Bão số 4 tăng cấp khi vào Vịnh Bắc Bộ, nhiều đô thị ở miền Bắc nguy cơ ngập lụt

(Dân trí) - Dự kiến trưa mai (16/8), bão số 4 sẽ vào Vịnh Bắc Bộ và tăng thêm 1 cấp (cấp 9, giật cấp 11). Tuy nhiên, khi vào đất liền bão sẽ giảm xuống còn cấp 8, giật cấp 10-11. Nhiều đô thị ở vùng trũng thấp phía Bắc có nguy cơ ngập lụt vì mưa to, rất to từ đêm nay đến ngày 18/8.

Chiều nay (15/8), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức cuộc họp khẩn để ứng phó với bão số 4. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì.

Quang cảnh cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trungg tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin: Khoảng trưa mai (16/8), bão số 4 sẽ vào Vịnh Bắc Bộ và tăng thêm 1 cấp, ở cấp 9, giật cấp 11. Tuy nhiên, khi đổ bộ vào đất liền (dự kiến khoảng rạng sáng 17/8 đến gần trưa 17/8) bão lại giảm 1 cấp, ở cấp 8, giật cấp 10-11.

Ông Cường cho biết thêm, tâm bão khi đổ bộ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Hải Phòng đến Bắc Nghệ An. Nhưng vùng ảnh hưởng của bão sẽ đến sớm hơn, phạm vi rộng hơn, từ chiều tối mai (16/8) khu vực ven biển Quảng Ninh sẽ có gió mạnh và mưa.

Ông Hoàng Đức Cường cảnh báo, mưa do hoàn lưu bão số 4 sẽ gây ngập úng ở nhiều đô thị tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Ông Hoàng Đức Cường cảnh báo, mưa do hoàn lưu bão số 4 sẽ gây ngập úng ở nhiều đô thị tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

"Mưa do ảnh hưởng của hoàn lưu bão sẽ xảy ra rộng hơn, ở hầu khắp các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và mưa cấp tập từ đêm nay cho đến hết chiều 18/8, với lượng mưa từ 250-350mm. Do đó, các đô thị lớn ở vùng thấp như Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An,... sẽ có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt. Còn các khu vực khác vẫn có mưa nhưng ít hơn" - ông Cường cho biết.

Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT thông tin, khu vực dự báo bão số 4 sẽ đổ bộ là khu vực có nhiều tàu thuyền ven biển hoạt động, các khu kinh tế du lịch hoạt động mạnh; hệ thống đê điều, hồ đập đã trải qua gần 2 tháng mưa lũ; nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất lũ quét ở nhiều khu vực miền núi phía Bắc.

Ngoài ra, ông Hoài cho cho biết thêm, hiện nay có 5.347 phương tiện/29.320 người đang hoạt động trên biển và 30.967 phương tiện/108.454 người neo đậu tại bến (các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình). Tất cả 7 tỉnh ven biễn đến nay vẫn chưa có lệnh cấm biển.

"Chúng tôi yêu cầu các địa phương tăng cường thông tin, kêu gọi hướng dẫn tàu thuyền khai thác hải sản, tàu vận tải, tàu du lịch, lồng bè,... về nơi trú tránh bảo đảm an toàn. Chủ động thực hiện cấm biển, đặc biệt đối với hoạt động du lịch trên biển và trên các đảo" - ông Hoài phát biểu.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị: Đối với tuyến biển, các địa phương cần xem xét và căn cứ vào tình hình cụ thể để ban hành lệnh cấm biển phù hợp để tránh những thiệt hại đáng tiếc; kiểm soát, thống kê chặt chẽ các tàu thuyền và kêu gọi những tàu này cần khẩn trương tìm nơi tránh trú an toàn; đây là khu vực hoạt động du lịch trên biển hết sức sôi động nên các địa phương cũng phải có biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; hoạt động nuôi trồng thủy hải sản ven bờ cũng cần hết sức chú ý, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại khi bão đổ bộ,...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Đối với khu vực trên đất liền, Bộ trưởng Cường lưu ý, cần tổ chức chằng chống nhà cửa, biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây và sơ tán dân tại những khu vực có nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp khi bão đổ bộ, khu vực ngập sâu ven sông, ven biển.

"Toàn bộ khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh ở Bắc Trung Bộ cần tập trung xả nước đệm bằng cả bơm cưỡng bức và tự chảy để cứu lúa trước khi bão đổ bộ. Các địa phương cần tập trung đôn đốc, chống sạt lở ở các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ, những nơi nguy hiểm cần phải sơ tán dân khẩn cấp" - Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa Bộ trưởng Cường lưu ý đó là hệ thống các hồ thủy điện, thủy lợi ở khu vực trên, các đơn vị có trách nhiệm phải phân công người ứng trực để có hành động kịp thời khi có sự cố xảy ra. Riêng các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang thì Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT sẽ có chủ trương mới, nhưng các đơn vị này cũng cần phải theo dõi sát tình hình thực tế để có báo cáo tham mưu kịp thời cho Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT để cùng bàn bạc đưa ra những chỉ đạo phù hợp nhất.

Nguyễn Dương