Vụ bắt nguyên Bí thư huyện Cầu Ngang:

“Bắt ông Huỳnh Hiếu Bi là đúng pháp luật”

(Dân trí) - Trao đổi về vụ bắt ông Huỳnh Hiếu Bi - nguyên Bí thư huyện Cầu Ngang - người phát ngôn Công an tỉnh Trà Vinh khẳng định: Cho đến giờ phút này, việc công an bắt giữ ông Huỳnh Hiếu Bi là đúng với pháp luật Việt Nam.

“Bắt ông Huỳnh Hiếu Bi là đúng pháp luật” - 1

Trung tá Lê Văn Tư - Chánh VP Công an tỉnh Trà Vinh: “Bắt ông Bi là đúng pháp luật Việt Nam”
 
Sau khi xảy ra vụ bắt ông Huỳnh Hiếu Bi (nguyên Bí thư huyện Cầu Ngang) tại nhà của ông này, dư luận có nhiều hướng trái chiều nhau. Sáng ngày 24/3, PV Dân trí đã tới gặp trực tiếp Trung tá Lê Văn Tư - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Trà Vinh, được ông Tư cung cấp nhiều thông tin liên quan đến vụ việc.  

 

Trước đó, trong phiên tòa phúc thẩm, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã tuyên phạt ông Bi 3 năm tù nhưng sau đó ông Bi bỏ trốn mà không chấp hành bản án. Ngày 8/12/2009, TAND tỉnh Trà Vinh có công văn số 106 đề nghị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh ra quyết định truy nã. Ngày 8/1/2010, CSĐT có quyết định số 04 truy nã ông Bi.

 

Thời gian sau đó, do ông Bi cố ý trốn tránh ở nhiều nơi nên CSĐT gặp khó khăn trong việc bắt ông. Tuy nhiên, qua các nguồn tin thì vào ngày 20/3/2011, khi biết ông Bi đang ở nhà (thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang), Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đã cử 2 cán bộ công an đến bắt theo quyết định truy nã số 04.

 

Khẳng định với PV Dân trí, Trung tá Lê Văn Tư cho biết việc bắt người theo quyết định truy nã là đúng quy trình. Hai đồng chí thi hành nhiệm vụ trước khi bắt đã xuất trình thẻ ngành và công bố quyết định truy nã. Tuy nhiên, ông Bi không nghe mà còn kháng cự, thậm chí là nói lại những lời khó nghe. Sau đó, ông Bi còn kêu 2 người con đâm công an.

 

Ngay sau đó, gia đình ông Bi la hét và nói ông Bi đã có quyết định không thi hành bản án phúc thẩm của Viện KSNDTC. Nhưng khi 2 cán bộ công an yêu cầu gia đình đưa quyết định trên thì gia đình lại không chịu đưa. Gia đình ông Bi còn giằng co chống lại nên để đảm bảo an toàn trong việc bắt người, 2 cán bộ công an buộc phải còng tay ông Bi để đưa đi. Đến lúc này, gia đình mới chịu đưa ra quyết định của Viện KSNDTC nên công an mở còng và lập bản việc bắt người tạm dừng.

 

Theo Trung tá Tư, có thể nói 2 cán bộ công an này đã rất tôn trọng quyền công dân nên mới tạm dừng việc bắt người. Nếu theo trình tự thì lúc đó có bắt ông Bi cũng đúng với pháp luật dù có quyết định của Viện KSNDTC hay không. 

 

Lý giải việc này, Trung tá Tư cho rằng, Quyết định số 01 tạm đình chỉ thi hành bản án của Viện KSNDTC ký vào ngày 11/3 nhưng đến 15h chiều ngày 18/3/2011, Công an tỉnh Trà Vinh mới nhận được. Trung tá Tư viện dẫn, theo điều 276 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 nêu rõ, việc tạm đình nã thực hiện khi có văn bản của TAND tỉnh đề nghị, trong vụ việc này là TAND tỉnh Trà Vinh.

 

“Tuy nhiên, từ ngày 18 cho đến khi bắt người (20/3), Công an tỉnh Trà Vinh không nhận được đề nghị đình nã nào của TAND tỉnh Trà Vinh nên cơ quan CSĐT chưa làm thủ tục đình nã, vì thế việc bắt người là đúng vì quyết định truy nã số 04 vẫn còn hiệu lực” - Trung tá Tư khẳng định.

 

Cũng trong sáng ngày 24/3, Trung tá Tư cho hay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có gửi văn bản hướng dẫn xử lý vụ việc này. Hiện chỉ chờ TAND tỉnh Trà Vinh có văn bản đề nghị đình nã thì CSĐT Công an Trà Vinh sẽ làm các thủ tục tạm dừng bắt ông Bi để chờ xét xử theo giám đốc thẩm.

 

“Nếu TAND tỉnh Trà Vinh chưa hoặc chậm trễ trong việc ra văn bản đình nã thì Công an tỉnh Trà Vinh vẫn có thể bắt ông Bi bất cứ lúc nào” - Trung tá Tư nói.

 

Huỳnh Hải