1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Báo động những vụ tai nạn thương tâm với trẻ

(Dân trí) - Ngồi trước nhà đại thể, người bố làm cửa sắt kẹp vào đầu con trai không ngừng gào khóc thảm thiết, tự trách mình đã vô tình sát hại con. Không ít các vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra đối với trẻ nhỏ từ “một giây” bất cẩn của người lớn.

Tai nạn thương tâm

Báo động những vụ tai nạn thương tâm với trẻ
Hiện trường vụ bé Quốc Anh bị cửa sắt tự động kẹp trúng đầu gây tử vong.

Do đặc thù công việc phải vắng nhà nên cứ đến ngày cuối tuần, anh Vũ Xuân Vương (30 tuổi, quê Thái Bình) lại tranh thủ chạy từ chỗ làm đến trường mần non để đón con trai là bé Vũ Xuân Quốc Anh (4 tuổi) rồi chở quay lại nơi làm việc để đến tối hai bố con cùng nhau trở về nhà trọ tại Bình Dương.

Xế chiều 3/3, sau khi gần hoàn tất công việc, anh Vương vội vã dắt chiếc xe đi đón bé Quốc Anh. Khi chở con về lại nơi làm việc anh Vương để bé Anh chơi trong sân rồi ra ngoài quét dọn. Lo lắng cậu bé đang trong tuổi tinh nghịch chạy ra đường nên trước khi bắt tay vào công việc anh Vương đã bấm nút tự động cho cánh cổng sắt đóng lại.

Vừa quay lưng đi được vài bước thì bất chợt anh Vương giật thót mình bởi tiếng thét lên của bé Quốc Anh. Vội vã quay lại, anh này như chết đứng khi phát hiện con trai mình đang bị kẹt chặt đầu ở khe giữa 2 cánh cổng sắt.  Tức tốc anh Vương cùng mọi người bấm cửa sắt mở ra để kéo bé Anh ra ngoài đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng bé đã tử vong trên đường đến bệnh viện.

Trước đó không lâu, vào ngày 20/10/2011 tại tỉnh Lào Cai, một vụ tai nạn thương tâm khác liên quan đến cửa tự động đã xảy ra khiển bé Hoàng Minh Đ. (4 tuổi), con anh Hoàng Trọng Chuyên (công tác ở Ban dự án xây dựng khu đô thị mới Lào Cai – Cam Đường, trú tại tổ 10, phường Bắc Cường , thành phố Lào Cai) tử vong.

Được biết, vào buổi sáng cùng ngày, anh Chuyên phải đưa con trai lớn đến trường học. Sau khi dắt xe ra ngoài, anh này bấm nút tự động để đóng cửa. Trong lúc cánh cửa chưa đóng lại hoàn toàn thì anh Chuyện đã vụt ga chở con đến trường. Khoảng 20 phút sau quay về nhà thì anh này như kinh hoàng phát hiện đứa con trai 4 tuổi bị kẹt chặt dưới cửa cuốn và đã tử vong.

Ngoài hai vụ tai nạn thương tâm kể trên, còn vô số các vụ tai nạn ở trẻ nhỏ khác thường gặp. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2, TPHCM tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi gặp dị vật đường thở, bỏng nước, bỏng điện, ngộ độc, nhiều ca chấn thương như gãy tay, gãy chân, chấn thương sọ não, chấn thương cột sống vì té ngã...

Luôn để mắt đến trẻ

Báo động những vụ tai nạn thương tâm với trẻ
Không nên để trẻ chơi ở những nơi tiềm ẩn xảy ra tai nạn.

Trước những tai nạn dễ xảy ra với trẻ, các bậc làm cha mẹ, người lớn không nên chủ quan, lơ là trong việc giám sát, theo dõi con trẻ; không cho trẻ cầm các vật nhọn, không đặt vật nhỏ, tròn như hạt nút; các loại hạt; nước sôi... trong tầm với của trẻ; hạn chế dùng xe tập đi cho trẻ; bọc nệm các cạnh bàn; làm hàng rào ngay các bậc lan can, cầu thang; kiểm tra các cửa sổ xem trẻ có thể trèo qua hay không, nếu có nên khóa lại cẩn thận,…

Để hạn chế những rủi ro, tai nạn có thể xảy ra đối với trẻ nhỏ, theo PGS. TS. BS Đoàn Thị  Ngọc Diệp - Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM: “Hầu hết trẻ mắc phải những tai nạn đều là do sự sơ ý hoặc một phút lơ là ở người lớn. Vì thế biện pháp tốt nhất để phòng ngừa tai nạn cho trẻ chính là sự nhận thức, cảnh giác của người lớn trước các nguy cơ có thể gây ra tai nạn”.

Ngoài ra các bác sĩ khuyến cáo, trong trường hợp trẻ gặp phải các tai nạn cần tiến hành sơ cứu cho các cháu trước khi chuyển đến bệnh viện. Với những trẻ bị ngộ độc, nếu đã mất ý thức và ngưng thở thì tiến hành cấp cứu ngưng thở ngưng tim. Trường hợp còn tỉnh táo thì gây nôn cho trẻ và cho uống nhiều nước lọc, nước đường.

Trẻ bị bỏng do nhiệt, nước sôi, hóa chất, điện... trước khi đưa trẻ đến bệnh viện cần vén bỏ quần áo, để lộ vùng bị bỏng và rửa sạch vết bỏng bằng nước sạch. Không bôi kem đánh răng hay nước mắm lên vết bỏng, phủ vải sạch lên vết bỏng. Trẻ bị hóc dị vật cần vỗ ngực ấn lưng để tống dị vật ra ngoài. Không đưa tay vào móc họng trẻ nếu không nhìn thấy dị vật.

Khi thấy trẻ bị ngã, phụ huynh cần xem mức độ chấn thương của trẻ để có cách xử lý tốt nhất. Cách xử lý ban đầu là lấy chiếc khăn, nhúng nước lạnh vắt ráo nước, rồi đắp lên trên vết bầm hoặc bọc nước đá vào khăn và áp lên chỗ chấn thương. Nếu trẻ đau nhiều hoặc đau khi cử động, tay chân bị bầm tím thì cần lưu ý có thể trẻ bị bong gân hay gãy xương.

Báo động những vụ tai nạn thương tâm với trẻ
Luôn để mắt đến trẻ kể cả ở những nơi tưởng như an toàn nhất

Với những trẻ bị chấn thương, nếu nghi các cháu mắc phải chấn thương cột sống cần phải cố định vết thương trước khi đưa các cháu đến bệnh viện. Tránh trường hợp trẻ đứt tủy sống dẫn đến bại liệt suốt đời.

Nếu trẻ than đau nhiều ở vùng bị chấn thương, vết thương sưng và sau đó bị bầm tím, cử động khó khăn vùng bị chấn thương, hoặc chân hay tay trẻ có thể bị cong một cách kỳ lạ thì nên đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra và xử trí kịp thời.

Trung Kiên