Báo động tình trạng phá thai và chênh lệch giới tính

(Dân trí) - Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới với nửa triệu ca mỗi năm, bằng 1/2 số em bé được sinh ra. Nếu năm 2006, chỉ 19 tỉnh có số bé sơ sinh trai nhiều hơn gái thì năm 2007, con số này là 35 tỉnh.

“Méo mặt” vì cố thằng cu

Người dân một xã thuộc huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc lâu nay vẫn không quên câu chuyện mang con đi giấu của giảng viên một trường ĐH lớn ở Hà Nội. Năm 1996, khi con gái đầu của ông đã học đến lớp 9, cô con gái thứ học lớp 6, và dù vợ ông cũng đã gần 40 tuổi, nhưng hai người vẫn nhất quyết phải có một “thằng cu” để lấy người nối dõi tông đường.

Động lực để vị cán bộ này có thể “làm liều” mà không sợ ảnh hưởng đến công tác, đó là do vợ con vẫn sinh sống ở quê. Thấp thỏm 9 tháng 10 ngày, cuối cùng một thằng cu cũng oe oe cất tiếng khóc chào đời.

Vừa sinh con được hơn tháng, cơ quan có dịp lên khu du lịch Tam Đảo (Vĩnh Phúc) chơi và mọi người đưa ra ý kiến về thăm quê của người đồng nghiệp. Lập tức, ông phải vội vàng “lánh” ra một góc, gọi điện về nhà đề nghị vợ con “di cư” sang nhà ngoại cho an toàn.

Hiện, con trai đã lớn, đến tuổi đi học ông mới chuyển vợ con lên Hà Nội. Lúc này, cơ quan có biết thì “mọi sự cũng rồi”.

Nhưng dù gì, gia đình ông cũng khá giả về kinh tế, nên có thêm đứa con thứ 3 cũng không tác động lắm đến đời sống gia đình.

Không chỉ những người đàn ông lớn tuổi mới mong có con trai để nối dõi tông đường, mà hiện nay, ở các vùng quê, rất nhiều thanh niên “choai”, lấy vợ sớm, không nghề không nghiệp nhưng cũng bắt vợ đẻ… đến khi ra thằng cu mới thôi.

Hiện Việt Nam là nước đông dân đứng thứ 13 trên thế giới. Trong khi đó, chỉ số phát triển con người và chất lượng dân số lại thấp, xếp thứ 108/177 nước.

 

Tuổi thọ trung bình tuy đã đạt đến 71,3 nhưng theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, tuổi thọ khỏe mạnh lại rất thấp, chỉ đạt 58,2 tuổi, xếp 116/174 nước.

 

Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tử vong của cả nước là gần 18%.

 

Tỷ lệ suy dinh dưỡng theo cân nặng của trẻ dưới 5 tuổi là 20,2%.

 

Tỷ lệ người tàn tật chiếm tới 6,3% dân số.

 

Có tới 1,5% dân số bị thiểu năng thể lực và trí tuệ…

Chị G ở thôn Đinh Xá, Nguyệt Đức, Yên Lạc, năm nay mới 28 tuổi mà một nách là 3 cô “cách cách” trứng gà trứng vịt. Hai vợ chồng lại ở riêng, nên cả hai người è cổ làm hơn 1 mẫu ruộng mà cảnh nhà vẫn nhếch nhác. Thế nhưng, khi cô con gái út mới được 3 tháng tuổi, anh chồng năm nay mới 30, nhưng nhìn thì như một ông già khắc khổ vì râu ria, gầy đét… đã lên kế hoạch “ăn mặn” cho cả vợ, chồng để sinh được con trai nhờ một người bạn mách nước.

Thế là dù con còn đang bú mẹ, anh vẫn bắt chị ăn cơm với cá mắm, canh muối, cơm muối… rồi đến nước uống cũng phải có tí muối. Giờ bụng vợ đã lùm lùm, hai hốc mắt thâm đen vì gầy như cá mắm, con út mới 7 tháng tuổi mà nhỏ không bằng đứa 3 tháng, anh vẫn phải giao hết việc nhà cho vợ để đi làm thuê, kiếm tiền về cho vợ đi siêu âm giới tính cho chắc.

Tâm sự với chúng tôi, chị G nước mắt ngắn nước mắt dài kể, trước đây chồng nào có tính gia trưởng, bắt đẻ bằng được con trai như thế. Không may cho chị, trong nhóm bạn 5 người của chồng, thì có tới 4 thằng được phép “ngồi mâm trên”, còn chồng chị, chỉ có “vịt” nên suốt ngày bị chúng bạn kích, anh mới quyết “đẻ bao giờ ra con trai thì mới thôi”.

