Báo chí được thông tin theo nguồn tài liệu nhưng không được quy kết tội danh

(Dân trí) - Đối với vụ án đang điều tra, truy tố, chưa xét xử và các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.

Ảnh minh họa (Người Lao Động).
Ảnh minh họa (Người Lao Động).

Thông tin từ Bộ Tư pháp cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản báo cáo tiếp thu, giải trình về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp thu ý kiến góp ý của Bộ Tư pháp, chỉnh sửa quy định liên quan đến việc báo chí phản ánh về các vụ án: “Đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, chưa xét xử và các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin; thông tin không được quy kết tội danh (…) và phải nêu rõ là nguồn tin riêng của cơ quan báo chí, nhà báo”.

Bộ Tư pháp cho rằng nội dung cơ bản của dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cần quy định cụ thể nội hàm của quyền tự do báo chí của công dân, cụ thể hóa nguyên tắc giới hạn, quyền bảo đảm an toàn thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình quy định của Hiến pháp 2013. Theo đó cơ quan này cho rằng quyền tự do báo chí được nêu trong dự thảo luật còn quá ít, trong khi lại tập trung quy định về tiêu chuẩn người đứng đầu, điều kiện phóng viên thường trú,… dẫn tới không bảo đảm sự cân đối giữa các nội dung của luật.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cho rằng quy định về bảo đảm an toàn thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của dự thảo vẫn còn còn quá ít, chưa giải quyết được tình trạng xâm phạm bí mật riêng tư trên các báo, nhất là báo điện tử hiện nay. Điều 38 dự thảo luật về cung cấp thông tin cho báo chí mới chỉ giới hạn các cơ quan có quyền không cung cấp thông tin về các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố… là chưa đủ, cần bổ sung việc cung cấp thông tin thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, ví dụ như cơ quan thanh tra có quyền không cung cấp thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra khi chưa có kết luận chính thức.

Né tránh cung cấp thông tin cho báo chí

Theo báo cáo đánh giá tác động dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), việc bảo vệ nguồn tin đã được Điều 7 Luật Báo chí hiện hành quy định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”. Tuy nhiên, thực tế, nhà báo đôi khi bị gây áp lực phải cung cấp tên người cung cấp thông tin, đặc biệt là các tin bài liên quan đến chống tiêu cực. “Đó là nguyên nhân khiến nhiều người không dám hoặc ngại cung cấp thông tin cho báo chí”- Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định.

Ở khía cạnh khác, trong khi giải quyết khiếu nại, tố cáo, một số nhà báo, cơ quan báo chí viện cớ việc quy định “không tiết lộ tên người cung cấp thông tin” để từ chối cho biết về nguồn tin của mình trong nhiều trường hợp, gây khó khăn cho việc làm rõ đúng, sai của các cơ quan chức năng (cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí). Ngoài ra, đối với nhiều vụ án đang trong quá trình điều tra, xét xử, nhiều cơ quan báo chí đã thay cơ quan chức năng “quy kết tội danh”, không phù hợp với nguyên tắc “không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật”.

Điều 7 Luật Báo chí hiện hành quy định: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí”. Từ tính nguyên tắc của luật, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Quy chế này đã giúp hoạt động thông tin cho báo chí đi vào nề nếp; cơ quan báo chí có địa chỉ liên hệ cụ thể để lấy thông tin chính thống, chính xác, kịp thời định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Tuy nhiên Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đánh giá, ở một số nơi, việc thực hiện quy chế còn mang tính hình thức. Một số cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương cử những người không đủ thẩm quyền cung cấp thông tin hoặc chậm đưa tin chính thống; nhiều nơi có tâm lý né tránh, không muốn trả lời những vấn đề liên quan đến cơ quan, địa phương mình, đặc biệt là đối với những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, không ít người phát ngôn và người được ủy quyền phát ngôn gây khó dễ cho phóng viên tác nghiệp bằng cách đòi hỏi xuất trình giấy tờ vượt mức quy định. Trong một số trường hợp, với các vấn đề tác động lớn đến kinh tế - xã hội, các cơ quan thường phải chờ xin phép, dẫn đến tình trạng thông tin báo chí chính thống lại chậm hơn các thông tin từ mạng xã hội.

Người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc hay tổng biên tập?

Trong dự thảo Tờ trình Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ được gửi tới Chính phủ xin ý kiến, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết quy định chức danh người đứng đầu, tổng biên tập cơ quan báo chí hiện đang có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng nên quy định chức danh người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc, giám đốc thay vì chức danh tổng biên tập như Luật Báo chí hiện hành. Ngoài ra, xây dựng chức danh tổng biên tập có nhiệm vụ phụ trách và chịu trách nhiệm đối với từng loại sản phẩm báo chí.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng nên giữ nguyên chức danh của người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng biên tập như luật hiện hành.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực tế hiện nay nhiều cơ quan báo chí đã thực hiện 2 hoặc 3loại hình báo chí, nhiều cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm báo chí (như báo Sài gòn giải phóng, báo Tiền phong, báo Pháp luật Việt Nam, báo Đời sống & Pháp luật, Đầu tư...). Thời gian tới, khi thực hiện Quy hoạch báo chí, việc thu gọn đầu mối các cơ quan báo chí sẽ làm tăng số lượng cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm báo chí. Hiện tại, người đứng đầu cơ quan báo chí vừa chịu trách nhiệm về nội dung, vừa lo kinh tế báo chí nên rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, dự thảo luật quy định người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc, giám đốc chịu trách nhiệm chung và có thể kiêm nhiệm tổng biên tập một hoặc một số ấn phẩm, kênh, ban chương trình; tổng biên tập chịu sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu cơ quan báo chí và chịu trách nhiệm chủ yếu về nội dung của sản phẩm báo chí.

Chính vì thế, Bộ Thông tin và Truyền thông đồng tình với loại ý kiến thứ nhất, quy định chức danh người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc, giám đốc thay vì chức danh tổng biên tập.

Thế Kha

Ảnh minh họa (Người Lao Động).