“Báo chí phải bảo vệ được nguồn tin”

(Dân trí) - “Báo chí có quyền thực hiện theo Luật Báo chí không cung cấp nguồn tin nếu có hại cho họ. Việc này bảo đảm người cung cấp thông tin tham nhũng, tiêu cực không bị sợ hãi, không bị ai trả thù”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN Hà Minh Huệ nói.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về thông tin Bộ Công an sẽ “nghiên cứu, sửa đổi Điều 7 Luật Báo chí”, ông Hà Minh Huệ nhắc lại việc một năm trước đây, khi đưa ra Thảo luận Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi bổ sung có đề cập đến quy định cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ việc xác minh hành vi tham nhũng. Quy định này đã bị bác bỏ và ông Huệ cũng là người tham gia “bác” điều đó.

Ông nhìn nhận thế nào trước thông tin Bộ Công an sẽ “nghiên cứu, sửa đổi Điều 7 Luật Báo chí theo hướng cho phép thêm thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp cũng có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng”?

Đây mới là kiến nghị của cơ quan chức năng liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng. Để kiến nghị này trở thành hiện thực nó phải là sáng kiến xây dựng pháp luật và đưa ra Quốc hội xem có được chấp thuận hay không. Nhưng làm được điều đó cũng phải qua một quá trình sàng lọc. Hơn nữa, nếu điều này nằm trong Luật Báo chí thì phải trong khuôn khổ sửa đổi Luật Báo chí chứ không tự dưng nêu ra vấn đề. Trong chương trình nghị sự của Quốc hội đợt này cũng không có nội dung sửa đổi bổ sung Luật Báo chí.

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ

Theo tôi, với kiến nghị trên Bộ Công an đã quan tâm đến vai trò của báo chí trong việc phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, những nội dung quy định trong Điều 7 Luật Báo chí cũng thể hiện rất rõ báo chí có quyền và trách nhiệm không cung cấp nguồn tin nếu có hại cho người cung cấp thông tin. Đây là nguyên tắc hết sức phổ biến trong báo chí quốc tế. Báo chí phải thể hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia vào phản biện xã hội, thực hiện chức năng thông tin.

Việc nghiên cứu, sửa đổi Điều 7 Luật Báo chí, liệu có đi ngược với xu hướng không vì hầu hết các quốc gia phát triển đều quy định cho phép các nhà báo có quyền tuyệt đối trong việc bảo vệ nguồn tin của họ?

Tôi không nói về xu thế vì luật pháp mỗi nước khác nhau. Báo chí thế giới có thông lệ chung nhưng nhiều vấn đề mình cũng không thể áp dụng được vì của ta cũng khác so với nhiều nước. Thế nhưng cái gì tốt cho xã hội thì báo chí Việt Nam sẽ làm. Báo chí luôn sẵn sàng hợp tác với Bộ Công an và các cơ quan chức năng khác trên phương diện chức năng, nhiệm vụ của mình nhưng cũng phải làm theo luật pháp.

Như ông nói, cái gì tốt cho xã hội thì áp dụng. Vậy đề xuất sửa đổi Điều 7 Luật Báo chí có tốt cho xã hội không?

Đây mới là thông tin Bộ Công an sẽ tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Điều 7. Phải nói như vậy vì không phải một mình Bộ Công an làm được điều này.

Cũng phải nhắc lại, một năm trước đây khi Thanh tra Chính phủ (cơ quan chủ trì soạn thảo Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi) đã đưa ra lấy ý kiến về quy định cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ việc xác minh hành vi tham nhũng đã bị bác bỏ. Tôi cũng là người tham gia bác điều đó.

Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi và Điều 7 Luật Báo chí đang phát huy vai trò tích cực trong cuộc sống. Vậy theo ông có nhất thiết phải sửa đổi Điều 7 như thông tin của Bộ Công an đưa ra?

Theo tôi việc không cung cấp nguồn tin nếu có hại cho người cung cấp thông tin là đúng đắn. Điều này trong Luật Phòng chống tham nhũng bổ sung, sửa đổi năm 2012 đã chấp thuận. Trong thực tế, Luật Phòng chống tham nhũng và Điều 7 Luật Báo chí cũng phù hợp với nhau nên cứ như vậy mà thực hiện.

Khi người dân cung cấp thông tin cho báo chí, điều đó chứng tỏ họ đang tin tưởng vào báo chí trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Trường hợp nguồn tin không được bảo vệ, nhiều người e ngại họ sẽ không hợp tác với báo chí nữa và nguồn cung cấp thông tin cho báo chí trong phòng chống tiêu cực, tham nhũng phần nào sẽ bị hạn chế?

Qua báo chí, nguồn tin muốn phản ánh tâm tư nguyên vọng đến bạn đọc vì đơn giản đây là phương tiện có nhiều người quan tâm. Trong việc phòng chống tham nhũng, thời gian qua báo chí cũng làm được rất nhiều điều nên được người dân tin tưởng giao tâm tư, nguyện vọng.

Tin tức nhà báo không tự phịa ra được và báo chí sống bằng nhiều nguồn tin của mình. Do vậy, các nguồn tin đóng góp vai trò rất quan trọng làm cho nhà báo thành công trong những bài viết về tham nhũng. Tôi phải nhắc lại báo chí cần thực hiện đúng theo luật là bảo vệ nguồn tin để bảo đảm cho người cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực không bị sợ hãi, không bị ai trả thù.

Như vậy, việc bảo vệ nguồn tin là yếu tố sống còn trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng của báo chí, thưa ông?

Đúng vậy! Việc bảo vệ nguồn tin rất quan trọng đối với báo chí. Trong điều 6 của quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam cũng đã nêu rõ bảo vệ bí mật quốc gia, nguồn tin và giữ bí mật cho người cung cấp thông tin.

Điều 86 về vai trò, trách nhiệm của báo chí trong Luật Phòng chống tham nhũng bổ sung, sửa đổi năm 2012 có khẳng định: Nhà nước khuyến khích các cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin, phản ánh về vụ việc tham nhũng và hoạt động phòng chống tham nhũng. Các cơ quan báo chí, phóng viên có quyền yêu cầu cơ quan tổ chức cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu đó theo quy định của pháp luật. Trường hợp không cung cấp cho báo chí phải trả lời bằng văn bản và có lý do. Bên cạnh đó cơ quan báo chí phải đưa tin trung thực, khách quan; Tổng biên tập, phóng viên phải chịu trách nhiệm cao về việc đưa tin, chấp hành pháp luật về báo chí.
 
Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (thực hiện)