… nhưng không cứu được. Chúng tôi cũng đã xin ý kiến của Bệnh viện Nhiệt đới trong việc sử dụng liều lượng thuốc chống sốc nhưng do trường hợp này muộn nên không thể cứu được. Đây là sự việc đáng tiếc, bất khả kháng nhưng bệnh viện đã làm hết trách nhiệm của mình”.

Sau khi xảy ra cái chết đột ngột của chị Trần Thị Ngọc, Bệnh viện đã giữ vỏ thuốc và tiến hành kiểm kê lô thuốc nói trên. Trong lô thuốc này thì chị Ngọc đã mua 9 lọ, một bệnh nhân khác mua 6 lọ. Thuốc vẫn còn hạn sử dụng.
Bệnh viện huyện Yên Thành sai quy trình
Chị Ngọc ra đi để lại cho chồng 4 đứa con nhỏ rất cần sự giúp đỡ của mọi người.

Giải thích về việc không chị Ngọc không phải là bệnh nhân của bệnh viện nhưng vẫn được bác sỹ kê đơn cho thuốc và được y tá tiêm thuốc, ông Nguyễn Duy Chính,- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Yên Thành, cho biết: “Chị Ngọc đang đi chăm sóc 2 con nhỏ điều trị bệnh viêm phổi. Nếu nhập viện điều trị thì mẹ nằm khoa Nội, con nằm ở khoa Nhi - Cấp cứu sẽ phiền hà cho bệnh nhân. Bởi vậy, khi chị Ngọc có lời nhờ thì các bác sỹ “tiện thể” nên giúp luôn”.

Về việc bệnh nhân sau khi tử vong, phía bệnh viện hoàn toàn không có động thái nào, ông Hạnh cho rằng, sau khi sự việc xảy ra, Bệnh viện đã cho xe chở nạn nhân về nhà tuy nhiên người nhà không chấp nhận.

“Chúng tôi biết gia đình chị Ngọc hết sức khó khăn, 4 đứa con còn quá nhỏ nhưng nếu bệnh viện đến thăm hỏi và hỗ trợ vào lúc này sẽ gây hiểu lầm cho người nhà nạn nhân. Họ sẽ nghĩ chắc bệnh viện có sai thì mới như thế. Đây là vấn đề nhạy cảm nên bệnh viện chưa thăm hỏi gia đình chị Ngọc được. Sắp tới, chúng tôi sẽ có ý kiến lên huyện trong việc hỗ trợ gia đình chị Ngọc và vận động tập thể cán bộ y, bác sỹ trong bệnh viện đóng góp, hỗ trợ cho gia đình nạn nhân. Việc này hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng chứ không phải vì bệnh viện đã sai nên làm thế”, ông Hạnh cho biết thêm.

Cũng theo lãnh đạo của Bệnh viện Đa khoa Yên Thành thì đơn vị này đang làm báo cáo gửi Sở y tế Nghệ An về nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Trần Thị Ngọc.

Sáng nay 14/3, lãnh đạo BVĐK huyện Yên Thành sẽ có buổi giải trình sự việc với Sở Y tế Nghệ An.  

Nguyễn Duy - Quang Anh