1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bảo hiểm xã hội TPHCM “ôm” cục nợ khó đòi

(Dân trí) - Các doanh nghiệp hiện đang nợ Bảo hiểm xã hội TPHCM tới hơn 57 tỷ đồng. Tình trạng doanh nghiệp “chây ì” không đóng tiền bảo hiểm đang ở mức báo động, trong khi chế tài xử lý doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm còn nhiều “lỗ hổng”.

Theo con số tổng kết của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, tính đến ngày 31/8, còn 74 đơn vị nợ tiền bảo hiểm hơn 57 tỉ đồng, trong đó 32 đơn vị có số nợ trên 500 triệu. Các đơn vị “chây ì” thường tập trung ở các DN 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh, các doanh nghiệp ngành xây dựng.

Trước tình trạng doanh nghiệp nợ tiền BHXH kéo dài, BHXH TPHCM đã tiến hàng khởi kiện 7 doanh nghiệp ra tòa. Với biện pháp mạnh này, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn không tuân thủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm. 3 trường hợp cụ thể là Công ty Anjin, Công ty Lucky và Công ty Vina Haeng Woon đều hòa giải không thành lần thứ nhất.

Trường hợp nghiêm trọng nhất là Công ty Giày dép Kwang Nam tại quận Phú Nhuận. Bản án của tòa tuyên ngày 19/6 buộc công ty này phải trả dứt nợ khoản tiền 7,2 tỉ đồng trong thời hạn 3 tháng. Nhưng cho đến nay, thời hạn quy định này đã hết mà Kwang Nam mới chỉ chuyển cho BHXH 500 triệu đồng.

BHXH đã phối hợp cùng các cơ quan phong tỏa các tài khoản của công ty này tại các ngân hàng nhưng số dư tài khoản nào cũng chỉ có vài USD. Nếu xảy ra trường hợp Kwang Nam tuyên bố phá sản thì số tiền còn nợ BHXH gần 7 tỉ đồng có nguy cơ bị mất trắng. Hàng nghìn lao động tại công ty này cũng chịu thiệt thòi về quyền lợi bảo hiểm.

Theo ông Nguyễn Đăng Tiến, Trưởng phòng kiểm tra BHXH TPHCM: “Khó nhất hiện nay là những chế tài xử lý các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm chưa đủ mạnh và không đủ sức răn đe.

Thứ nhất: Khung xử phạt vi phạm hành chính còn thấp. Cứ phạt hoài nhưng mỗi lần chỉ vài triệu đồng thì chẳng ăn thua. Chọn giữa trả nợ hàng tỉ đồng hoặc nộp phạt số tiền thấp hơn hàng trăm lần để tiếp tục khất lần đương nhiên chẳng ai dại gì trả nợ ngay.

Thứ hai: những chế tài theo quy định của Nghị định 135 năm 2008 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực BHXH còn chưa được hướng dẫn cụ thể như tước quyền sử dụng giấy phép đăng ký kinh doanh, khấu trừ tiền trong tài khoản.

Thứ ba: Từ việc văn bản pháp luật chưa rõ ràng, dẫn đến nhận thức của các cơ quan, đơn vị về vấn đề này chưa thống nhất”.

Giữa tháng 9 vừa qua, BHXH Việt Nam cũng đã cử một đoàn công tác vào làm việc với BHXH TPHCM để rút kinh nghiệm về việc thu hồi nợ bảo hiểm. Theo đoàn công tác, tuy việc kiện doanh nghiệp nợ tiền BHXH trên không phải là lần đầu tiên tại Việt Nam (2 trường hợp đầu tiên là ở Cần Thơ và Bình Dương) nhưng đây có thể là bước thí điểm để đề xuất xây dựng khung pháp lý quản lý thực thi đóng BHXH nghiêm túc tại các doanh nghiệp.

Nguyên Tuấn