Chị gái G ngồi bên cạnh cũng rầu rầu: “Thương em, nhưng chẳng biết làm sao. Thôi đành có gì ăn lại giấu giếm cho em chút bồi bổ. Khuyên chú ấy cũng chẳng nổi, vì chú ấy ham con trai quá. Chứ ở làng này, ối nhà 2 con gái, ngay tôi đây này, 2 cô con gái đã lớn, ngoan lại học giỏi, nên hai vợ chồng được rảnh rang làm kinh tế, không như cô em, suốt ngày trong thời gian ở cữ, đến khổ. Sức vóc nào chịu cho nổi”.
 
Báo động tình trạng phá thai và chênh lệch giới tính - 1
Nhiều người nói, con gái vừa hiền, ngoan, lại còn tâm lý với bố mẹ hơn con trai nhiều lần! (Ảnh: H.Hải)

Nỗi buồn của người “không biết đẻ”

“Câu chuyện của người bị chồng coi là “không biết đẻ” chắc chỉ người trong cuộc mới thấm thía nổi sự cay đắng. Mỗi một lần mang thai, thấp thỏm, đến khi con chào đời, là “vịt” thì lại thêm một lần cay đắng. Chồng chẳng hỏi thăm, bế con lấy một lần, rồi lại lè nhè rượu chè, đi đâu cũng chửi vợ “không biết đẻ con trai”, chị An, người đã có tới 4 cô con gái chua xót nói.

“Rồi ông ấy còn công khai, “cô không biết đẻ, tôi sẽ đi “gửi”, khi nào có thằng cu thì mang về cho mà nuôi, cho nở mày nở mặt”, chị An nói tiếp, mắt đã bắt đầu rơm rớm. Bầy con vây quanh chị chẳng hiểu sao mẹ khóc, chỉ im lặng.

Vì thế, lần mang thai thứ 5 này, chị đang đợi đến 3 tháng để đạp xe lên viện tỉnh, cách nhà hơn 30km siêu âm màu xem là trai hay gái rồi mới quyết đẻ hay không.

Theo ông Nguyễn Bá Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Y tế, cùng với ham muốn đẻ bằng được con trai, là nguy cơ dân số tăng theo, đồng thời, tình trạng nạo phá thai cũng tăng. Nhiều người đã có 2 con gái, nhưng vẫn cố gắng đẻ “mót” lấy thằng cu nối dõi tông đường, nên không ngần ngại phá bỏ thai khi biết giới tính là nữ. Điều này đã đẩy số ca nạo phá thai ở nước ta không ngừng tăng lên. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới với nửa triệu ca mỗi năm, bằng 1/2 số em bé được sinh ra. Con số thực tế có thể cao hơn do việc ghi chép các ca phá thai thường không đầy đủ, nhất là ở khu vực y tế tư nhân. Gần 1/3 số phụ nữ phải bỏ thai đang ở tuổi vị thành niên.

Báo động đỏ sinh con thứ 3 và chênh lệch giới tính

Cũng theo ông Nguyễn Bá Thuỷ, hiện đang xảy ra tình trạng đột biến sinh con thứ 3. Tính đến thời điểm này, có tới 39/64 tỉnh, thành phố có mức sinh tăng lên so với cùng kỳ. Trong đó, có những tỉnh tăng mạnh như Sóc Trăng, Sơn La, Phú Thọ, 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM cũng tăng.

Đặc biệt, đã có gần 5.000 trường hợp sinh là con thứ 3 trở lên, tăng 17,3% so với cùng kỳ 2007; có 34/64 tỉnh, thành phố có số trường hợp sinh con thứ 3 trở lên tăng. Có những tỉnh tăng đột biến như Bắc Ninh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Nguyên... Cùng với việc sinh con thứ 3 tăng đột biến, là tình trạng mất cân bằng giới tính đang ở mức báo động đỏ.

Cách đây 10 năm tỉ lệ giới tính ở VN ngang bằng với mức độ trung bình của thế giới là cứ 100 bé gái thì có 105-107 bé trai, nhưng trong vài năm trở lại đây, số lượng bé trai nhiều hơn bé gái, với tỷ lệ chênh lệch là 112/100.

Tỷ số giới tính khi sinh hiện nay ở nước ta tương đương với Trung Quốc cách đây 20 năm và hiện nước này thiếu khoảng 20 triệu phụ nữ. Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì mức mất cân bằng giới như hiện nay thì những năm tới, tình trạng thiếu nữ cũng rất nghiêm trọng, nếu không được khắc phục, Việt Nam sẽ phải “nhập khẩu” cô dâu, hơn nữa, chất lượng dân số sẽ khó được cải thiện.

Hậu quả của việc chênh lệch giới tính đã được cảnh báo. Đó là sự gia tăng mâu thuẫn trong tìm kiếm bạn tình và vấn đề hôn nhân. Nhiều nam giới không tìm được bạn tình hoặc vợ, sẽ lâm vào tình trạng gia tăng nồng độ nội tiết tố nam (testosteron), dẫn đến tăng tính hung hãn. Tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và mại dâm cũng sẽ tăng… Mất cân bằng giới tính vừa gây nguy hại cho cơ cấu dân số, vừa dẫn đến bất ổn trong xã hội.

Hồng Hải