Bão “rình rập”, các địa phương khẩn trương phòng chống

(Dân trí) - Nhiều con đường chính trong TP Huế đã “lụt” khi mưa liên tục đổ xuống. Nước sông Hương bắt đầu dâng lên gần bờ. Trong khi đó Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung đang tiến hành di dân trước khi bão số 3 tràn vào.

Thanh Hóa: Tính đến thời điểm này, tất cả tàu thuyền và lao động đi trên tàu đánh cá ngoài khơi của tỉnh Thanh Hóa đã vào nơi trú ẩn an toàn. Hiện các địa phương, nhất là các huyện ven biển như Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, thị xã Sầm Sơn, Nga Sơn đang tích cực rà soát, triển khai các phương án phòng chống cơn bão số 3.
 
Tại huyện Tĩnh Gia, địa phương được dự báo là gần tâm bão độ bộ vào cũng đã lên phương án chuẩn bị di dời và đối phó với cơn bão số 3.
 
Bão “rình rập”, các địa phương khẩn trương phòng chống - 1
Thị xã Sầm Sơn đã tiến hành kêu gọi người dân bán hàng ven biển
và khách du lịch vào nơi trú ẩn an toàn (Ảnh: Duy Tuyên)

Ông Đào Trọng Quy, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cho biết, theo phương án 1, địa phương sẽ phải di dời dân ở 7 xã ven biển với 40 thôn, tổng số hộ là 4.452 hộ với 20.524 nhân khẩu. Trong đó ngay trong chiều ngày 24/8, địa phương phải di dời 1.923 hộ với 8.889 nhân khẩu cách mép nước khoảng 200 - 300m vào các khu vực cao hơn để đảm bảo an toàn. Số còn lại đang đợi lệnh của tỉnh trong trường hợp khẩn cấp sẽ cho di dời toàn bộ vào khu vực an toàn.

Tại Quảng Xương, địa phương đã phân công mỗi cán bộ phụ trách một xã, thị trấn để triển khai phương án phòng chống bão. Tổ chức tiêu thoát nước đệm cho diện tích lúa mới cấy, rà soát kiểm tra phương án di dân khi có lệnh. Có khoảng 5.000 dân tại các xã Quảng Nham, Quảng Trung có khả năng phải di dời trong trường hợp nước dâng cao. Còn tại khu vực đồng triều, đến thời điểm này đã thu hoạch được 70% sản lượng thủy sản nuôi trồng.
 
Bão “rình rập”, các địa phương khẩn trương phòng chống - 2
Người dân tháo nước ra khỏi đồng để phòng chống ngập lụt

Trong sáng nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã cử đoàn công tác vào Thanh Hóa chỉ đạo triển khai công tác phòng chống và đối phó với cơn bão số 3, đoàn đã đi kiểm tra tại huyện Quảng Xương.

Theo tin từ Trung tâm phòng chống bão lụt Thanh Hóa, tính đến 10h sáng ngày 24/8, lượng mưa đo được trên địa bàn Thanh Hóa lớn nhất là tại huyện Quảng Xương với 35,5mm, các địa phương còn lại phổ biến ở mức dưới 10mm.
 
TT-Huế: Chiều tối ngày 23/8, hàng chục cơn mưa to đã bắt đầu trút xuống TP Huế và các huyện phụ cận. Mưa đi kèm với gió mạnh gào rít trên các đường phố, mái nhà.

Ông Phan Minh Thắng, Chủ tịch UBND xã Phú Hải, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) cho biết, vào khoảng 15h30 ngày 23/8, một trận lốc xoáy đã làm hơn 50 nhà dân ở thôn Cự Lại Đông và Cự Lại Nam bị tốc mái nặng (trên 70%)…

 

Lốc xoáy đã làm gạch, đá, ngói… của Trường mầm non Cự Lại Nam rơi trúng người các em học sinh đang ngồi học phía dưới khiến 5 em bị thương. Ngoài ra có 6 người dân cũng bị thương vì mái tôn, ngói bay trúng người.

Tại nhiều con đường chính trong Huế đã ngập nước do mưa quá nhiều và ống cống thoát không hết nước khi mưa cứ liên tục đổ xuống. Nước sông Hương đã bắt đầu dâng lên gần bờ, đe dọa một trận lụt lớn sắp kéo tới Huế.

Tại khu phố Tây, đoạn đường Võ Thị Sáu, Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An đã bắt đầu có nước làm nhiều khách Tây khó khăn khi đi lại. Đường Hùng Vương, Đống Đa cũng ngập nặng làm tắc máy nhiều xe. Phần thấp nhất ở Thành nội, tại các đường Hàn Thuyên, Đinh Công Tráng, Ngô Đức Kế nước đã lên tới ngực.

Theo dự đoán của Trung khí tượng thủy văn TT-Huế, chiều và tối nay vùng biển TT-Huế gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10,11, vùng đồng đồng ven biển gió giật cấp 6, giật cấp 7.

Trên đất liền có mưa vừa, mưa to đến rất to và giông. Riêng trên sông Bồ có khả năng xuất hiện lũ ở mức báo động 1, sông Ô Lâu trên mức báo động 2.

Theo kinh nghiệm của ông Hồ Đăng Vang, GĐ sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TT-Huế, nếu mưa mỗi ngày với lượng từ 100-120mm, trong 2-3 ngày tới, TP Huế và các huyện phụ cận sẽ lụt to.

