"Bắt bệnh" dân đồng tính... giả

(Dân trí) – Là nam giới, đã từng thích con gái nhưng đến tuổi trưởng thành, nhiều người thực sự cảm thấy hoang mang khi hình ảnh những người nam giới khác lại cuốn hút mình hơn cả những cô gái đẹp.

“Boy” bị ám ảnh “cái ấy” của đàn ông

Một lá thư đầy băn khoăn, hoang mang của một bạn trai 20 tuổi gửi đến Dân trí, khi em không xác định được giới tính thực của mình.

“Em là nam 20 tuổi. Em thích các bạn gái, em đã từng thầm thích một người năm 15 tuổi và một người năm 17 tuổi. Mỗi khi gặp những bạn gái nào đặc biệt, em có ấn tượng tốt và cũng muốn cô ấy làm bạn gái mình. Tuy nhiên em chưa bao giờ nói ra. Gần đây, em bỗng nhận ra là mình cũng rất thích con trai. Nhất là nhưng anh chàng đẹp trai, cơ bắp lực lưỡng. Em thường hay so sánh em với họ, mong muốn em cũng như họ rồi tưởng tượng lung tung và em bị ám ảnh vế cái ấy của đàn ông…

Bắt bệnh dân đồng tính... giả
Người đồng tính không có tội, họ cũng không mắc bệnh mà đó là một xu hướng tình cảm đáng được tôn trọng.

Khi nhìn thấy đàn ông khỏa thân là em bị kích thích, ham muốn trong khi nhìn người phụ nữ thỏa thân em không có cảm giác bằng. Khi thủ dâm, em lại hay tương tượng người nam và người nữ đang xxx chứ không phải chỉ tưởng tượng về người nữ như bao bạn khác. Có phải em bị gay rồi không??? Em đang rất hoang mang , lo lắng, cái suy nghĩ này cứ bám theo em mãi, làm em không thể nào tập trung học tập, làm việc được....Em sợ nếu mình không gay mà cứ suy nghĩ thế này không chừng rồi cũng sẽ thành gay mất...”, độc giả này viết.

Theo bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số, đó là tâm trạng chung của bất cứ ai ở trong hoàn cảnh của bạn trai này. Vì sao họ cảm thấy sợ, cảm thấy hoang mang không biết mình có phải là gay không? Bởi họ sợ, họ sợ người thân, bạn bè phát hiện ra mình là không bình thường, họ sợ bị kỳ thị. Trong khi đó, người đồng tính không phải là tội lỗi.

“Khi phát hiện mình chỉ thích bạn trai, bố mẹ đã đuổi thẳng cổ mình ra khỏi nhà. Bố còn nói, biết vậy ngày xưa nghèo khó bóp chết mình ngay từ nhỏ để khỏi vất vả nuôi nấng một thằng hư đốn. Gia đình cũng không chu cấp tiền học mà bắt về quê, tách rời cái “môi trường nhơ nhớp” mà gia đình mình nhìn nhận bởi xóm trọ của mình đặc thù toàn các bạn trai ở với nhau. Ông cho rằng, chính vì ở trong môi trường toàn giai đã khiến mình biến thành một thằng đốn mạt, thích quan hệ đồng giới”, N.V.P – một đồng tính nam tâm sự.

Theo bà Tú Anh, không có người đồng tính thật - giả bởi tình cảm con người là một thứ bản năng khó chịu chi phối bởi lý trí. Xu hướng dục của con người không thay đổi trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, trong giai đoạn dậy thì, nhiều người chưa định hình rõ xu hướng tình dục của mình nên mới có hiện tượng như bạn trai trên. Tuy nhiên sau đó sẽ dần có sự thay đổi, bản thân mỗi người sẽ nhận biết rõ nhất, bởi tình cảm, sự yêu thích giới nào sẽ ngày càng rõ nét.

Lúc đầu, họ yêu người khác giới bởi thấy tất cả mọi người xung quanh mình đều làm vậy. Dần dần, theo bản năng, xu hướng tình cảm ngày càng rõ nét. Môi trường sống cũng không tác động đến xu hướng tính dục của mỗi người, mà chỉ chỉ ảnh hưởng đến hành vi tình dục. Ở trong một môi trường toàn nam giới, nhiều người bình thường nhưng vì không có bạn gái, họ có thể quan hệ với người đồng giới, nhưng khi ra khỏi môi trường đó, họ lại trở thành một người bình thường, họ không đồng tính mà chỉ quan hệ đồng tính”.

Bi kịch vì không được thừa nhận

“Không ít câu chuyện những người đồng tính khi bị gia đình phát hiện đã ép kết hôn, lấy vợ rồi sinh con. Dù có vợ, có con, ở trong môi trường của những người dị tính (người không đồng tính) nhưng họ vẫn không thể trở thành người dị tính và đã kéo theo không biết bao bi kịch gia đình”, bà Tú Anh nói.

“Sao một người chồng hết mực thương yêu vợ con, phong độ vậy lại trở thành con người đốn mạt, lừa dối vợ con để yêu đương với một người đàn ông khác. Tôi đã không thể tin nổi chồng mình là gay và cuối cùng đã phải ký đơn ly hôn vì tôi không chịu đựng được sự thật đó”, chị M.V – một giáo viên ở Ninh Bình tâm sự trong một lần gọi đến tổng đài tư vấn của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số.

Theo bà Tú Anh, bi kịch tan nát gia đình sau khi bị ép hôn ở những người đồng tính không phải là chua xót nhất. Bi kịch hơn, đó là họ tìm đến cái chết.

Trong một nghiên cứu online được thực hiện trên 600 người đồng tính vừa thực hiện tại Trung tâm, thì có tới 30% những người này đã từng tự tử bởi bị kỳ thị, bị ép lập gia đình, bị gia đình rời bỏ, coi như con đã chết…

“Mình không thích phụ nữ, nhưng gia đình lại bắt lấy vợ, không nghe thì gia đình từ bỏ, coi như mình đã chết. Yêu anh ấy mà chúng mình không có tương lai, vậy sống để làm gì”, đó là một trong những lý do khiến người đồng tính tự tử.

“Không gì bi kịch hơn một con người không được sống thực với giới tính của mình. Vì phải sống trong tâm trạng luôn phải lừa dối mọi người, phải làm vừa lòng gia đình, xã hội, họ chưa nhận được sự cảm thông từ những con người này. Vì thế, những người đồng tính sợ hãi khi nhận thấy xu hướng giới tính thực của mình, thấy lo lắng, băn khoăn, không tập trung học hành, làm việc được và đỉnh cao của bi kịch là tìm đến cái chết”, bà Tú Anh nói.

Đồng quan điểm này, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường cho biết, đồng tính không phải là bệnh, không lây lan mà chỉ là một phần đa dạng của tính dục nhưng nhiều người Việt vẫn quan niệm đó là “bệnh hoạn” nên rất kỳ thị khiến người đồng tính chịu rất nhiều áp lực, luôn phải sống che dấu, khép mình, đến mức có ý định tự tử, thậm chí đã tự tử.

Theo bà Tú Anh, thời điểm này, nhiều người đang bàn đến hôn nhân đồng tính và tôi thấy đó là một bước tiến tốt trong ngành tư pháp, bước tiến trong xã hội khi mọi người đã mở lòng để nhìn thấy nhu cầu, tình cảm thực của một bộ phận khác. Đồng tính không phải là một bệnh, mà nó là xu hướng tình dục, tình cảm của mỗi người mà mọi xu hướng tình dục đều đáng được tôn trọng.

Hồng Hải