“Bão casino” ập xuống xóm nghèo

Chuyện một thanh niên ở xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương sang Campuchia đánh bài thua bị chặt một ngón tay đã trở thành tâm điểm của những cuộc bàn tán trên địa bàn tỉnh Bình Dương bấy lâu nay.

Ngựa quen đường cũ

 

Đến khu vực xã Hòa Lợi (huyện Bến Cát) hỏi thăm về chuyện thanh niên ở xã sang Campuchia đánh bài bị chặt ngón tay thì ai cũng biết.

 

Chị Trâm, chủ quán cà phê ven đường DT 741, cho biết cả tuần nay, ai cũng bàn tán về chuyện thằng Ung Văn Chu Toàn bị chặt ngón tay gửi về gia đình đòi tiền chuộc. Bây giờ, gia đình nào ở đây có con trai mới lớn đều nơm nớp lo sợ, không biết con mình có bị dụ dỗ vào con đường cờ bạc hay không.

 

Để tìm hiểu thêm, chúng tôi đã đến Công an xã Hòa Lợi và được ông Đặng Văn Xế, trưởng công an xã, cho biết vụ việc đã được chuyển về công an huyện nên ông không thể nói gì thêm.

 

Theo hướng dẫn của ông Xế, chúng tôi tìm đến nhà Toàn, gặp bà Nguyễn Thị Điệp (mẹ Toàn) đang ngồi coi thợ làm nhà với ngổn ngang đồ đạc.

 

Tiếp chúng tôi, bà Điệp nói về đứa con trai út của mình với đôi mắt đượm buồn và luôn nhìn về nơi khác như trông chờ đứa con trai trở về.

 

Trước đây, Toàn là một đứa trẻ ngoan hiền. Cuối năm 2009, Toàn bắt đầu giao du với một số thanh niên trong xã và dính vào cờ bạc. Sau Tết Canh Dần, Toàn theo đám bạn qua Campuchia đánh bài và thua khoảng 5.000 USD nên bị giam lại đó. Lần đó, gia đình phải chạy vạy khắp nơi mới có đủ tiền chuộc Toàn về.

 

Nhưng rồi “ngựa quen đường cũ”, Toàn tiếp tục sang Campuchia đánh bài và lại thua. “Lần này, gia đình phải bán căn nhà mặt tiền để chuộc nó về” - bà Điệp kể.

 

Cứ tưởng Toàn sẽ tu tâm dưỡng tính nhưng đứa con hư hỏng này vẫn lén sang Campuchia đánh bài và thua 12.000 USD. Ngày 11/7, gia đình bà Điệp nhận được một gói thuốc lá do một thanh niên đem đến.

 

“Khi mở ra, tôi choáng váng khi thấy ngón tay của thằng Toàn và tờ giấy đòi tiền chuộc”- bà Điệp rưng rưng nước mắt nói. Ngay sau đó, gia đình đã báo công an toàn bộ sự việc.

 

Có sự xúi giục

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết xã Hòa Lợi có hàng chục thanh niên tham gia đường dây sang Campuchia đánh bài với số tiền thua lên đến hàng trăm triệu đồng.

 

Theo chị Trâm, nhà ông Đ. cũng có con trai sang Campuchia đánh bài, gia đình phải vay tiền để chuộc về. Còn gia đình bà V. cũng phải bán 1 ha cao su đang thu hoạch để lấy tiền chuộc con.

 

Bà Phạm Thị Chín, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lợi, cho biết từ đầu năm 2010, chính quyền xã đã nắm được thông tin có một số thanh niên sang Campuchia đánh bài và UBND xã đã tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của đánh bạc.

 

Theo chính quyền địa phương, các gia đình có con em đi đánh bạc ở Campuchia đều không khá giả, trước giờ chỉ làm nông. Do có sự xúi giục nên các em đã lao vào con đường cờ bạc. Hiện công an đang điều tra vụ việc.

 

Học sinh rủ nhau qua Campuchia đánh bạc

 

Ngày 20/7, 3 nữ sinh lớp 10 ở các huyện Bến Cát, Long Bình và Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) đã được gia đình chuộc về từ các sòng bài ở Campuchia sau 15 ngày mất tích.

 

Ông Nguyễn Thái B. (ngụ huyện Bến Cát) cho biết vừa bỏ ra 50 triệu đồng để chuộc con gái là Nguyễn Thùy D. (SN 1994, học sinh Trường THPT Bến Cát). “Có người gọi điện bảo con gái tôi thua bài bên Campuchia và phải mang tiền qua chuộc, nếu sau 5 ngày mà không qua thì chúng sẽ đưa cháu sang Thái Lan bán cho nhà chứa”-  ông Bình nói.

 

Trước đó, ngày 5/7, người bạn mới quen tên là Hương đã rủ D. và một bạn gái khác tên L. đi chơi và bắt taxi chạy thẳng đến biên giới rồi bắt xe ôm qua một sòng bài ở Campuchia.

 

Tại đây, các em được cho ở khách sạn, ăn uống, đi spa... trong một tuần đầu. Sau đó, “ông bà chủ” (cách gọi của Hương) đưa cho mỗi em mượn 2.000 USD để đánh bài. “Ban đầu ăn được hơn 20 triệu đồng nhưng dần dần thua hết” - Thùy D. kể.

 

Theo Hương, “ông bà chủ” sẵn sàng cho vay đến 10.000 USD để đánh bài nhưng trong vòng một tuần sau khi thua hết tiền, phải điện thoại kêu người nhà mang tiền sang chuộc nếu không sẽ bị hành hạ. D. cho biết gia đình của Hương đã bỏ ra 160 triệu đồng và gia đình Lê bỏ ra 100 triệu đồng để chuộc con về. (Q.Lâm)

 

Theo Văn Hùng

 Người lao động