1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

“Bắt bệnh”, chữa trị cho cây đa của Cố TBT Trường Chinh

(Dân trí) - Cây đa gần 40 năm tuổi do Cố Tổng Bí thư Trường Chinh trồng lưu niệm trong một lần về thăm quê Bác có hiện tượng rụng lá, khô cành, thối rễ. Hiện các ngành liên quan đang tìm hướng “điều trị” cho cây đa này.

“Bắt bệnh”, chữa trị cho cây đa của Cố TBT Trường Chinh

Các chuyên gia đầu ngành thị sát tìm phương án tối ưu để cứu cây đa lưu niệm của Cố tổng Bí thư Trường Chinh tại Khu di tích Kim Liên
Năm 1976, trong một lần về thăm và chúc tết nhân dân tỉnh Nghệ An, Tổng Bí thư Trường Chinh đã trồng một cây đa tại Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An). Gần 40 năm qua, với sự chăm sóc, bảo vệ của Ban quản lý Khu di tích Kim Liên, cây đa lưu niệm của Cố Tổng bí thư Trường Chinh rất xanh tốt, cành lá bao trùm một khoảnh sân rộng.

Năm 2004, khi dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Kim Liên gắn với phát triển du lịch được phê duyệt, hạng mục công trình chăm sóc cây đa Cố Tổng Bí thư Trường Chinh cũng nằm trong dự án này. Năm 2010, Dự án đã hoàn thành phần lát sân đường khu tưởng niệm, xây bồn hoa, ghép đá bu-val xung quang gốc cây đa. Tuy nhiên, trong thời gian triển khai thì cũng là khi cây đa có hiện tượng rụng lá, khô cành và có biểu hiện lụi dần.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo một số chuyên gia là do cây bị nghẹn rễ khiến cây thiếu ô xi và không vận chuyển chất dinh dưỡng lên nuôi cành lá. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng do đất được đắp lên khu vực xây dựng bu-val không đảm bảo dinh dưỡng nên ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Công ty Huy Hiệp, cây đa lưu niệm của Cố tổng Bí thư Trường Chinh đã được chăm sóc với một chế độ đặc biệt. Các nhà khoa học đầu ngành của trung ương, các giáo sư, kỹ sư đã từng tham gia cứu cây đa Tân Trào cũng được mời về để “chẩn đoán” và chữa bệnh cho cây.

“Bắt bệnh”, chữa trị cho cây đa của Cố TBT Trường Chinh

Phương án đào rãnh quanh gốc cây, bón phân vi sinh và các chế phẩm sinh học để kích thích cây ra rễ bước đầu đã cho kết quả khả quan

Thạc sỹ khoa học Nguyễn Anh Kết - TGĐ Công ty CP Thanh Hà - Đơn vị chuyên cung cấp các chế phẩm sinh học đã hướng dẫn kỹ thuật viên và công nhân Công ty Huy Hiệp cắt tỉa cảnh, phun thuốc kích thích ra lá. Đồng thời đào rãnh bỏ phân vi sinh và phân hữu cơ để nuôi 5 rễ phụ (từ thân cây xuống đất). Mặc dù biện pháp này đã kích thích được cây ra nhiều lá hơn nhưng cây vẫn còn rất yếu.

Trước tình thế đó, ngày 9/5, các đơn vị liên quan đã tổ chức hội thảo để tìm phương án tối ưu nhất. Rất nhiều ý kiến đã được đưa ra với mục tiêu duy nhất là làm sao để cây đa ra nhiều rễ, mọc mầm nhiều hơn trong thời gian sớm nhất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường đã đồng ý với phương án lấy bớt phần đất trên bề mặt, chống nghẹn rễ cho cây, đồng thời kiểm tra các thông số kỹ thuật về chất đất, thực trạng bộ rễ, cành cây để tìm ra phương án tối ưu nhất; tiếp tục sử dụng các chế phẩm sinh học để nuôi cành và mầm cây, cắt tỉa các cành khô, cành bị sâu bệnh để cây tập trung chất dinh dưỡng cho việc ra nhánh non. Trong thời tiết gió Lào và nắng nóng như hiện nay, các biện pháp chống nóng cho cây cũng đã được tiến hành, đồng thời quấn lưới quanh cành và mầm để tạo lớp biểu bì, giữ ẩm cho cây.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo GĐ Sở VHTT&DL tỉnh Nghệ An đứng ra tổ chức thực hiện phối hợp với BQL Dự án, đại diện Sở KHCN, đồng thời giao cho Sở KHCN nghiên cứu thành lập dự án để tiến hành lâu dài việc chăm sóc bảo vệ cây đa.

Hoàng Lam