“Bệ phóng” vững cho 2 dự luật mới

(Dân trí) - Dự thảo luật Đa dạng sinh học và luật Công nghệ cao đã được thảo luận tại buổi họp toàn thể sáng nay (18/10) của Quốc hội. Cả 2 dự luật đều rất mới, dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp này.

Theo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Phó chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Đức Kiên, luật Đa dạng sinh học gồm 9 chương, 84 điều đã được chỉnh sửa nhiều sau kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2008).

Các ý kiến thảo luận tại hội trường sáng nay cũng thể hiện tính thống nhất cao với bản dự thảo lần này. Chỉ còn gần 15 ý kiến “gợn” lên vấn đề thẩm quyền, trách nhiệm quản lý về lĩnh vực này cùa cơ quan quản lý nhà nước.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) thốt lên, thống kê nhanh thì ngoài Chính phủ quản lý chung, còn tới 5 Bộ ngành khác có phần tham gia. Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) “đính chính” ngay: Không phải 5 mà có đến 8 Bộ, ngành “góp mặt” trong bản dự thảo luật. Các đại biểu tỏ ý băn khoăn, một lĩnh vực mà có nhiều cơ quan quản lý như thế thì khó tập quyền, cũng khó… quy trách nhiệm.

Dự thảo luật Công nghệ cao thì được đánh giá là một chính sách mà “chưa bao giờ được dành một mức độ ưu tiên cao đến vậy”. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Thái Nguyên) khái quát, riêng Điều 4, có 5 khoản để quy định về các chủ trương, chế độ ưu tiên cho lĩnh vực công nghệ cao với những cụm từ mạnh nhất: “dành mọi nguồn lực”, “tạo điều kiện tối đa”, “chính sách ưu đãi cao nhất”…

Tuy nhiên, đại biểu Thuyết cũng “nhắc”, cần tính toán kỹ các mục đích ưu tiên. Theo ông, nên tập trung ưu tiên cho “đầu ra” của hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao bởi việc nghiên cứu trong lĩnh vực này chịu rất nhiều rủi ro, nhiều khả năng “mất trắng” nhiều công sức, tiền bạc, thời gian. Ông Thuyết cho rằng, nên mạnh tay khuyến khích việc mua công nghệ, hạn chế nhập các mặt hàng trong nước có thể sản xuất để tăng vốn nhập công nghệ cao.

Điểm mới nhất trong dự thảo luật Công nghệ cao là việc khuyến khích, kêu gọi các nhà khoa học, các trường đại học, viện nghiên cứu có thể thành lập doanh nghiệp công nghệ cao để dễ dàng ứng dụng những thành tựu nghiên cứu khoa học vào đời sống...

Đại biểu Đặng Huyền Thái (Hà Nội) ủng hộ mạnh mẽ hướng thành lập, đầu tư vào các doanh nghiệp này. Bà Thái cho rằng phải tăng thêm quyền chủ động, quy mô cho các đơn vị nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này. “Nên chuyển các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia thành các trung tâm quy mô, độc lập. Vừa qua, chúng ta rót 3 triệu USD cho các phòng thí nghiệm này nhưng hiệu quả mang lại không cao, đầu tư manh mún, rất lãng phí” - bà Thái phát biểu.

Một ví dụ khác của việc lãng phí khi đầu tư không tới, không trúng trong lĩnh vực này được đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk) minh họa: Dự án nhà máy sản xuất cồn sinh học tại Vĩnh Phúc ngốn hết 80 triệu USD mà “không đâu vào đâu”, kết lại vẫn là dùng cồn nguyên liệu 350 để gia chế thành cồn nồng độ cao.

Các đại biểu kiến nghị thêm cơ chế tạo điều kiện cho các nhà khoa học, tư nhân vay vốn dễ dàng để đầu tư vào lĩnh vực này với đảm bảo xuất toán khi hoàn thành dự án. Việc thành lập các doanh nghiệp công nghệ cao này được đánh giá sẽ giải phóng hết năng lượng của giới nghiên cứu khoa học, giúp các sản phẩm từ phòng thí nghiệm nhanh chóng ra được thị trường…

Dự thảo luật sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua trong kỳ họp này.

P.Thảo