Dạy con nên người:

Bát hương

(Dân trí) - Trong nhà, nơi trang trọng nhất thường dành để bát hương. Không chỉ với thần phật, bát hương, lư trầm còn để tưởng niệm những người có công với dân, với nước, tưởng nhớ gia tiên, tỏ lòng biết ơn cha mẹ.

Có bát hương đặt nơi trang trọng, trong nhà có chỗ để trẻ già đi nhẹ nói khẽ, bụng dạ cung kính, cũng là một cách giáo dục.

Nhưng chẳng nên vì thế mà bày vẽ nhiêu khê. Trước đây, bàn thờ đặt nơi sạch sẽ, sáng sủa thể hiện sự kính trọng là được. Vài năm nay, muốn đặt bát hương phải theo thước của ông Lỗ Ban, thành ra nhà chật, chỉ vì bàn thờ mà phải chuyển giường, chuyển tủ, thay chỗ ngồi học của con cái, đảo vị trí ti vi... đã chật lại càng lủng củng bất tiện. Đã thế, thước Lỗ Ban cũng có loại giả, loại thật, mỗi thầy địa lý đến nhà khuyên một cách, lại xếp dọn, di dời mệt nhoài.

Đến bát hương mới lắm phiền phức. Nhà thay chủ phải thửa bát hương mới, bát hương cũ phải thả xuống sông. Tro phải mua ngoài cả hàng đồ thờ, cẩn thận hơn phải lấy cát đã được xin lễ tận chùa Hương, Kiếp Bạc mới tinh khiết. Cực nhất là mỗi lần người nhà đi xin thẻ, xem bói, xem tử về là y như rằng phải thay bát hương này, thêm bát hương kia vì đặt sai chỗ, vì bà cô, ông mãnh không chịu ngồi chung với nhau và vì nhiều thứ nữa. Gần đây hơn, xin bát hương là phải lên chùa, tiền công đức 20.000 đồng đến 40.000 đồng một bát, ghi tên một tuần sau lấy.

Ngõ nhà tôi có gia đình cãi nhau ầm ĩ chỉ vì nơi đặt bát hương thổ địa. Bà đồng bảo thổ địa là thần đất, phải đặt sát đất mới hợp, chồng chiều vợ xây một am nhỏ góc sân. Đến ông thầy tử vi phán, để sát đất là thờ thần tài, thổ địa là ông thần quan trọng nhất, phải để nơi cao, lại xây am trên sân thượng. Gặp ông bạn đến chơi khuyên, sân thượng là nơi thờ ngũ quỷ, ma đói ma khát, bát hương thổ địa phải gần người, phải ấm áp, thế là...

Nói chuyện bát hương nhiều sợ vạ mồm. Thôi thì tuỳ, chỉ mong người mình đừng sáng chế ra nhiều tập tục rắc rối rồi lại tin vào nó, tự làm khổ mình và khổ người khác.

Vũ Duy Thông