Hình ảnh những tuyến phố ở TP Huế ngập trong nước:
 
Bão “rình rập”, các địa phương khẩn trương phòng chống - 3
 Đường Ngô Đức Kế

Bão “rình rập”, các địa phương khẩn trương phòng chống - 4
Đường Trần Hưng Đạo

Bão “rình rập”, các địa phương khẩn trương phòng chống - 5
Đoạn đường Nguyễn Tri Phương đã đầy nước

Bão “rình rập”, các địa phương khẩn trương phòng chống - 6
Nước cứ lên từ từ

Bão “rình rập”, các địa phương khẩn trương phòng chống - 7
Nhiều nhóm con nít lẫn người lớn tranh thủ buông vó giữa dòng nước nhằm kiếm cá tôm mùa lụt (Ảnh: Đại Dương)
 
Hà Tĩnh: Sáng nay 24/8, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã triệu tập cuộc họp triển khai các phương án đối phó với bão số 3. Tổng cộng hơn 14.000 dân buộc phải di dời đi tránh bão. Vấn đề an toàn cho người dân tại các vùng xung yếu, bà con ngư dân được lãnh đạo Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm. Đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh đang có gần 3.800 tàu thuyền hoạt động trên biển. Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các địa phương vùng biển tiếp tục nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ tàu để xử lý thông tin kịp thời khi cần thiết.
 
Bão “rình rập”, các địa phương khẩn trương phòng chống - 8
Nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã hoàn thành việc neo đậu tàu thuyền từ chiều hôm qua
 
Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nếu bão số 3 đổ bộ vào đất liền sẽ có hơn 14 ngàn dân ở các huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh bị đe doạ nghiêm trọng. Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện thị nói trên huy động mọi lực lượng tổ chức di dời ngay cư dân sống vùng cửa sông, cửa lạch, ven biển đến nơi an toàn. Việc di dời được tiến hành ngay từ lúc 7h sáng và phải hoàn thành trước 11h ngày 24/8.
 
Ngoài việc đảm bảo an toàn sinh mạng cho nhân dân, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu lãnh đạp các địa phương huy động lực lượng giúp dân thu hoạch lúa mùa vụ hè thu với khoảng 4.000ha (10% diện tích) đã đến độ thu hoạch. Để giúp dân giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các công ty thuỷ lợi phối hợp với các địa phương tổ chức lực lượng khai thông, tiêu úng nước trên các cánh đồng.
 
Bão “rình rập”, các địa phương khẩn trương phòng chống - 9
Mưa lớn khiến úng cục bộ đã xảy ra trên nhiều cánh đồng ở Hà Tĩnh. 
 
Một vấn đề khác cũng được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo sát đó là các chủ đầu tư, các ban xây dựng cơ bản, các nhà thầu xây dựng triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn cho cả công nhân lao động, công trình và phương tiện máy móc. Nhiều công trình hồ đập xây dựng dang dở như hồ Thanh Niên (xã Tân Hương, huyện Đức Thọ), hồ Khe Cát (huyện Hương Sơn), các tuyến đang thi công như đê Lê Giang, đê Hội Thống.
 
Bão “rình rập”, các địa phương khẩn trương phòng chống - 10
Mưa lớn khiến nhiều hồ nước ở TP Hà Tĩnh ngập tràn bờ...
 
Bão “rình rập”, các địa phương khẩn trương phòng chống - 11
Người dân tranh thủ bắt cá (Ảnh: Văn Dũng - Alăng Núi)
 
Ghi nhận của Dân trí, đến thời điểm này Hà Tĩnh đang có mưa lớn trên diện rộng, vùng ven biển gió bão đã mạnh cấp 6, 7; tình trạng ngập úng cục bộ trên các cánh đồng đã xẩy ra ở một số nơi.
 

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cũng đã có cuộc họp khẩn cấp chỉ đạo bằng mọi cách sẵn sàng chiến đấu với bão. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu chủ tịch UBND huyện, thành phố thị xã, Thường trực ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, Giám đốc các sở, công ty thuỷ lợi, trưởng các ban ngành liên quan thực hiện triệt để một số biện pháp chủ yếu, hạn chế thiêt hại do bão gây ra.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu triển khai ngay các nhiệm vụ như xuống cơ sở tập trung chỉ đạo đối phó với cơn bão, chủ động triển khai các phương án sơ tán dân cư vùng ven biển, ven sông suối có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống;…

 

Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa lũ chia cắt dài ngày. Chằng chống kho tàng, nhà cửa, trường học, trạm y tế,…

 

Ngay trong sáng nay, ghi nhận của PV Dân trí tại địa bàn các huyện, hầu hết người dân sở tại đã chủ động và thực hiện tốt việc phòng tránh bão.

 

Thời điểm hiện tại (trưa 24/8), mưa lớn đang xuất hiện tại vùng biển thị xã Cửa Lò và trên toàn tỉnh Nghệ An.

Một số hình ảnh sẵn sàng đón bão số 3 do PV Dân trí ghi lại tại các địa phương ven biển Nghệ An:

Bão “rình rập”, các địa phương khẩn trương phòng chống - 12

Chằng néo nhà tại Cửa Hội

Bão “rình rập”, các địa phương khẩn trương phòng chống - 13


Bão “rình rập”, các địa phương khẩn trương phòng chống - 14

Vớt vát từ nghề kinh doanh du lịch biển


Bão “rình rập”, các địa phương khẩn trương phòng chống - 15

Thu gom những gì có thể

Bão “rình rập”, các địa phương khẩn trương phòng chống - 16
 

Bão “rình rập”, các địa phương khẩn trương phòng chống - 17
Nghệ An mưa lớn đã xuất hiện từ sáng sơm - báo hiệu cơn bão có thể đổ bộ vào đất liền là rất cao (Ảnh: Nguyễn Duy) 
 
Nhóm PV