Quảng Nam:

Bao giờ nghề “trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa” trở lại thời hoàng kim?

(Dân trí) - Nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa gắn với đời sống của người dân Quảng Nam hàng trăm năm qua, nhưng kể từ năm 2000 đến nay, nghề này gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường tơ lụa thế giới làm cho sản phẩm đầu ra gặp khó khăn. Tỉnh Quảng Nam đã có đề án khôi phục lại nghề một thời hoàng kim này.

Ngày 3/5, ông Lê Trí Thanh dẫn đầu đoàn công tác gồm ngành nông nghiệp, công thương cùng một số doanh nghiệp trong lĩnh vực tơ tằm cùng đi khảo sát một số địa phương ven sông Thu Bồn gồm huyện Duy Xuyên, Đại Lộc và thị xã Điện Bàn để tái lập vùng trồng dâu và nuôi tằm.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thị sát vùng trồng dâu ở các bãi bồi ven sông
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thị sát vùng trồng dâu ở các bãi bồi ven sông

Huyện Duy Xuyên từng được xem là “thủ phủ tơ lụa” xứ Quảng trước đây. Vào thời kỳ hoàn kim, địa phương có đến hơn 2.000 ha đất trồng dâu nuôi tằm, sản lượng kén hàng năm đạt từ 1.300-1.500 tấn.

Trải qua những thăng trầm do kỹ thuật nuôi hạn chế, máy móc thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, đầu ra sản phẩm thiếu ổn định… nên hầu hết người dân không còn mặn mà với nghề trồng dâu nuôi tằm, làng nghề đứng trước nguy cơ mai một.

Những thửa ruộng trồng dâu xanh ngát của người dân ở ven sông
Những thửa ruộng trồng dâu xanh ngát của người dân ở ven sông

Từ hàng ngàn ha đất dành trồng dâu ở các huyện thị ven sông Thu Bồn, đến nay diện tích trồng dâu ở tỉnh Quảng Nam chỉ vỏn vẹn hơn chục ha với vài chục hộ tham gia nghề này. Các hộ trồng dâu nuôi tằm hiện nay chủ yếu là để… bán nhộng.

Những "biển" dâu xanh mướt nhường chỗ cho các loại cây trồng khác. Những làng nghề nổi tiếng một thời nay chỉ còn lưa thưa tiếng khung cửi lách cách. Để vực dậy nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, tỉnh Quảng Nam đã ban hành cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, phát triển làng nghề gắn với du lịch để giải quyết đầu ra sản phẩm. Địa phương cũng đang tính đến việc tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa ở các vùng bãi bồi ven sông để tạo ra vùng chuyên canh dâu rộng lớn.

Một người dân bên cạnh vườn dâu của mình
Một người dân bên cạnh vườn dâu của mình

Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – cho rằng, vấn đề quan trọng để phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm, trước tiên là phải khảo sát lại vùng trồng dâu nuôi tằm trước đây bây giờ xem lại điều kiện thổ nhưỡng có phù hợp cho việc trồng cây dâu không?

“Qua khảo sát thực tế thì hiện nay điều kiện rất phù hợp, cơ sở hạ tầng đã thuận lợi hơn và người dân hiện đang trồng các loại cây màu rất hiệu quả, hệ thống điện cũng được kéo ra tận đồng để đảm bảo cho việc tưới, sau này cây dâu cũng không đến nỗi khắc khe như cây màu. Vấn đề quỹ đất cho việc phát triển sản xuất hàng hóa, toàn bộ ven sông Thu Bồn – Vu Gia tính từ huyện Nông Sơn trở xuống hai bên bờ sông đều phì nhiêu, phù hợp cho vấn đề chuyên canh trồng dâu gắn với nuôi tằm”, ông Thanh nói.

Hiện nghề trồng dâu nuôi tằm vẫn còn một số hộ dân nuôi nhỏ lẻ
Hiện nghề trồng dâu nuôi tằm vẫn còn một số hộ dân nuôi nhỏ lẻ

Về hình thức hợp tác để trồng dâu nuôi tằm, ông Thanh cho rằng một là đất công ích do nhà nước quản lý có thể giao cho doanh nghiệp để họ chủ động phát triển vùng nguyên liệu; thứ 2 là liên kết giữa các hợp tác xã và các hộ nông dân với doanh nghiệp để tổ chức vùng trồng dâu, giải quyết giá thu mua ổn định… để người dân từng bước chuyển đổi đất màu sang trồng dâu.

Tỉnh Quảng Nam dành bao nhiêu hecta để phục hồi nghề trồng dâu? Ông Thanh cho biết, tỉnh dành 3.000ha nghiên cứu vùng trồng dâu nhưng sẽ chọn một vài nơi tiêu biểu cho từng vùng để tổ chức thành từng cụm từ 10-20ha. Sau khi tổ chức ổn định thì sẽ mở rộng diện tích trồng dâu. Dự kiến trong năm nay sẽ tiến hành trồng thử nghiệm.

Ươm tơ để phục vụ du khách ở làng lụa Hội An
Ươm tơ để phục vụ du khách ở làng lụa Hội An

Ông hy vọng nghề trồng dâu nuôi tằm ở tỉnh có trở lại thời hoàng kim? Ông Thanh cho rằng, thời xưa nghề trồng dâu nuôi tằm đúng là thời hoàng kim nhưng theo nghĩa phát triển nghề vào thời điểm đó, còn bây giờ chắc chắn sẽ trở thành nghề "hoàn kim" nhưng không cực khổ như xưa vì hiện nay khoa học công nghệ đã phát triển; hơn nữa nhu cầu của thế giới tiêu dùng các sản phẩm tự nhiên quay trở lại…

“Chính vì thế tơ tằm tự nhiên, văn hóa, phong tục tập quán và khát khao của người dân thì hoàn toàn chúng ta có thể tin là phục hồi nghề này lại được”, ông Thanh phát biểu.

Nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa có trở lại thời hoàn kim?
Nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa có trở lại thời hoàn kim?

Vấn đề quan trọng nhất theo ông Thanh là đầu ra. Hiện nay đã có các doanh nghiệp đang hoạt động rất hiệu quả, có quan hệ quốc tế rất tốt để tạo thị trường, có hợp đồng liên kết với Hiệp hội tơ lụa thế giới, tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu về tơ lụa phục vụ cho chế biến sâu. Ông Thanh cũng khẳng định hiện “đầu ra’ của tơ lụa rất tốt.

Ông Lê Thái Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty CP tơ lụa Quảng Nam – cho rằng, bây giờ muốn phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm phải làm ngược lại, có nghĩa là mình tìm kiếm đầu ra trước, sau đó mới quay lại sản xuất; nghĩa là tiến hành trồng dâu nuôi tằm.

Hơn nữa, việc trồng dâu nuôi tằm nay đã khác xưa chứ không phải “làm ruộng ăn cơm nằm, làm tằm ăn cơm đứng” như xưa nữa. Hiện doanh nghiệp của ông Vũ đã tổ chức thí điểm cho một số hộ nông dân ở Điện Bàn trồng dâu, bao tiêu toàn bộ sản phẩm, kể cả vấn đề trứng giống.

“Có đầu ra rồi chúng ta mới làm, không làm rầm rộ để vấn đề đầu ra là một nan giải. Hiện chúng tôi đã lo được đầu ra”, ông Vũ nói.

Công Bính